Tuyên Quang: Lồng ghép phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển KT-XH

Đăng ngày: 05-12-2021 | Lượt xem: 1953
Theo Kế hoạch vừa ban hành, UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu vào quy hoạch, phát triển ngành, kinh tế xã hội.
Tuyên Quang: Lồng ghép phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển KT-XH
 
Hạn hán làm giảm 20-30% năng suất cây trồng, giảm sản lượng lương thực. (Ảnh: tuyenquang.gov.vn)

UBND tỉnh Tuyên Quang vừa phê duyệt Kế hoạch phòng chống thiên tai tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 425-KH/TU ngày 24/8/2020 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Kế hoạch yêu cầu lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu vào quy hoạch, phát triển ngành, kinh tế xã hội. Nội dung lồng ghép căn cứ vào kết quả đánh giá, loại hình rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai ứng với mỗi loại hình và cấp độ rủi ro thiên tai của ngành hoặc địa phương. Ưu tiên các công trình đa mục tiêu, kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, hướng tới phát triển bền vững và đối tượng dễ bị tổn thương trong lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai.

Nội dung lồng ghép cụ thể như sau: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”; Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, phòng chống thiên tai; Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai của các ngành, các cấp chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống có thể xảy ra; Thực hiện chương trình “Tiết kiệm năng lượng”, sử dụng nguồn năng lượng mới, sạch, vật liệu thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, làm tốt công tác dự báo, cảnh báo, thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của lũ lụt, sạt lở bờ sông, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng tốt nhu cầu cần thiết trong công tác PCTT: Hạ tầng giao thông; hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng viễn thông; hạ tầng văn hóa - xã hội...

Nguồn: ictnews.vietnamnet.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: