Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cần sớm hiện thực hoá các chiến lược về phát triển bền vững

Đăng ngày: 17-12-2018 | Lượt xem: 950
(TN&MT) - Tại phiên họp Tổng quan về Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và vai trò của Nghị viện trong chương trình Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền...
Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Việt Hùng

Nhận định các thách thức đối với Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 13 (SDG13) về ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc thì Việt Nam có lợi thế là trong các chính sách của chúng ta ban hành ngay từ đầu đều đã hết sức quan tâm đến sự phát triển bền vững, đặc biệt là trong phát triển kinh tế đã luôn nhấn mạnh và khẳng định phải gắn với an sinh xã hội, các vấn đề môi trường. Việt Nam cũng đã đạt nhiều thành tích khi thực hiện các nhóm chỉ tiêu về phát triển bền vững này của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, trong giai đoạn mới hiện nay, các chỉ tiêu phát triển bền vững đang đặt ra nhiều thách thức, bởi khi nói đến chỉ tiêu môi trường thì lấy chỉ số sử dụng  năng lượng sạch hoặc đầu tư thân thiện với môi trường thì đương nhiên chi phí, giá thành đầu tư sản xuất phải tăng lên. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ phải thực hiện các mục tiêu giảm phát thải theo cam kết quốc tế, chuyển từ phương thức tự nguyện như từ trước đến nay sang phương thức bắt buộc thực hiện bắt đầu từ năm 2021 trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cần được duy trì ở mức cao, kéo theo nhu cầu lớn về năng lượng. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong điều kiện tiếp tục phải duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, trong khi trình độ công nghệ sản xuất còn thấp, mức tiêu hao năng lượng và tài nguyên còn lớn, nguồn lực còn hạn chế. Việt Nam phải giải quyết vấn đề gia tăng phát thải khí nhà kính do năng lượng tái tạo chưa phát triển (hiện chỉ chiếm khoảng 5% tổng năng lượng sơ cấp), trong khi các loại nhiên liệu hoá thạch như than đá, dầu khí…vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn, ước tính điện từ than đến năm 2030 vẫn chiếm khoảng 50% trong cơ cấu điện năng.

BT phát biểu

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có bài phát biểu nhận diện những thách thức đối với Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 13 về ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Việt Hùng

Đề cập trách nhiệm của Việt Nam nói riêng và các quốc gia khác nói chung đối với vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết vấn đề này đòi hỏi có nguyên tắc trách nhiệm chung, nhưng phải có phân biệt. Trong quá trình đàm phán biến đổi khí hậu và đặc biệt trước đây đàm phán liên quan đến các thỏa thuận khác về biến đổi khí hậu cũng như môi trường, thì nguyên tắc này phải được thể chế hóa trách nhiệm chung và có phân biệt; trong đó có phân biệt các nước mà chưa có nhiều trách nhiệm đối với vấn đề môi trường toàn cầu và những nước có trình độ phát triển ở mức ban đầu còn thấp và trong tương lai cần phải tiếp tục tăng trưởng cao để tạo ra quy mô nền kinh tế để phát triển bền vững. 

Được biết, hiện nay chưa có cơ chế ràng buộc pháp lý đối với cam kết về đóng góp tài chính, do đó chưa có gì đảm bảo thực hiện thành công cam kết huy động mỗi năm 100 tỷ USD kể từ năm 2020 trở đi cho các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, cam kết việc hỗ trợ tiếp cận công nghệ xanh miễn phí hoặc chi phí thấp cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Thực tế đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu cho thấy, việc thực hiện trách nhiệm hỗ trợ nguồn lực cho các nước đang phát triển ngày càng mờ nhạt so với trách nhiệm, nghĩa vụ đã được quy định tại Công ước Khí hậu, Thỏa thuận Paris.

“Nhìn ở góc độ toàn cầu, hôm nay có ngài Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU và ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc, tôi cho rằng trong quá trình đàm phán đây là vấn đề lớn, bởi nếu chúng ta không làm rõ vấn đề này chúng ta sẽ mất đi lợi thế trong quá trình phát triển, dễ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Nên việc thể chế hóa trách nhiệm chung nhưng cũng cần phải có phân biệt và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, là việc các bên đang rất tích cực trong đàm phán, nhưng hiện còn đang gặp phải nhiều khó khăn” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong tiến trình phát triển hiện nay, thực tế mô hình phát triển đã hoàn toàn thay đổi, chuyển từ sử dụng năng lượng đen sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Mô hình phát triển bền vững mới hiện nay được xác định là mô hình kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Mô hình này giải quyết một lúc các bài toán mà các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta cần tiếp cận và sớm triển khai, đó là trong quá trình phát triển thay đổi tư duy phát triển, hướng đến mô hình phát triển với sự thông minh mà người ta hay gọi là cuộc cách mạng 4.0, công nghệ số hoá…

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Đây là vấn đề đòi hỏi các nước phải đi sớm một bước để xây dựng cho mình một năng lực, trong đó nguồn nhân lực là hết sức quan trọng. Nếu tiếp cận các mô hình mới này đồng thời chúng ta vừa giải quyết được bài toán về mặt dài hạn, trung hạn, bảo đảm lợi ích của đất nước cũng như lợi ích khu vực và lợi ích thế giới, đồng thời sẽ mang giá trị bền vững và hiệu quả chung. Nhưng trước mắt, với nguồn nhân lực, nguồn vốn còn hạn chế và các doanh nghiệp, các nhà đầu tư còn chưa có nhận thức đầy đủ như thực tế hiện nay thì vai trò của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội chính là ở chỗ phải tận dụng được sự hỗ trợ quốc tế trong chuyển giao công nghệ, tri thức, bên cạnh đó chúng ta cần có ưu tiên đầu tư nguồn nhân lực, có cơ chế tập trung đổi mới mô hình phát triển. Từ đó, sẽ khuyến khích để các doanh nghiệp có thể tiếp cận ngay với mô hình phát triển mới, tức là giải quyết bài toán trước mắt. Còn về trung hạn, đầu tư theo mô hình mới là rất khó hiệu quả vì nguồn vốn phải lớn. Về dài hạn thì cách thức dựa vào nền kinh tế xanh để đầu tư đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, và tạo ra giá trị ngay trong quá trình bảo vệ môi trường, tạo ra công ăn việc làm và cần phải đổi mới ngay từ khâu nhận thức đầu tư sản xuất đến tiêu dùng và người tiêu dùng… 

1712 toan canh hn

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Việt Hùng

Để xây dựng được cụ thể hóa các mô hình đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam phải cụ thể hóa các chỉ tiêu để đánh giá, mà các chỉ tiêu đó không chỉ tập trung vào lĩnh vực môi trường mà còn phải tập trung vào nhóm chỉ tiêu tổng hợp. Trong đó, ngay đầu vào của nền sản xuất thì cần phải được tính đến, không phải lồng ghép; mà đầu tư cho môi trường, cho phúc lợi xã hội phải được tính toán ngay từ khâu lập dự toán ban đầu.

“Phải có các bộ chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam. Các bộ chỉ tiêu này phải được đưa vào thống kê quốc gia để theo dõi và đánh giá. Hiện nay, Liên Hợp Quốc và Việt Nam đã có một nhóm chỉ tiêu đánh giá trên các chỉ số đã đề ra. Nhưng việc làm sao để nhóm chỉ tiêu này được “Việt Nam hóa” một cách cụ thể hơn, có thể đánh giá, phù hợp với hệ thống chúng ta là điều hết sức cần thiết. Vì nếu không cụ thể hóa các chỉ tiêu và đưa vào trong hệ thống thống kê quốc gia thì trên thực tế các Đại biểu Quốc hội cũng không thể nào theo dõi, kiểm tra và đánh giá được. Nên tham khảo những phương pháp các nước đã làm, chúng ta cần hiện thực hóa lập thành các nhóm chỉ số đánh giá và trên cơ sở đó giao cho các hệ thống cơ quan quản lý” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.  

Hội nghị về các bên tham gia công ước biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại Ba Lan cho thấy mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng nồng độ phát thải nhà kính trong năm qua trên thế giới vẫn đang tăng, và chỉ tiêu đặt ra nhiệt độ Trái đất không tăng 1,5 độ là một thách thức toàn cầu rất lớn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang chứng kiến tác động biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, diễn ra nhanh hơn so với dự báo, tác động nặng nề đến người dân và các ngành, lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu.

Từ đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, chúng ta cần nhanh chóng hiện thực hóa các chiến lược, chủ trương, chính sách và kế hoạch hành động quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu để thực hiện SDG13 mà Đảng, Nhà nước ta đã ban hành; phải tăng cường vai trò phân bổ nguồn lực quốc gia theo các thứ tự ưu tiên nhằm chủ động về nguồn lực trong thực hiện những đóng góp do Việt Nam đã cam kết theo Thoả thuận Paris. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng và ban hành cơ chế huy động nguồn lực bao gồm cả nguồn tài chính từ khu vực nhà nước và doanh nghiệp ở cấp quốc gia và quốc tế, trong đó tập trung khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, của doanh nghiệp.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: