Ứng phó tác động biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL

Đăng ngày: 07-11-2022 | Lượt xem: 2569
Những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, kế sinh nhai của hàng ngàn người dân ĐBSCL. Giải pháp nào để ĐBSCL phát triển bền vững đang là một bài toán khó.

Cống Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang) kiểm soát nguồn nước mặn, ngọt, lợ

Cống Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang) kiểm soát nguồn nước mặn, ngọt, lợ

Xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt

Theo Viện Nhiệt đới môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự), những năm gần đây, việc xây dựng các đập thủy lợi, thủy điện của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công đã làm giảm lưu lượng chảy của sông Tiền, sông Hậu vào Việt Nam, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn tại một số tỉnh ven biển ĐBSCL diễn ra ngày càng khắc nghiệt, phức tạp, khó lường và đặc biệt không tuân theo quy luật tự nhiên. Các sông chính và kênh nhánh bị nhiễm mặn sớm hơn, ranh giới nhiễm mặn vào sâu hơn trong nội đồng. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất, công trình xây dựng của ĐBSCL.

Một nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT), cho thấy, hiện nay xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL diễn ra sớm hơn từ 1-1,5 tháng so với những năm trước đây và thời gian diễn ra dài hơn. Độ mặn đầu mùa khô lớn hơn giữa mùa. Tình trạng này diễn ra ngược lại với quy luật xâm nhập mặn trước đây. Độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 đến tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều ở Biển Đông, vùng Biển Tây hoặc cả hai. Số liệu thống kê cho thấy, đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 đã khiến 600.000 người dân ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt và 160.000ha đất bị nhiễm mặn.

Kết quả nghiên cứu của Bộ TN-MT trong năm 2020 cũng đã chỉ ra rằng, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang ở mức độ gay gắt và khốc liệt, các sông và kênh nhánh tại khu vực ĐBSCL xuất hiện các thời điểm có dòng chảy thấp, biến động khó lường, làm cho độ mặn gia tăng về cường độ, diễn ra sớm và tồn tại lâu, dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến sinh hoạt và hoạt động sản xuất của người dân.

Cả 13 địa phương thuộc ĐBSCL đều đã bị nhiễm mặn; đã có 10 tỉnh, thành phố công bố tình trạng xâm nhập mặn trên diện rộng, bao gồm: Cà Mau, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang. Mặt khác, theo kịch bản nghiên cứu của Bộ TN-MT, nếu mực nước biển dâng khoảng 100cm vào năm 2100, thì có khoảng 10% dân số ở ĐBSCL bị ảnh hưởng trực tiếp do mất đất. Tổn thất thiệt hại do nước biển dâng gây ra đối với lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam có thể lên tới 43 tỷ USD từ năm 2020-2100; trong đó ĐBSCL là khu vực chịu phần lớn tổn thất này (52,39%), và Kiên Giang là địa phương chịu tác động tổn thất, thiệt hại lớn nhất.

Đồng bộ giải pháp

Thời gian qua, các bộ, ngành, đơn vị liên quan đã triển khai nhiều kế hoạch, dự án hành động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ứng phó với BĐKH cho khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Theo TS Nguyễn Văn Hồng, Viện Khoa học khí tượng thủy và biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT), tổn thất và thiệt hại do nước biển dâng tại khu vực ĐBSCL là rất cao - ngay cả khi triển khai các giải pháp thích ứng công trình cứng (xây dựng đê, đập ngăn mặn) và các giải pháp thích ứng mềm (thay đổi sinh kế nông dân, phương thức canh tác).

Do vậy, cần phải có một giải pháp đồng bộ cũng như một kế hoạch tổng thể để triển khai, hành động góp phần giảm thiểu những thiệt hại cho vùng ĐBSCL. Đơn cử, cần đẩy mạnh giải pháp thoát lũ trên các lưu vực sông và lòng sông cho khu vực ĐBSCL; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH; đẩy mạnh giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước để đảm bảo sử dụng nước hiệu quả; ngăn chặn các nguy cơ suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

PGS-TS Lê Anh Kiên, Viện trưởng Viện Nhiệt đới môi trường, cũng cho rằng, khoa học - công nghệ luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm các giải pháp thích ứng với BĐKH hiện nay. Thời gian qua, Viện Nhiệt đới môi trường đã có nhiều nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ chế tạo các sản phẩm phù hợp với điều kiện của vùng ĐBSCL trong bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH.

Chẳng hạn đã chế tạo, lắp đặt các túi mềm chứa nước ngọt trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô. Túi mềm chứa nước được chế tạo từ vật liệu polymer gia cường sợi, dung tích chứa từ 1-20m3, có thể ứng dụng trong thu gom, tích trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân (có tuổi thọ sử dụng trên 10 năm).

Không những thế, Viện Nhiệt đới môi trường cũng chế tạo ra sản phẩm đê mềm nhồi cát chống ngập, chống sạt lở bờ sông. Đê được xây dựng trên cơ sở phần lõi là các ống địa kỹ thuật, được sản xuất bằng một loại vải có độ bền cao, được bơm đầy cát, bùn và xếp chồng lên nhau, tùy theo cao trình.

So với công trình được xây dựng bằng bê tông cốt thép thì các công trình mềm có rất nhiều ưu điểm vượt trội, như kết cấu công trình linh hoạt, chịu được chấn động và hiện tượng lún, phù hợp với vùng có địa chất nền mềm yếu, thời gian thi công nhanh, kỹ thuật thi công đơn giản, vận hành an toàn.

Hay sản phẩm đập cao su - một công trình thủy lợi làm việc như đập tràn hay cống có cửa, có chức năng ngăn nước, tăng cường khả năng tích nước, điều tiết mực nước, lưu lượng qua đập. Đập cao su vừa có tác dụng cắt lũ vừa tích trữ nước sử dụng trong mùa khô.

“Ngoài ra, hiện viện cũng đã nghiên cứu thành công các hệ thống xử lý nước nhiễm mặn với độ mặn 5% thành nước sinh hoạt đạt quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT để phục vụ cho sinh hoạt”, PGS-TS Lê Anh Kiên thông tin.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), từ cuối năm 2014, hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nền nhiệt tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, làm thiệt hại nặng nề đến sản xuất và dân sinh. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Nam Trung bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL. Hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn đã làm cho 2 triệu người dân thiếu nước sinh hoạt; 1,75 triệu người mất sinh kế; 400.000 người có nguy cơ bị dịch bệnh liên quan đến nước; 27.500 trẻ em và 39.000 phụ nữ bị suy dinh dưỡng.

MINH HẢI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//ung-pho-tac-dong-bien-doi-khi-hau-vung-dbscl-854438.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: