Bà Rịa - Vũng Tàu: Phát triển nguồn năng lượng tái tạo để giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Đăng ngày: 08-05-2019 | Lượt xem: 1469
Khí sinh học biogas, không những là giải pháp nhằm quản lý bền vững nguồn chất thải chăn nuôi mà còn tạo ra nguồn năng lượng tái tạo rẻ nhằm giảm hiệu ứng khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, hiện nay tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới chỉ có khoảng 60% hộ chăn nuôi đầu tư hệ thống công trình khí sinh học biogas, do đó nguồn thải phát sinh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi vẫn còn rất cao.
ga1
Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học biogas

Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi chưa được xử lý triệt để

Những năm qua, mặc dù ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được nhận diện, khoanh vùng thành “điểm nóng” nhưng đến nay vẫn chưa xử lý triệt để, còn gây bức xúc cho người dân.

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 1.661 trang trại, cơ sở, hộ dân nuôi heo có quy mô từ 50 con trở lên và khoảng 10.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân bố chủ yếu tập trung tại huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, thị xã Phú Mỹ.

Trong đó có 25 cơ sở thuộc thầm quyền quản lý cấp tỉnh, 1.136 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp huyện. Theo đó, tổng lượng nước thải phát sinh từ các cơ sở chăn nuôi ước khoảng 2.646m3/ngày, trong đó qua hệ thống biogas, hệ thống xử lý khoảng 1.609m3/ngày; chưa xử lý (chủ yếu sử dụng các ao chứa, lắng lọc sơ bộ) khoảng 1.037m3/ngày. 

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, việc sử dụng khí sinh học không chỉ giải quyết vấn đề năng lượng mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây là nguồn năng lượng tái tạo làm giảm hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển. Nguồn khí này sẽ là một lựa chọn thực sự thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, hiện nay ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phần lớn các cơ sở nuôi heo có vị trí không phù hợp với quy hoạch, nằm trên lưu vực các hồ cấp nước, nằm trong khu dân cư, nhưng hầu như chưa được đầu tư công trình xử lý nước thải bảo đảm theo quy định, nên nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi heo là rất cao.

Để thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý, chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường của các cơ sở chăn nuôi heo trong khu dân cư, thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường của các cơ sở này.

Sở TN&MT cũng đã tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra Quyết định xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động đối với một số trại nuôi heo có quy mô lớn do vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường; thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở việc thu gom, xử lý nước thải với những cơ sở chăn nuôi nằm gần khu vực đầu nguồn các hồ chứa nước… nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Do đó, đến nay,  “điểm nóng” ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi vẫn chưa xử lý được triệt để.

Cũng theo ông Lê Ngọc Linh, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của các cơ sở chăn nuôi, nhất là cơ sở quy mô hộ gia đình, còn hạn chế, nhiều cơ sở chủ yếu chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nên xả thải nước thải trực tiếp ra môi trường.

Bên cạnh đó, việc nhận thức trách nhiệm và thực thi nhiệm vụ quản lý môi trường theo thẩm quyền của một số địa phương còn hạn chế, thiếu quyết liệt, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất thuộc thẩm quyền quản lý; việc kiểm soát, ngăn chặn hoạt động chăn nuôi tự phát chưa cương quyết.

Cụ thể, trong năm 2017 số trại heo từ 50 con trở lên khoảng 672 cơ sở, đến năm 2018 tăng lên 1.161 cơ sở và đến nay đã tăng lên 1.661 cơ sở, trong đó, cấp tỉnh quản lý chỉ có 25 cơ sở, còn lại 1.136 cơ sở thuộc cấp huyện quản lý... dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục do hoạt động chăn nuôi tự phát khó kiểm soát.

ga2
Chất thải đầu ra từ công trình biogas tại một hộ chăn nuôi đã tạo khí đốt thân thiện với môi trường

Tập trung phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Theo các chuyên gia khoa học, khí sinh học biogas là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm quản lý bền vững nguồn chất thải chăn nuôi, cũng như chất thải sinh hoạt tại nông thôn. Bởi, ngoài việc giảm thiểu mùi hôi khó chịu trong chăn nuôi, chất thải đầu ra từ công trình biogas còn tạo khí đốt, góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính do hạn chế sử dụng củi và các nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm môi trường nước và không khí… Song, để  nhân rộng việc sử dụng khí sinh học, thì  các cấp quản lý cần tiếp tục xây dựng quy chế, giám sát, hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân áp dụng các công nghệ này.

Ông Lê Ngọc Linh cho hay, nhằm giảm tải ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi, mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 889 về phê duyệt phân bổ chỉ tiêu hỗ trợ hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học. Theo đó, trong năm 2019, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chi 1 tỷ đồng để hộ trợ cho việc xây dựng 200 công trình khí sinh học biogas tại các địa phương trong tỉnh; mức hỗ trợ 5 triệu đồng/công trình.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ban hành Kế hoạch số 54 về việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ để phòng ngừa, cải thiện và khắc phục ô nhiễm tại các "điểm nóng" môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm 2019. 

Trong đó, đối với hoạt động chăn nuôi heo, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao cho Sở NN&PTTNT phối hợp với Sở TN&MT, các địa phương tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án Hỗ trợ hộ chăn nuôi heo xây dựng công trình khí sinh học biogas giai đoạn 2019 - 2020; siết chặt công tác quản lý để ngăn chăn tình trạng chăn nuôi tự phát; yêu cầu 1.136 trại heo cấp huyện quản lý đầu tư công trình xử lý chất thải đảm bảo theo đúng quy định…

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: