Quy định, xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2023

Đăng ngày: 10-08-2022 | Lượt xem: 2313
Theo Thông tư số 47/2022/TT-BTC ngày 29/7/2022 của Bộ Tài chính, một trong những nguyên tắc trong xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2023 là tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội.

Thông tư số 47/2022/TT-BTC quy định, xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2023 theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, các Luật có liên quan; các quy định của pháp luật về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên ngân sách nhà nước; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách, chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị.

Đồng thời, tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo các Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII). Ưu tiên nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở ở những nơi cần thiết, cấp bách; tăng cường thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Chú trọng cải cách hành chính theo hướng hiện đại, đổi mới việc thực hiên cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tiết giảm chi phí.

Xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2023 quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện tiết kiệm triệt để, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ trùng lắp, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2023 để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn ngân sách nhà nước được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Thông tư số 47/2022/TT-BTC cũng hướng dẫn cụ thể về dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (phần ngân sách nhà nước đảm bảo), trợ cấp ưu đãi người có công.

Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương lập dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương từ tiết kiệm chi thường xuyên và một phần thu sự nghiệp theo quy định của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Các cơ quan, đơn vị hành chính ở trung ương đang áp dụng cơ chế đặc thù, dự kiến quỹ lương mới theo cơ chế được cấp thẩm quyền phê duyệt (nếu có) hoặc theo quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời báo cáo cụ thể các tác động tăng, giảm so với quỹ lương hiện hành và khả năng cân đối từ các nguồn được để lại.

Các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, trong đó, phải tự đảm bảo phần tiền lương tăng thêm phù hợp với mức tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên của đơn vị. Các địa phương tổng hợp, báo cáo dự toán chi tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 để thực hiện cải cách tiền lương.

Đối với kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (phần ngân sách nhà nước đảm bảo), trợ cấp ưu đãi người có công, các bộ, cơ quan căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng được giao thực hiện lập dự toán chi theo chế độ nhà nước quy định.

Tin KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: