Đề xuất nội dung xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 (Phần 2)

Đăng ngày: 07-06-2022 | Lượt xem: 698
Thực hiện Văn bản số 2202/BTNMT-KHTC ngày 27 tháng 4 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề xuất nội dung xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đề xuất các nội dung cần thiết thuộc lĩnh vực KTTV để tổng hợp và đưa vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác quan trắc và điều tra khảo sát KTTV

 Hoàn thành lập Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới trạm quan trắc KTTV theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa thông qua hình thức đầu tư công kết hợp với hình thức xã hội hóa. Nâng cấp, cải tạo, vận hành hệ thống quan trắc môi trường không khí và nước mặt lồng ghép với quan trắc KTTV. Đưa vào hoạt động chính thức và khai thác có hiệu quả các trạm ra đa thời tiết, trạm định vị sét, các trạm KTTV tự động được đầu tư từ các dự án ODA và dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước. Tăng cường vật tư, linh kiện để sửa chữa, thay thế và duy trì hoạt động ổn định, liên tục của mạng lưới quan trắc KTTV tự động hiện có; nghiên cứu phương án khoán hoặc thuê doanh nghiệp thực hiện. Tăng cường số lượng trạm đo mặn, tần suất đo mặn và trạm đo lưu lượng để phục vụ dự báo nguồn nước phục vụ công tác dự báo.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác điều tra cơ bản KTTV (tăng cường ưu tiên sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông cho mạng lưới trạm tự động; từng bước hiện đại hóa công tác đo đạc, đầu tư, nghiên cứu thử nghiệm các thiết bị đo đạc hiện đại về KTTV; xây dựng hệ thống quản lý, vận hành, khai thác, giám sát mạng lưới trạm KTTV bằng công nghệ thông tin). Đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm đưa thiết bị quan trắc tiên tiến hiện đại vào mạng lưới trạm quan trắc KTTV phục vụ dự báo, cảnh báo hạn hán đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay; Nâng cấp, cải tiến các thiết bị hiệu chuẩn và kiểm định các phương tiện đo KTTV với công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất đảm bảo kiểm định tối ưu hệ thống các trạm KTTV tự động.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực điều tra cơ bản KTTV, tập trung nâng cao nghiệp vụ quản lý mạng lưới trạm tự động và năng lực kiểm tra, phát hiện, xử lý chất lượng số liệu đo đạc quan trắc và truyền tự động trong thời gian tới.  Bảo đảm duy trì hoạt động mạng lưới trạm điều tra cơ bản, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác điều tra cơ bản về KTTV, môi trường không khí và nước.

Duy trì và phát triển hệ thống kiểm định phương tiện đo, đảm bảo chất lượng các máy đo trên mạng lưới. Điều tra, khảo sát, đánh giá thiệt hại và hậu quả do thiên tai gây ra trên toàn quốc phục vụ đánh giá tổng thể rủi ro thiên tai, đa thiên tai.

Công tác thông tin, dữ liệu KTTV

Đảm bảo duy trì hoạt động ổn định cơ sở dữ liệu tập trung (CDH), tích hợp công cụ vào CDH và xây dựng giải pháp, công cụ tích hợp số hồ chứa, số liệu quan trắc từ các đơn vị ngoài Tổng cục KTTV vào CDH. Xây dựng phần mềm truyền và nhận dữ liệu trạm quan trắc KTTV truyền thống trên nền tảng đa phương tiện; công cụ theo dõi, giám sát số liệu và hoạt động của siêu máy tính thời gian thực. Thuê dịch vụ đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo KTTV, đặc biệt là mưa, lũ theo phương thức thuê bao khai thác dữ liệu tại 1.000 điểm trạm. Thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng dữ liệu quan trắc lĩnh vực KTTV” thuộc Đề án “Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường”. Thu thập, xử lý, lưu trữ số liệu KTTV, xây dựng, cập nhật, quản lý và khai thác các cơ sở dữ liệu KTTV theo quy định, tổ chức xây dựng và khai thác cổng thông tin điện tử tư liệu KTTV. Thực hiện việc chỉnh lý lưu trữ, bảo quản tư liệu KTTV theo quy định của nhà nước và các cơ quan quản lý chuyên ngành. Thực hiện cung cấp số liệu KTTV phục vụ xã hội, thu phí theo quy định.  Duy trì thực hiện chế độ trực kỹ thuật 24/24 để khắc phục kịp thời các sự cố hệ thống xảy ra đối với máy móc thiết bị viễn thông tại Tổng cục KTTV.

Công tác tổ chức cán bộ

Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành KTTV theo hướng phân tách rõ quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp, tác nghiệp KTTV, giảm các tầng nấc trung gian trong công tác quản lý nhà nước, tiếp tục tinh giản đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực theo đề án vị trí việc làm và công nghệ, trang thiết bị mới, trọng tâm là nhân lực thực hiện quan trắc, đo đạc tại các trạm KTTV truyền thống đã được lắp đặt các trạm, thiết bị KTTV tự động. Rà soát, đánh giá thực trạng cơ cấu, trình độ, năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp đội ngũ công chức, viên chức KTTV; đề xuất giải pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ công chức, viên chức ngành KTTV đáp ứng tiến trình hiện đại hóa ngành; tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và cập nhật kiến thức, thông tin mới về công nghệ, trang thiết bị chuyên ngành. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới cơ chế, chính sách khuyến khích học sinh, sinh viên học các chuyên ngành về KTTV.

Phối hợp với đơn vị có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ, ưu đãi đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục KTTV, nhất là chính sách thu hút, đãi ngộ và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao.

Công tác khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế

Thực hiện các nội dung về công tác quản lý khoa học và công nghệ, xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ cho những năm tiếp theo. Tập trung hoàn thành đảm bảo nội dung, tiến độ các nhiệm vụ chuyển tiếp năm 2022 và các nhiệm vụ đề xuất mở mới.

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ hợp tác quốc tế được Bộ giao trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác đa phương, song phương với Tổ chức Khí tượng thế giới, Ủy ban Bão, Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN, Trung tâm Khí hậu APEC (APCC), Trung tâm Phòng tránh thiên tai Châu Á, RIMES; duy trì hợp tác với Trung Quốc, Campuchia, Lào.  Tăng cường hợp tác với các nước Hàn Quốc, Phần Lan, Na Uy, Nhật Bản, Anh Quốc, I-ta-li-a….,cụ thể: Thực hiện nhiệm vụ Đại diện thường trực của Việt Nam tại WMO, Phó Chủ tịch Hiệp hội khí tượng khu vực II châu Á nhiệm kỳ 2021-2025 và các nhiệm vụ đầu mối quốc gia tại Ủy ban Bão, RIMES, ASCMG, APCC; tiếp tục đảm nhiệm Trung tâm Hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á, tham gia tích cực các hoạt động của Chương trình Cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á, tiếp nhận 01 ra-đa băng sóng X trong khuôn khổ chương trình hợp tác tự nguyện của WMO; tăng cường năng lực cán bộ về dự báo khí hậu thông qua tham dự các khóa đào tạo theo theo hình thức trực tuyến của APCC và thực hiện đầy đủ vai trò của nước thành viên tham gia ASEAN. Triển khai thực hiện hiệu quả các biên bản hợp tác quốc tế đã được ký kết với các đối tác song phương và đa phương: Hoàn thiện Bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc; xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai thực hiện sau khi Bản ghi nhớ được ký kết; tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác đã ký với Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh; triển khai thực hiện các Thỏa thuận hợp tác với các Trường Đại học của Nhật Bản.

Tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện kế hoạch hiện đại hóa ngành KTTV thông qua việc triển khai thực hiện những dự án, chương trình hợp tác với các hợp tác song phương với: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung tâm Phòng tránh thiên tai châu Á, RIMES; Chương trình MAHASRI, SOWER/Pacific và các hợp tác khác như Na Uy, Phần Lan, Anh Quốc, Nhật Bản, I-ta-li-a…

Mở rộng hợp tác với Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) trong các lĩnh vực dự báo thời tiết nguy hiểm (đặc biệt là bão), dự báo thời tiết mô hình số, dự báo KTTV biển, dự báo khí tượng hạn dài, vệ tinh khí tượng; trao đổi thông tin khí tượng, đào tạo cán bộ với Cơ quan Khí tượng Anh Quốc, Cơ quan Khí tượng Hồng Công (HKO), Cơ quan Khí tượng Phần Lan, Cơ quan Hợp tác Phát triển Nhật Bản (JICA). Tiếp tục đẩy mạnh công tác lựa chọn cán bộ có chuyên môn tốt tham gia hệ thống chuyên gia của các Tổ chức quốc tế, cũng như bồi dưỡng, tiến cử cán bộ sang công tác tại các tổ chức quốc tế về KTTV.

Công tác tuyên truyền

 Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về KTTV và những biện pháp phòng, tránh hiện tượng KTTV nguy hiểm thông qua các ấn phẩm, hội thảo, tiểu phẩm để dễ tiếp cận đến cộng đồng. Phối hợp với địa phương tăng cường phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật KTTV cho các đối tượng liên quan thông qua các hoạt động kiểm tra thi hành pháp luật về KTTV, các hội thảo, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về văn bản quy phạm pháp luật KTTV.

Xây dựng hệ thống công cụ, tài liệu truyền thông cộng đồng, nâng cao khả năng cập nhật và truyền tải thông tin cảnh báo, dự báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời để chính quyền các cấp và người dân chủ động trước mọi diễn biến của thiên tai có nguồn gốc KTTV. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình xây dựng các phóng sự, tọa đàm, bài nói, bài viết, biểu dương gương người tốt, việc tốt về đo đạc, quan trắc, dự báo KTTV, hoạt động về phòng tránh thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại đến tài sản và tính mạng của nhân dân.

Vụ KHTC

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: