Thích ứng với biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 16-02-2019 | Lượt xem: 1166
Khép lại năm 2018, ngành nông nghiệp đã đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhưng cũng trong năm qua, ngành nông nghiệp phải hứng chịu thiệt hại nặng nề từ 13 cơn bão và áp...
thich ung bdkh1

Vựa lúa ĐBSCL đang chịu nhiều thách thức trước biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa

Biến đổi khí hậu (BÐKH) và các hiện tượng thiên tai cực đoan, dị thường không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu trên các vùng miền cả nước. Con số thiệt hại ước tính 20.000 tỷ đồng cho thấy nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn dễ bị tổn thương trước thiên tai do phụ thuộc nhiều vào khí hậu và tài nguyên thiên nhiên. Do vậy, vấn đề cấp bách đặt ra với đất nước là tìm các giải pháp thích ứng với BĐKH, nhằm bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo... trong bối cảnh BÐKH đang tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp nước ta.

Trong khi đó, chúng ta vẫn còn những hạn chế trong thích ứng với nông nghiệp như: Việc canh tác không đúng kỹ thuật làm tăng lượng khí CO2, giảm nguồn hữu cơ cho đất, tăng xói mòn, làm tăng sự mất mát ni-tơ trong đất. Công tác dự báo, cảnh báo sớm còn hạn chế dẫn đến việc kịp thời ứng phó trong sản xuất nông nghiệp nói chung, cây trồng, vật nuôi nói riêng gặp nhiều khó khăn...

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, BÐKH sẽ làm giảm năng suất lúa 0,41 tấn/ha vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050; năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/ha vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050... Dự báo đến năm 2100, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập 89.473ha, tương ứng khu vực này sẽ mất khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm nếu nước biển dâng 100cm. Khi đó, Việt Nam có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, gia tăng tỷ lệ đói nghèo...

Mặc dù, ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp thích ứng với những thay đổi về khí hậu, ứng phó với thiên tai ngày một gia tăng và khó lường như: hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói, giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Tuy vậy, để các giải pháp này thật sự phát huy tác động, cần nhận diện sâu hơn về đối tượng cũng như xu hướng của BÐKH.

Theo các chuyên gia, ưu tiên hàng đầu là nghiên cứu, ứng dụng ngay các mô hình tổng hợp, mô hình liên kết trồng trọt và chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản, nông lâm kết hợp, trồng trọt và du lịch sinh thái. Ðặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ động phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác (chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn), chế độ canh tác (ngập lụt, hạn hán) phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) để duy trì được năng suất cây trồng. Đồng thời, ứng dụng các mô hình sản xuất theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính...

Về lâu dài, khi BÐKH sẽ khiến các vùng đất bị hoang mạc hóa hay ngập lụt thì phải bố trí lại hệ thống trồng trọt theo hướng đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ tài nguyên môi trường và kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của BÐKH.

Một tín hiệu vui với ngành nông nghiệp là các địa phương đang quyết liệt triển khai nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng (3G3T), kỹ thuật canh tác 1 phải 5 giảm (1P5G), quản lý dịch bệnh tổng hợp (EPM), hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), mô hình sản xuất lương thực và năng lượng từ chăn nuôi (IFES), mô hình thích ứng chăn nuôi dựa vào sinh thái (EbA)... Các mô hình này thành công sẽ tạo hướng đi mới trong canh tác, góp phần bảo vệ đất, ổn định năng suất, tăng thu nhập, hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Nguồn: Báo Biên phòng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: