Ban hành chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025

Đăng ngày: 04-11-2021 | Lượt xem: 712
Ngày 2/11/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1845/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025. Chương trình hướng tới mục tiêu triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phòng, chống, ngăn chặn đại dịch Covid-19, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Để đảm bảo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) được thực hiện thực chất, có hiệu quả, Chương trình giai đoạn 2021-2025 đặt ra 05 yêu cầu về THTK, CLP, trong đó nhấn mạnh việc THTK, CLP phải bám sát chủ trương, định hướng tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, đặc biệt phải gắn với việc thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 đột phá chiến lược và 12 giải pháp tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025; xác định THTK,CLP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo phân công, phân cấp cụ thể, rõ đầu mối thực hiện; THTK, CLP phải gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, thúc đẩy cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Chương trình đưa ra 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong các lĩnh vực, bao gồm: quản lý NSNN; quản lý nợ công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên thiên nhiên; quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp tổ chức, bộ máy; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; nâng cao nhận thức, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, thanh tra, kiểm tra về THTK, CLP. Trong đó, nhấn mạnh nội dung về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đề ra chỉ tiêu tiết kiệm với 8 nhóm lĩnh vực

Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 đề ra một số chỉ tiêu tiết kiệm trong 08 nhóm lĩnh vực: quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý chương trình mục tiêu quốc gia; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý lao động và thời gian lao động. Trong đó, Chương trình nhấn mạnh một số nội dung như sau:

Triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên của ngân sách nhà nước (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) để ưu tiên tăng chi đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước, đảm bảo tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62 - 63% tổng chi ngân sách nhà nước, trong tổ chức thực hiện phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%. Rà soát các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế tối đa bổ sung ngân sách nhà nước ngoài dự toán, tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác nước ngoài…, dành nguồn phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII.

 

Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; thực hiện cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, cấp bách; kiểm soát số lượng các dự án khởi công mới, bảo đảm từng dự án khởi công mới phải có giải trình cụ thể về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ các quy định pháp luật. Không bố trí vốn ngân sách trung ương cho các dự án khởi công mới nhóm C của địa phương, trừ trường hợp đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Đưa tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 xuống dưới 5.000 dự án để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, đặc biệt là đối với các cơ sở nhà, đất bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước. Hoàn thiện các cơ chế quản lý, sử dụng và khai thác đối với các loại tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan, làm cơ sở để tổ chức khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ các loại tài sản này. Tăng cường quản lý việc mua sắm tài sản công, hạn chế mua xe ô tô công và thiết bị đắt tiền.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo các định hướng đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Đảng và các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước; thu gọn đối tượng doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, tập trung nguồn lực đầu tư nhà nước vào các doanh nghiệp nhà nước có vị trí quan trọng. Tập trung hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật, bảo đảm các nguyên tắc và cơ chế thị trường; minh bạch, công khai thông tin. Rà soát, xử lý các tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đảm bảo mục tiêu đến năm 2025, hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Đề xuất loạt giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về THTK, CLP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong THTK, CLP; tăng cường công tác tổ chức THTK, CLP trên các lĩnh vực; đẩy mạnh thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả giám sát THTK, CLP. Đồng thời, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTK, CLP; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn THTK, CLP với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng…

Chương trình cũng đặc biệt nhấn mạnh việc hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực như: Nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan; hoàn thiện thể chế chính sách về quản lý nợ công và triển khai công cụ, nghiệp vụ quản lý nợ chủ động, bảo đảm an toàn và bền vững nợ công, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị; tiếp tục rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tập trung tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và đẩy nhanh xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm và bền vững; tăng nguồn thu từ đất đai phục vụ cho đầu tư phát triển; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Vụ KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: