Dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021

Đăng ngày: 20-08-2020 | Lượt xem: 1402
Dự toán thu ngân sách nhà nước

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành. Trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức lớn của năm 2020, cần phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước để đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2020 làm cơ sở xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021, đặc biệt là các thách thức từ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các nhân tố tác động khác làm thay đổi tình hình sản xuất - kinh doanh, đầu tư, phát triển của doanh nghiệp, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu. Tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, quản lý thu, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Phấn đấu dự toán thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 (đã dự kiến các tác động điều chỉnh chính sách thu theo các chủ trương hiện hành) bình quân chung cả nước tăng khoảng 9-11% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020. Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020.

Dự toán thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tiếp tục được xây dựng trên cơ sở kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật có liên quan.

Dự toán chi ngân sách nhà nước

Xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2021 được cấp có thẩm quyền quyết định; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với việc triển khai chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII). Tăng cường thực hiện các giải pháp, chính sách tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đẩy mạnh ứng dụng, triển khai Chính phủ điện tử. Tiếp tục quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ trùng lắp, kém hiệu quả, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2021 để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn ngân sách nhà nước được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác. Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành. Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước.

Khi xây dựng dự toán và bố trí ngân sách nhà nước năm 2021, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần chú ý các nội dung sau:

a) Chi đầu tư phát triển

Chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn vốn vay ODA, vốn viện trợ, nguồn thu từ bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp, nguồn thu xổ số kiến thiết, nguồn thu tiền sử dụng đất) phải phù hợp với định hướng mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, định hướng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025 và nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Việc bố trí vốn kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải thực hiện đúng thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Bố trí đủ dự toán chi đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2021, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; bố trí vốn theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016- 2020 sang giai đoạn 2021-2025; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định; cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho các Ngân hàng chính sách.

Ưu tiên bố trí vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng lãnh thổ. Mức vốn bố trí cho từng dự án phải phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân trong năm 2021.

Đối với vốn nước ngoài, việc bố trí kế hoạch phải phù hợp với nội dung của Hiệp định, cam kết với nhà tài trợ; bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc hiệp định vay nước ngoài trong năm 2021 và không có khả năng gia hạn.

Toàn bộ số thu sắp xếp lại, xử lý tài sản công (trong đó có nhà, đất), số thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (sau khi trừ chi phí liên quan) phải nộp ngân sách nhà nước.

Căn cứ số đã nộp ngân sách nhà nước các năm trước chưa sử dụng và dự toán thu ngân sách nhà nước từ nguồn thu này năm 2021, các bộ, cơ quan trung ương và các cơ quan, đơn vị ở địa phương lập dự toán chi đầu tư phát triển cho các nhiệm vụ sử dụng nguồn này theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành; gửi cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư cùng cấp để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước.

b) Chi thường xuyên

Xây dựng dự toán chi thường xuyên theo các lĩnh vực cụ thể, đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội, các chính sách cho người dân trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo điều kiện tốt nhất để tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tổ chức bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2025 và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV; chú trọng cải cách hành chính theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, triển khai Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số và tận dụng hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Tiếp tục quyết liệt triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương và Kết luận 17-KL/TW ngày 11 tháng 9 năm 2017 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015-2016, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017-2021, kiên quyết đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý; triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách; rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài... dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII.

Xây dựng dự toán chi đối với đơn vị sự nghiệp công phải quán triệt đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII). Thực hiện cơ chế tự chủ và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở dự kiến đầy đủ các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật để xác định: tăng số lượng đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên; tăng số lượng đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên. Đối với đơn vị sự nghiệp cần phải hỗ trợ từ ngân sách nhà nước phải thực hiện giảm dần số hỗ trợ, tương ứng số tăng thu của đơn vị, bao gồm cả số tăng thu do điều chỉnh lộ trình phí, lệ phí, giá dịch vụ... theo quy định, tối thiểu khoảng 2% so với năm 2020.

c) Chi dự trữ quốc gia: Căn cứ định hướng mục tiêu phát triển dự trữ quốc gia trong giai đoạn mới, khả năng cân đối ngân sách nhà nước và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, dự kiến nhu cầu cứu trợ, viện trợ; các bộ, cơ quan trung ương được giao quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng kế hoạch và dự toán chi mua hàng dự trữ quốc gia cho năm 2021, tập trung vào các mặt hàng chiến lược, thiết yếu; ưu tiên các mặt hàng dự trữ quốc gia phục vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và quốc phòng, an ninh.

d) Chi viện trợ: Chi viện trợ từ nguồn ngân sách nhà nước phải phù hợp định hướng, mục tiêu, kế hoạch hợp tác với các nước nhận vốn viện trợ của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025, kế hoạch hợp tác hằng năm và khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

đ) Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia: Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; khả năng thực hiện chương trình trong năm 2021; các bộ, cơ quan trung ương được giao quản lý chương trình mục tiêu quốc gia hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương lập dự toán vốn, kinh phí thực hiện chương trình phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021; tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Việc bố trí kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và tuân thủ các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công.

e) Đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: Thực hiện lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo đúng trình tự, quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thi hành. Rà soát chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Kiên quyết loại bỏ các dự án không thật sự cần thiết, kém hiệu quả. Bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các dự án bảo đảm theo tiến độ đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng đáp ứng nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng, năng lực của chủ đầu tư quản lý chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện lập dự toán các chương trình, dự án sử dụng vốn ngoài nước phải chi tiết rõ vốn vay, vốn viện trợ, vốn đối ứng; phân định theo tính chất chi đầu tư phát triển, chi sự nghiệp, phân định rõ dự án cấp phát hoặc vay lại hoặc hỗn hợp (cấp phát, vay lại) và chi tiết mức vốn cho từng phần. Đối với các dự án Ô, cần làm rõ kế hoạch giữa cơ quan chủ quản trung ương và cơ quan chủ quản dự án thành phần tham gia thực hiện dự án. Không bố trí vốn vay cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.

g) Dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương: Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương lập dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) về thực hiện cải cách chính sách tiền lương và các Nghị quyết của Quốc hội.

h) Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương các cấp bố trí dự phòng ngân sách theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

i) Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổng hợp, báo cáo tình hình thu - chi tài chính năm 2020 và dự kiến kế hoạch thu - chi tài chính năm 2021 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu, trùng lặp về nguồn thu, nhiệm vụ chi với ngân sách nhà nước để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định tại Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; từ đó, đề xuất phương án xử lý số dư quỹ dự kiến tính đến hết năm 2020 đối với những quỹ kết thúc chương trình hoạt động trong năm 2020 theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Tin KHTC

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: