Mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung - Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Đăng ngày: 05-05-2020 | Lượt xem: 5171

Đơn vị mua sắm tập trung

1. Đơn vị mua sắm tập trung quốc gia: là đơn vị mua sắm tập trung thuộc Bộ Tài chính để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tài sản tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc).

2. Đơn vị mua sắm tập trung thuốc quốc gia: là đơn vị thuộc Bộ Y tế hoặc đơn vị khác được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ mua sắm tập trung thuốc thuộc danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp quốc gia.

3. Đơn vị mua sắm tập trung của Bộ Tài nguyên và Môi trường: là đơn vị được Bộ trưởng giao thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tài sản tập trung cấp bộ.

Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mua sắm tập trung

1. Tập hợp nhu cầu, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản.

2. Tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

3. Ký thỏa thuận khung (theo mẫu số 04/TSC-MSTT ban hành kèm theo Quy chế này) với nhà thầu được lựa chọn cung cấp tài sản, phát hành tài liệu mô tả chi tiết các tài sản được lựa chọn; quy định mẫu hợp đồng mua sắm làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản ký hợp đồng mua sắm với nhà cung cấp trong trường hợp áp dụng mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung; trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp tài sản trong trường hợp áp dụng mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp.

4. Tổ chức thực hiện hoặc tham gia bàn giao, tiếp nhận tài sản mua sắm tập trung.

5. Công khai việc mua sắm tài sản theo quy định.

6. Tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện mua sắm điện tử theo quy định.

7. Giám sát việc thực hiện thỏa thuận khung, hợp đồng của các nhà thầu được lựa chọn; tiếp nhận, xử lý thông tin phản hồi từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản.

8. Thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm của bên mời thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Nguồn kinh phí mua sắm tập trung

1. Kinh phí được cơ quan, người có thẩm quyền giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

2. Nguồn công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ;

3. Nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách nhà nước mà nhà tài trợ không có yêu cầu mua sắm khác với quy định tại Nghị định này;

4. Nguồn kinh phí từ quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo quy định của Luật ngân sách nhà nước;

5. Nguồn kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

Cách thức thực hiện mua sắm tập trung

1. Việc mua sắm tập trung được thực hiện theo một trong hai cách thức sau đây:

a) Mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung: đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản trực tiếp ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu được lựa chọn, trực tiếp thanh toán cho nhà thầu được lựa chọn (trừ trường hợp giao dự toán cho đơn vị mua sắm tập trung), tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chế độ bảo hành, bảo trì từ nhà thầu được lựa chọn;

b) Mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp: Đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn và trực tiếp thanh toán cho nhà thầu. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện chế độ bảo hành, bảo trì từ nhà thầu được lựa chọn.

2. Việc mua sắm tập trung được thực hiện theo cách thức ký thỏa thuận khung, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp được áp dụng trong các trường hợp mua tài sản thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách nhà nước mà nhà tài trợ có yêu cầu áp dụng theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp.

Quy trình thực hiện mua sắm tập trung

1. Lập, phê duyệt dự toán mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung

a) Căn cứ tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản, nhu cầu và hiện trạng sử dụng tài sản, cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đề xuất nhu cầu mua sắm tài sản cùng với việc lập dự toán ngân sách hàng năm, trình Tổng cục Khí tượng Thủy văn xem xét, trình Bộ phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; trong đó, xác định cụ thể chủng loại, số lượng, dự toán kinh phí mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung.

b) Cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước quyết định giao dự toán cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu và đủ điều kiện được mua sắm tài sản.

2. Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung

a) Căn cứ văn bản phân bổ dự toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị có trách nhiệm lập văn bản đăng ký mua sắm tập trung, gửi Tổng cục Khí tượng Thủy văn (sau đây gọi là đầu mối đăng ký mua sắm tập trung) để tổng hợp gửi đơn vị mua sắm tập trung của Bộ trước ngày 31 tháng 01 hàng năm.

Nội dung chủ yếu của văn bản đăng ký mua sắm tập trung gồm:

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản sau khi hoàn thành việc mua sắm;

- Chủng loại, số lượng tài sản mua sắm tập trung;

- Dự toán, nguồn vốn thực hiện mua sắm tập trung và phương thức thanh toán;

- Dự kiến thời gian, địa điểm giao, nhận tài sản sau khi hoàn thành mua sắm và các đề xuất khác (nếu có).

b) Đơn vị mua sắm tập trung của Bộ có trách nhiệm:

- Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ theo Mẫu số 03/TSC-MSTT ban hành kèm theo Quy chế này để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ mời thầu đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp bộ;

- Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộtheo Mẫu số 03/TSC-MSTT ban hành kèm theo Quy chế này, báo cáo Bộ phê duyệt, gửi Bộ Tài chính đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia trước ngày 28 tháng 02 của năm thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia.

c) Trường hợp quá thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này mà cơ quan, đơn vị không gửi nhu cầu mua sắp tập trung đối với tài sản đã được giao dự toán mua sắm thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung thì không được phép mua sắm tài sản đó.

Trường hợp phát sinh nhu cầu mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung ngoài dự toán được giao đầu năm và đã được cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền phê duyệt bổ sung dự toán mua sắm, Bộ trưởng quyết định giao đơn vị mua sắm tập trung căn cứ thỏa thuận khung đã được ký kết (nếu có), quy định của pháp luật về đấu thầu để áp dụng hình thức mua sắm phù hợp hoặc giao cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu về tài sản tổ chức thực hiện mua sắm.

3. Lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu

a) Đơn vị mua sắm tập trung lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

b) Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung được quy định như sau:

- Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung quốc gia;

- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung của Bộ.

c) Việc phân chia tài sản mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, bảo đảm đồng bộ trong việc mua sắm, quy mô gói thầu hợp lý, bảo đảm khả năng bảo hành và các dịch vụ sau bán hàng của nhà cung cấp. Nghiêm cấm việc chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của pháp luật nhằm mục đích hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

4. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng; thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu

a) Việc chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng; thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

b) Đơn vị mua sắm tập trung thực hiện lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực tổ chức lựa chọn nhà thầu được phép thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp để tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản theo Hợp đồng thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp được ký kết giữa đơn vị mua sắm tập trung và tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp. Việc lựa chọn tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Nội dung chủ yếu của Hợp đồng thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp gồm:

- Thông tin của đơn vị mua sắm tập trung;

- Thông tin của tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp;

- Chủng loại, số lượng tài sản kèm theo mô tả chi tiết các yêu cầu về tài sản cần mua sắm;

- Dự toán mua sắm dự kiến;

- Hình thức lựa chọn nhà thầu;

- Thời hạn hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản;

- Chi phí thuê tiến hành lựa chọn nhà thầu trong mua sắm tập trung;

- Quyền, nghĩa vụ của các bên;

- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

- Các nội dung khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

c) Đơn vị mua sắm tập trung hoặc tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp được thuê cung cấp dịch vụ đấu thầu phải thực hiện đăng tải thông tin về đấu thầu mua sắm tập trung trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu, Trang thông tin điện tử về tài sản công hoặc Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công (đối với tất cả các gói thầu mua sắm tập trung) và Cổng thông tin điện tử của Bộ.

5. Ký kết thỏa thuận khung về mua sắm tập trung

a) Thỏa thuận khung về mua sắm tập trung được ký kết giữa đơn vị mua sắm tập trung và nhà thầu cung cấp tài sản được lựa chọn trong trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức thỏa thuận khung.

b) Thỏa thuận khung về mua sắm tập trung được lập thành văn bản theo Mẫu số 04/TSC-MSTT ban hành kèm theo Quy chế này.

c) Đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm:

- Đăng tải danh sách các nhà thầu được lựa chọn, thỏa thuận khung ký kết giữa nhà thầu và đơn vị mua sắm tập trung, tài liệu mô tả tài sản, mẫu hợp đồng mua sắm trên Trang thông tin điện tử về tài sản công hoặc Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công (đối với tất cả các gói thầu mua sắm tập trung) và Cổng thông tin điện tử của Bộ;

- Thông báo bằng hình thức văn bản đến các cơ quan, đơn vị gửi nhu cầu mua sắm tập trung về đơn vị mua sắm tập trung, cụ thể:

+ Đơn vị mua sắm tập trung quốc gia gửi thông báo đến các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh;

+ Đơn vị mua sắm tập trung của Bộ gửi thông báo đến các đơn vị đầu mối đăng ký mua sắm tập trung.

d) Trên cơ sở thông báo bằng văn bản của đơn vị mua sắm tập trung theo các nội dung nêu trên, đơn vị mua sắm tập trung của Bộ, các đơn vị đầu mối đăng ký mua sắm tập trung thông báo cho cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản biết để ký hợp đồng mua sắm tài sản.

6. Ký kết hợp đồng mua sắm tài sản

a) Trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung, cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản ký Hợp đồng mua sắm tài sản với nhà thầu đã được đơn vị mua sắm tập trung ký thỏa thuận khung trong thời hạn do đơn vị mua sắm tập trung thông báo. Quá thời hạn do đơn vị mua sắm tập trung thông báo, cơ quan, đơn vị không ký Hợp đồng mua sắm tài sản thì không được phép mua sắm tài sản đó và bị thu hồi dự toán.

Trường hợp tại thời điểm ký hợp đồng mua sắm tài sản, giá thị trường của tài sản thấp hơn giá trúng thầu mua sắm tập trung, cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đàm phán với nhà thầu để giảm giá cho phù hợp với giá thị trường.

Hợp đồng mua sắm của các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản được gửi 01 bản cho đơn vị mua sắm tập trung hoặc đăng nhập thông tin về Hợp đồng mua sắm tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

b) Trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp, đơn vị mua sắm tập trung đàm phán, ký hợp đồng mua sắm tài sản với nhà thầu được lựa chọn.

c) Hợp đồng mua sắm tài sản được lập thành văn bản theo Mẫu số 05a/TSC-MSTT, Mẫu số 05b/TSC-MSTT ban hành kèm theo Quy chế này.

7. Thanh toán tiền mua sắm tài sản

a) Trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức thỏa thuận khung, cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản có trách nhiệm thanh toán tiền mua tài sản cho nhà thầu được lựa chọn.

b) Trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp, cơ quan quản lý chương trình, dự án có trách nhiệm chuyển tiền thanh toán cho nhà thầu cung cấp tài sản;

c) Việc thanh toán tiền mua sắm tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật, theo thỏa thuận khung và hợp đồng mua sắm tài sản đã ký với nhà thầu được lựa chọn.

8. Bàn giao, tiếp nhận tài sản

a) Trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức thỏa thuận khung, việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được thực hiện giữa nhà thầu cung cấp tài sản và cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản theo hợp đồng mua sắm tài sản đã ký kết.

b) Trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp, căn cứ hợp đồng mua sắm tài sản đã ký kết, đơn vị mua sắm tài sản tập trung cấp Bộ thông báo kế hoạch và thời gian bàn giao tài sản cho cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản chậm nhất là 15 ngày trước ngày bàn giao.

Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được thực hiện giữa ba bên (nhà thầu cung cấp tài sản, đơn vị mua sắm tài sản tập trung cấp Bộ và cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản).

c) Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản phải lập thành Biên bản nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản theo quy định tại Mẫu số 06/TSC-MSTT ban hành kèm theo Quy chế này, kèm theo các hồ sơ, tài liệu có liên quan.

d) Cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản có trách nhiệm tiếp nhận, kế toán, quản lý, sử dụng tài sản được trang bị theo quy định của pháp luật về kế toán, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Quy chế này.

9. Quyết toán, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản

a) Cơ quan, đơn vị ký hợp đồng mua sắm tài sản có trách nhiệm thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản với nhà thầu được lựa chọn.

b) Quyết toán kinh phí mua sắm tài sản:

- Đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm quyết toán với cơ quan quản lý chương trình, dự án trong trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp mà cơ quan quản lý chương trình, dự án chuyển tiền cho đơn vị mua sắm tập trung để thanh toán cho nhà thầu;

- Cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản có trách nhiệm quyết toán kinh phí mua sắm tài sản trong trường hợp còn lại.

c) Việc quyết toán, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua sắm tài sản đã ký với nhà thầu được lựa chọn.

10. Bảo hành, bảo trì tài sản

a) Nhà thầu được lựa chọn cung cấp tài sản có trách nhiệm bảo hành, bảo trì đối với tài sản đã cung cấp.

b) Nội dung công việc bảo hành, thời hạn bảo hành, chi phí liên quan và trách nhiệm của các bên (cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản, đơn vị mua sắm tập trung và nhà thầu trúng thầu) phải được thể hiện trong hồ sơ mời thầu, thỏa thuận khung và hợp đồng mua sắm tài sản.

Quản lý thu, chi liên quan đến mua sắm tập trung

1. Các khoản thu liên quan đến mua sắm tập trung:

a) Thu từ việc bán hồ sơ mời thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

b) Thu từ nhà thầu trong trường hợp giải quyết kiến nghị theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

c) Thu về bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng trong trường hợp nhà thầu không được nhận lại các khoản chi phí này theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

d) Thu từ cung cấp dịch vụ trong trường hợp cung cấp dịch vụ tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản cho đơn vị mua sắm tập trung khác (đối với đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp);

đ) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Các khoản chi liên quan đến mua sắm tập trung:

a) Chi phí lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản;

b) Chi thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp và chi phí thuê tư vấn (nếu có) để lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản trong mua sắm tập trung theo quy định;

c) Chi phí bàn giao, tiếp nhận tài sản;

d) Chi giải quyết các kiến nghị của nhà thầu (nếu có);

đ) Chi hoạt động liên quan trực tiếp thực hiện mua sắm tập trung;

e) Các khoản chi khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

3. Mức chi đối với các khoản chi quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền quy định; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền quy định thì người đứng đầu đơn vị mua sắm tập trung quyết định mức chi, đảm bảo phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

4. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung:

- Đối với gói thầu thực hiện theo nhiệm vụ do cơ quan, người có thẩm quyền giao: trường hợp các khoản thu không đủ để bù đắp các khoản chi thì phần chênh lệch được sử dụng từ nguồn kinh phí được phép sử dụng của đơn vị mua sắm tập trung; trường hợp các khoản thu lớn hơn các khoản chi, đơn vị mua sắm tập trung được bổ sung số tiền chênh lệch vào kinh phí hoạt động của đơn vị để sử dụng theo quy định của pháp luật;

- Đối với các gói thầu thực hiện theo hợp đồng cung cấp dịch vụ tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, đơn vị mua sắm tập trung quản lý, sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật.

5. Việc quản lý, sử dụng kinh phí tiết kiệm được thông qua mua sắm tập trung (số tiền chênh lệch giữa dự toán được giao và số tiền mua sắm tài sản thực tế) thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Tin KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: