Xác lập sở hữu toàn dân về tài sản- Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Đăng ngày: 06-05-2020 | Lượt xem: 1190
Xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục.

1. Thẩm quyền quyết định xác lập:

a) Bộ trưởng Bộ Tài chính: đối với tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam là bất động sản, xe ô tô, các tài sản khác (không phải là bất động sản, xe ô tô) có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản chuyển giao cho cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục.

b) Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn: Đối với các tài sản không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

          2. Trình tự xác lập sở hữu toàn dân:

a) Xác định cơ quan, đơn vị chủ trì quản lý tài sản:

- Đối với tài sản của các dự án do các chuyên gia, nhà thầu, tư vấn nước ngoài thực hiện dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ không hoàn lại chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam mà khi chuyển giao không xác định cụ thể cơ quan, đơn vị được tiếp nhận, quản lý, sử dụng: Ban quản lý dự án là đơn vị chủ trì quản lý tài sản; trường hợp Ban quản lý dự án đã bị giải thể thì cơ quan, đơn vị chủ quản dự án là cơ quan, đơn vị chủ trì quản lý tài sản. Cơ quan, đơn vị chủ trì quản lý tài sản căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành và pháp luật chuyên ngành liên quan đến tài sản xác định tính phù hợp của việc tiếp nhận tài sản chuyển giao và phải chịu trách nhiệm về việc xác định đó.

- Đối với tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam mà khi chuyển giao đã xác định cụ thể cơ quan, đơn vị được tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài sản: cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài sản là đơn vị chủ trì quản lý tài sản. Đơn vị chủ trì quản lý tài sản căn cứ các quy định pháp luật hiện hành và pháp luật chuyên ngành liên quan đến tài sản xác định tính phù hợp của việc tiếp nhận tài sản chuyển giao và phải chịu trách nhiệm về việc xác định đó.

b) Trình tự xác lập sở hữu toàn dân:

- Trường hợp xác định việc tiếp nhận tài sản chuyển giao là phù hợp với quy định của pháp luật thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận tài sản, đơn vị chủ trì quản lý tài sản có trách nhiệm lập hồ sơ, gửi cơ quan quản lý cấp trên để trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Hồ sơ đề nghị xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản bao gồm:

+ Tờ trình đề nghị xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản bao gồm cả phương án xử lý tài sản: 01 bản chính.

+ Bảng kê chủng loại, số lượng, khối lượng, giá trị, hiện trạng của tài sản: 01 bản chính.

+ Hợp đồng tặng cho tài sản trong trường hợp chuyển giao dưới hình thức tặng cho và theo quy định của pháp luật phải lập thành hợp đồng: 01 bản sao.

+ Các hồ sơ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng của tài sản chuyển giao và hình thức chuyển giao (nếu có): 01 bản sao.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại điểm b khoản này, cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này ban hành Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản theo Mẫu số 01-QĐXL kèm theo Quy chế này.

- Trường hợp xác định việc chuyển giao tài sản không phù hợp với quy định của pháp luật thì cơ quan, đơn vị được đề nghị tiếp nhận phải từ chối tiếp nhận; trường hợp không từ chối được thì xử lý theo quy định tại điểm b khoản này.

 

Tin KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: