Một số chỉ tiêu tiết kiệm trong các lĩnh vực

Đăng ngày: 10-04-2022 | Lượt xem: 703

Quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN

Trong năm 2022, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - NSNN, đảm bảo chi NSNN tiết kiệm, hiệu quả: Triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách; tiếp tục triệt để tiết giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cần thiết và không thực sự cấp bách như: đoàn ra, đoàn vào, khánh tiết, hội thảo, hội nghị… Không bố trí chi thường xuyên đối với các nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn. Rà soát các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định để ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả, cắt giảm các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định nhưng có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý NSNN về khoa học và công nghệ trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, đề cao tinh thần tự lực, tự cường; xây dựng rõ trọng tâm, trọng điểm nghiên cứu; ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19, truyền cảm hứng, tôn trọng, tôn vinh trí thức, các nhà khoa học.

Quyết liệt đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

NSNN không hỗ trợ chi thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên xây dựng dự toán chi NSNN giai đoạn 2022-2025 giảm tối thiểu 15% so với dự toán chi NSNN giai đoạn 2017-2021, năm 2022 giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN tương ứng mức giảm chi thường xuyên từ ngân sách, hướng tới mục tiêu năm 2025 giảm tối thiểu bình quân 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2021. Các đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN đảm bảo chi thường xuyên tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN so với giai đoạn 2016-2020, dự toán chi năm 2022 giảm tối thiểu 2% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do NSNN đảm bảo.

Quản lý, sử dụng vốn đầu tư công

Năm 2022, các đơn vị cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công ngày 23 tháng 6 năm 2019 và các văn bản hướng dẫn Luật.

Thực hiện tiết kiệm từ khâu quyết định chủ trương đầu tư; tiến hành rà soát, cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công; cắt giảm, tạm dừng các dự án, hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp; không để phát sinh thêm và xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản.

THTK, CLP thông qua việc phân bổ và quản lý sử dụng vốn đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Phấn đấu đảm bảo 100% việc phân bổ vốn đầu tư công tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công do cấp có thẩm quyền quyết định.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; thực hiện cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả; cắt giảm số lượng các dự án khởi công mới, bảo đảm từng dự án khởi công mới phải có giải trình cụ thể về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ các quy định pháp luật.

Tạm ứng, thu hồi tạm ứng và thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định của Nhà nước đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và thời hạn giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước.

Quản lý, sử dụng tài sản công

Thực hiện đồng bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật theo Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong các đơn vị trực thuộc.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý các cơ sở nhà đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, bảo đảm tài sản công sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ được giao đúng mục đích, có hiệu quả và đảm bảo thực hành tiết kiệm trong phạm vi quản lý của mình.

Thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch; tiếp tục thực hiện mua sắm tập trung đối với những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải mua sắm tập.

Quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Tăng cường quản lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, đẩy mạnh việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tăng nguồn thu cho NSNN.

Trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập tại Chương trình hành động số 315-CTr/BCSĐTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2018 của Ban Cán sự đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ TNMT thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và Quyết định số 2612/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ TNMT về Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 của Bộ TNMT.

Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục thực hiện quản lý chặt chẽ thời gian lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng và đảm bảo hiệu quả công việc, tăng năng suất lao động của công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị.

Cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, gắn kết chặt chẽ với việc kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi số, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân.

Vụ KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: