Tăng cường hệ thống giám sát tài nguyên đất trong điều kiện BĐKH

Đăng ngày: 25-12-2017 | Lượt xem: 1256
(TN&MT) - Nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên đất trong điều kiện BĐKH tại Việt Nam, phục vụ công tác hoạch định chính sách đất đai về giám sát tài...

Theo nhận định của các nhà khoa học, tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất là không rõ ràng. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu đã bước đầu khẳng định những biểu hiện ở nước ta. Đó là khô hạn gia tăng do mưa cực đoan và nắng nóng bất thường, biểu hiện rõ nhất trong mùa khô ở các vùng miền núi và trung du Bắc bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Gia tăng sự xói mòn, sạt lở đất trong mùa mưa ở các vùng đồi núi; sự úng ngập ở khu vực thấp, đồng bằng cũng do mưa lớn tập trung trong mùa mưa; xói lở ven sông, ven biển do nước biển dâng, triều cường; xâm nhập mặn do nước biển dâng và khô hạn gia tăng. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn bao gồm việc sụt giảm lượng nước trong mùa lũ.

Khí hậu cực đoan làm gia tăng khô hạn đất ở nhiều địa phương

Mất đất, sự dịch chuyển của các bãi bồi do nước biển dâng và tương tác giữa các dòng thủy triều biểu hiện rõ nhất ở dải ven biển đặc biệt là vùng đất mũi Cà Mau. Công cụ ảnh vệ tinh có thể nhận diện rõ hiện tượng xói lở, xâm thực bờ biển tại dải ven biển Việt Nam, sạt lở, trượt lở... Tuy nhiên không xác định chính xác diện tích và mức độ mà cần phải thông qua đo đạc hoặc các kỹ thuật định lượng khác. Từ nghiên cứu cơ sở thực tiễn cho thấy, việc giám sát tài nguyên đất (về số lượng, chất lượng đất) trong điều kiện biến đổi khí hậu tại Việt Nam vẫn cần phải thông qua các cuộc điều tra, khảo sát thực địa theo định kỳ (đánh giá đất và thống kê, kiểm kê đất đai).

Từ nghiên cứu tổng quan và đánh giá thực trạng, đề tài đã xây dựng các tiêu chí giám sát tài nguyên đất đối với khu vực chịu ảnh hưởng của BĐKH (theo mục đích sử dụng đất; hình thức bị ảnh hưởng) và phương pháp giám sát. Từ đó đề xuất khung giám sát tài nguyên đất trong bối cảnh BĐKH nói chung và các khu vực chịu tác động của BĐKH nói riêng và thử nghiệm tại 2 tỉnh Nam Định và Gia Lai. Kết quả, đã xác định thành công ranh giới bị ảnh hưởng của BĐKH và sự suy thoái chất lượng đất, cũng như diện tích cơ cấu của một số loại đất chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào những năm 2020, 2030 và 2050. Kết quả thử nghiệm các tiêu chí, chỉ tiêu và biểu mẫu quy trình và phương pháp được đề xuất đã xác định khá chính xác về thực trạng chất lượng đất thông qua kết quả điều tra đánh giá thoái hóa đất, số lượng đất thông qua kết quả thống kê, kiểm kê đất đai tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cụ thể tổng diện tích đất bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cần giám sát trên địa bàn 2 tỉnh Nam Định và Gia Lai là 833.530 ha.

Sạt lở đất

Trên cơ sở này, các chuyên gia đã xây dựng quy trình giám sát tài nguyên đất đối với các khu vực chịu ảnh hưởng của BĐKH tương ứng theo 3 công cụ giám sát cũng được đề xuất: Quy trình giám sát tài nguyên đất đối với các khu vực chịu ảnh hưởng của BĐKH thông qua kết quả thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ; Quy trình giám sát tài nguyên đất đối với các khu vực chịu ảnh hưởng của BĐKH thông qua kết quả điều tra đánh giá đất đai địnhkỳ và hệ thống quan trắc chuyên ngành; Quy trình giám sát biến động sử dụng đất và các sự cố sạt lở, trượt lở, xói lở, ngập úng đất thông qua ảnh vệ tinh và công nghệ viễn thám.

Khung giám sát tài nguyên đất đã được hoàn chỉnh sau kết quả thử nghiệm tại địa bàn tỉnh Gia Lai và Nam Định, có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng bản đồ giám sát tài nguyên đất tỷ lệ 1: 50.000; Bộ bản đồ đất bị thoái hóa tỷ lệ 1: 25.000 - 1: 100.000 với các loại hình: đất bị xói mòn; đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa; đất bị kết von, đá ong hóa; đất bị suy giảm độ phì nhiêu; đất bị xâm nhập mặn.

Các chuyên gia khẳng định, việc thực hiện giám sát tài nguyên đất đối với các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thông qua kết quả điều tra đánh giá đất đai định 29 kỳ, kiểm kê đất đai định kỳ có thể giải quyết được mục tiêu giám sát biến động sử dụng đất trong điều kiện biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay. Thông qua kết quả này, có thể dự báo cho từng tỉnh số lượng, phạm vi và mức độ bị ảnh hưởng theo loại hình suy thoái, như đất bị khô hạn; đất bị xói mòn; đất bị hoang mạc hóa, đất bị sa mạc hóa; đất bị mặn hóa... và theo từng loại đất theo các vùng miền (vùng đồi núi, vùng đồng bằng, vùng ven biển), theo các kịch bản biến đổi khí hậu đã công bố từ đó có giải pháp ứng phó hữu hiệu.

Bên cạnh đó, phương án ứng dụng công nghệ GIS và sử dụng ảnh vệ tinh (độ phân giải cao) cần kết hợp kết quả điều tra đánh giá đất đai, thống kê kiểm kê đất đai định kỳ để tiến hành xử lý các dữ liệu chính xác khắc phục sai số, xác định ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sử dụng đất tại địa phương. Quy trình, công cụ, phương pháp giám sát tài nguyên đất được đề xuất gắn với các cuộc điều tra đất đai định kỳ cho phép tiết kiệm đối đa chi phí thực hiện mà vẫn đạt hiệu quả mong muốn. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để Bộ TN&MT xây dựng và ban hành một thông tư quy định kỹ thuật bao gồm cả hệ thống chỉ tiêu định lượng, phương pháp và sơ đồ trình tự các bước để hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: