Xây dựng dự toán ngân sách địa phương năm 2021

Đăng ngày: 11-08-2020 | Lượt xem: 1479
Dự toán ngân sách địa phương năm 2021 được xây dựng bảo đảm cân đối đủ nguồn lực thực hiện các chế độ, chính sách đã được cấp có thẩm quyền ban hành, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021. Ngoài thực hiện theo đúng các yêu cầu tại các điểm a, b mục III.1 của Chỉ thị này, việc xây dựng dự toán ngân sách địa phương các cấp năm 2021 còn phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan tài chính, thuế, hải quan, phối hợp với các cơ quan liên quan, căn cứ chỉ tiêu pháp lệnh thu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao và đánh giá những tác động của đại dịch Covid-19 đến sản xuất, kinh doanh, nguồn thu ngân sách để chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020 trên địa bàn.

Chấp hành nghiêm việc lập dự toán thu ngân sách và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng dự toán thu ngân sách với yêu cầu tích cực, sát thực tế phát sinh, tổng hợp đầy đủ các khoản thu ngân sách mới trên địa bàn. Phân tích, đánh giá cụ thể những tác động ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, từng khoản thu, sắc thuế, trong đó tập trung đánh giá ảnh hưởng nguồn thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế...

b) Dự toán chi ngân sách địa phương: Căn cứ vào dự kiến nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương (nếu có) theo quy định; trên cơ sở định hướng mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2021, các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; kết quả thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách của địa phương năm 2019, ước thực hiện năm 2020, xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương (chi đầu tư, chi thường xuyên) chi tiết theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, đảm bảo ưu tiên bố trí đủ dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ đã cam kết, chế độ chính sách đã ban hành; xác định dự toán bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện các chính sách, chế độ của trung ương sau khi đã chủ động sử dụng các nguồn của địa phương (kể cả nguồn cải cách tiền lương còn dư theo quy định).

c) Đối với nguồn thu xổ số kiến thiết: Các địa phương dự toán sát nguồn thu xổ số kiến thiết (bao gồm cả số thu được phân chia từ hoạt động xổ số điện toán) và tiếp tục sử dụng toàn bộ nguồn thu từ xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, y tế công lập, xây dựng nông thôn mới; sau khi đã bố trí vốn bảo đảm hoàn thành các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực trên, được bố trí cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và các dự án quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

d) Đối với bội chi/bội thu, vay và trả nợ của ngân sách địa phương

Địa phương chỉ được phép đề xuất mức bội chi ngân sách cấp tỉnh khi đáp ứng đủ các quy định và điều kiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, thực hiện đánh giá đầy đủ tác động của nợ ngân sách địa phương, nhu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển và khả năng trả nợ trong trung hạn của ngân sách địa phương trước khi đề xuất các khoản vay mới.

Đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, các địa phương chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương có liên quan để hoàn thiện các thủ tục, ký kết, bổ sung vào kế hoạch trung hạn theo quy định, để làm cơ sở bố trí kế hoạch vốn trong dự toán năm 2021; dự kiến khả năng giải ngân của từng khoản vay để xây dựng kế hoạch vay nợ và bội chi ngân sách địa phương cho phù hợp.

Các địa phương chủ động bố trí nguồn để trả nợ đầy đủ các khoản nợ (cả gốc và lãi) đến hạn, đặc biệt là các khoản vay từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho vay lại.

Tin KHTC

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: