Xu hướng ứng phó toàn cầu

Đăng ngày: 01-06-2020 | Lượt xem: 3941
Biến đổi khí hậu (BĐKH) và những ảnh hưởng của nó đã và đang tác động bất lợi trên nhiều lĩnh vực với quy mô toàn cầu.

Ghe tàu ở huyện đảo Cần Giờ (TPHCM) trong một lần tập trung trú ẩn tránh bão. Ảnh: CAO THĂNG

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thừa nhận, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra trên toàn cầu có xu hướng ngày càng bất lợi nhiều hơn cho con người, điển hình như nước biển ngày càng dâng cao và sẽ có nhiều quốc gia phải đối mặt với việc nằm dưới mực nước biển, nhất là quốc gia có địa hình thấp và các quốc đảo.

Bên cạnh việc phải thích ứng và chống chọi, khắc phục những hậu quả do thiên tai, điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên gây ra như siêu bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở, cháy rừng, ngập úng…; do nhu cầu phát triển kinh tế, con người sẽ tiếp tục gia tăng các hoạt động tiêu thụ nhiên liệu và tất yếu gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Ngay từ bây giờ, nếu không có cơ chế kiểm soát hoạt động phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở mỗi quốc gia thì việc làm nhanh tiến triển và trầm trọng thêm các hiện tượng cực đoan quá trình BĐKH là khó tránh khỏi.

Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hiệp quốc tổ chức ngày 23-9-2019 ở New York, Mỹ, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cảnh báo, thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ Trái đất nóng lên thêm ít nhất 30C vào cuối thế kỷ này và kêu gọi cả thế giới chung tay hành động ngay từ lúc này để giảm lượng khí thải carbon trong 12 năm tới và có thể giữ được mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới mức 20C so với mức tiền công nghiệp. Vì vậy, các chính phủ cần phải đưa ra những kế hoạch cụ thể, thực tế để gia tăng nỗ lực của mình đóng góp giảm 45% lượng khí thải nhà kính trong thập niên tới và đạt mục tiêu không còn khí thải nhà kính vào năm 2050.

Để ứng phó với BĐKH, theo xu hướng thế giới hiện nay, có thể chia thành 3 nhóm cơ bản. Nhóm một là thích ứng, bằng việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo thích ứng tốt và tự bảo vệ được trước các nguy cơ tác động tiêu cực của quá trình BĐKH như nước biển dâng và thời tiết cực đoan. Nhóm hai là giảm nhẹ (giảm thiểu), bằng việc tăng cường các hoạt động nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Nhóm này chú trọng vào việc sử dụng năng lượng trong tất cả các hoạt động sao cho đảm bảo được nhu cầu phát triển của xã hội mà giữ mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở mức thấp nhất.

Trên thế giới đang chú trọng vào cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và sử dựng năng lượng tái tạo, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch. Nhóm ba là tăng cường khả năng phục hồi, bằng việc chuẩn bị các nguồn lực để sẵn sàng ứng cứu và khắc phục sau thảm họa, nhanh chóng trả lại hiện trạng ban đầu và tiếp tục phát triển sau đó.

Theo sggp.org.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: