Thừa Thiên Huế: Sạt lở nặng ở bờ biển Phú Thuận, dân lo âu

Đăng ngày: 12-10-2018 | Lượt xem: 1074
(TN&MT) - Tình trạng sạt lở bờ biển ở xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang ngày càng nặng nề, người dân phải sống trong sợ hãi nhất là mùa mưa bão sắp đến gần; nhiều...
Bờ biển Phú Thuận đang sạt lở ngày càng nặng

Bờ biển Phú Thuận đang sạt lở ngày càng nặng

Lo lắng

Theo tìm hiểu, xã biển Phú Thuận có đặc thù biển hở, phía ngoài không có vịnh bao quanh như một số địa bàn khác. Người dân nơi đây sống bằng nghề chài lưới, buôn bán nước mắm... vốn đã khó khăn. Tình trạng biển xâm thực, sạt lở đã và đang hoành hành trong nhiều năm qua khiến nhiều hộ dân lo lắng, buộc phải di dời đến nơi ở mới...

Có mặt tại đây, PV nhận thấy tình hình sạt lở nặng nhất là ở các thôn Tân An, Tân Trung, Xuân An. Nhiều km sạt lở nghiêm trọng, biển đã “ăn sâu” vào sát nhà dân. Nhiều khóm dứa dại, cây hoang mọc sát bờ biển đã bị sóng đánh vào sát tận chân gốc. Nhiều ngôi nhà nuôi tôm cũng bị sóng đánh sập, trơ móng và đành bỏ hoang.

Nhà ở gần biển, ông Lê Lương (thôn Tân Trung) bày tỏ sự bất an, khi biển càng ngày càng “khoét” sâu, tiến sát vào nơi ở.

Nhiều công trình kiên cố cũng bị sóng đánh hư hỏng

Nhiều công trình kiên cố cũng bị sóng đánh hư hỏng

“Những năm gần đây, tình trạng sạt lở diễn ra với tốc độ rất nhanh, trước nhà cách bờ biển khá xa nhưng nay chỉ cần vượt qua đồi cát là có thể thấy biển. An cư mới lạc nghiệp. Chúng tôi đã bỏ ra bao nhiêu tiền bạc để xây dựng, đã ở trong ngôi nhà của mình, làm ăn sinh sống bao nhiêu năm; nếu biển cứ xâm thực mãi thì e rằng khó ở đây lâu được. Mùa mưa bão nào cũng bị sạt thêm hết nhưng có thấy ai vào cuộc đâu”- ông Lương nói.

“Tôi ở đây cũng đã 30 năm rồi, năm nào cũng sạt lở một ít và bờ biển cứ ăn sát nhà dân. Ai ai cũng trong tình trạng mất ăn mất ngủ vì sợ mất đất...”- ông Lê Tấn Lũy (51 tuổi, thôn Tân An) chia sẻ.

Những ngôi nhà bỏ hoang do sạt lở biển cứ lân sâu vào đất liền

Những ngôi nhà bỏ hoang do sạt lở biển cứ lân sâu vào đất liền

Ở mùa mưa bão năm 2017, PV cũng đã về thực tế ở xã Phú Thuận và nhận thấy, thủy triều gây xâm thực mạnh tại địa phương này. Hồi đó bị nặng nhất là thôn Tân An, đoạn xâm thực sâu nhất gần 7m, thấp nhất gần 3m và sạt lở theo kiểu dựng đứng hàm ếch...

Được biết trong những cuộc tiếp xúc cử tri, các hộ dân đã gửi kiến nghị lên cấp trên mong sớm đầu tư xây dựng đoạn kè qua địa bàn xã để người dân yên tâm.

“Gần 20 năm trước, điểm sạt lở cách nhà tôi khoảng gần100m, mà giờ đã tiến sát móng nhà. Nhà tôi có trang trại để nuôi tôm giống, mỗi năm lãi trên 100 triệu, nhưng nay trang trại đành phải bỏ hoang vì sạt lở, kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn”- ông N. (58 tuổi) ngâm ngùi cho hay.

Những cách chống sạt lở tạm thời của người dân

Những cách chống sạt lở tạm thời của người dân

Xây kè chống sạt lở

Vào năm 2017, dự án xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp bờ biển với kinh phí 100 tỷ đồng từ nguồn của Trung ương dự kiến triển khai 886 m dọc bờ biển xã Phú Thuận.

Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng khoảng 450 m, giúp giữ đất, bồi lấp đất rất hiệu quả. Thế nhưng giai đoạn 2 chưa triển khai, do đó sạt lở xảy ra dọc đoạn bờ biển (chưa xây bờ kè) này rất dữ, khiến người dân bất an. 

Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Đặng Tiến Tùy- Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, tốc độ sạt lở ở bờ biển xã diễn ra rất nhanh. Thời tiết bình thường thì tốc độ sạt lở xảy ra trên địa bàn xã từ 3-5 m/năm. Năm nào nhiều bão, áp thấp, tốc độ sạt lở tăng 5-7m/năm. Điều này là nỗi lo chung đối với chính quyền và người dân xã Phú Thuận.

Nếu không có những biện pháp kịp thời thì chắn hẳn dân cư Phú Thuận sẽ sống trong sợ hãi, nhất là mùa mưa bão sắp đến...

Nếu không có những biện pháp kịp thời thì chắn hẳn dân cư Phú Thuận sẽ sống trong sợ hãi, nhất là mùa mưa bão sắp đến...

“Trước mắt, chúng tôi mong muốn cấp trên quan tâm để giai đoạn 2 của dự án xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp bờ biển sớm triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt. Đồng thời, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động các hộ dân nằm sát bờ biển trong khoảng cách không đảm bảo an toàn có phương án di dời đến vị trí an toàn. Địa phương đã bố trí quỹ đất 3,5 ha cho 160 hộ dân, ưu tiên các hộ trong diện phải di dời khẩn cấp. Tiếp đến UBND xã thống kê, rà soát những hộ nằm trong khoảng cách không an toàn, những hộ có nguyện vọng di dời do sạt lở, để bố trí tái định cư”- ông Tùy cho biết.

Cũng theo ông Tùy, xã đã trồng thí điểm cây đước, cây bần nhưng các loại cây này không sống được vì đặc điểm bờ biển ở đây cát sâu. Vậy nên địa phương tăng cường trồng rừng dương phòng hộ. Tuy nhiên giải pháp căn cơ lâu dài thì cần phải đầu tư bờ kè mới chống được sạt lở...

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: