Chuyên gia nêu nguyên nhân sâu xa gây lũ quét, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng

Đăng ngày: 06-10-2022 | Lượt xem: 4765
Rừng tự nhiên với thảm thực vật phong phú chính là lớp áo bảo vệ đất. Khi phá rừng, khai thác tận diệt rừng, lớp áo này mất đi, đất không còn kết dính mới sinh ra sạt lở đất.

Còn rừng tự nhiên thì khó có lũ quét

Nói về những trận lũ quét kinh hoàng ở Nghệ An vừa xảy ra, GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho rằng có nhiều nguyên nhân. Mưa quá lớn, cấp tập vượt quá khả năng thẩm thấu của đất, song nguyên nhân chính vẫn là do diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp.

Ở Việt Nam hiện có hai loại rừng là rừng trồng và rừng tự nhiên. Rừng nguyên sinh là một khái niệm trong rừng tự nhiên, là loại rừng chưa có tác động của con người, nhưng thực chất thì ở Việt Nam chỗ nào cũng bị con người tác động rồi, dù ít hay nhiều. Nguyên nhân của sạt lở đất, lũ quét… thời gian qua có nhiều, trong đó không thể bỏ qua yếu tố mất rừng tự nhiên.

"Nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi khi mưa xuống có tới 95% chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ, như lũ ống, lũ quét… Nhưng có rừng tự nhiên thì 90% nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt nữa mà thấm sâu dưới đất. Nếu một cơn mưa bình thường kéo dài 1-2 giờ với lượng mưa khoảng 100mm thì không có nước chảy tràn trên mặt, hết cơn mưa là mặt đất không có nước mà thẩm thấu trở thành nước ngầm, không còn khả năng gây lũ ống, lũ quét", GS Nguyễn Ngọc Lung phân tích.

Lũ quét sạt lở đất gây thiệt hại lớn ở Nghệ An.

Lũ quét sạt lở đất gây thiệt hại lớn ở Nghệ An.

Rừng tự nhiên có khả năng chống lũ, giữ nước tốt như vậy là vì rừng có nhiều tầng, tán, nhiều loại cây khác nhau, có thảm mục, hệ rễ sâu 20-30m (chiều cao cây như nào rễ sâu như thế, tán rộng bao nhiêu thì rễ cũng mọc rộng bấy nhiêu). Các cây đan lại với nhau như một cái lưới. Với kết cấu đó thì không thể tạo ra lũ được.

Rừng trồng, chỉ có tác dụng bằng 1/2 đến 1/5 so với rừng tự nhiên tùy thuộc trồng loại cây gì, cây đó đã trưởng thành chưa, nhưng tính trung bình thì nó có thể ngăn lũ được khoảng 50%. Còn đối với đất trống, đồi núi trọc, 80-90 lượng mưa xuống là chảy tràn trên mặt vì nó không có lực cản nào để thấm sâu xuống đất. Không có lớp thảm mục để giữ nước, tạo thành dòng chảy lớn, gây nên lũ quét. Cây cối có tác dụng phân hóa, điều khiển nước là như vậy.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đồng tình. Ông cho biết, quan sát các điểm sạt lở, lũ quét thì thấy đều là đất trơ trọi, không có thảm thực vật. Khi mưa, nước sẽ dần thấm vào, lớp đất ấy đã bị tác động từ lâu, nắng lên, đất sét đã bị phong hóa, sau đó, trọng lượng tăng do mưa dồn xuống, theo nguyên tắc trên độ dốc sẽ trượt khi lực đẩy xuống lớn hơn lực giữ.

"Lực giữ ở đây đã kém do đất sét bị phong hóa vì phá rừng, mất thảm thực vật. Xây thủy điện, phá rừng đã làm cho đất bị phong hóa, từ phong hóa làm thay đổi kết cấu của đất, lực giữ giảm đi, chưa kể mưa dồn mạnh hơn vì không còn dòng chảy mặt, trọng lượng tăng lên, lực giữ kém nên mới xảy ra sạt lở..."- nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay.

Rừng tự nhiên ngày càng "teo tóp"

GS Nguyễn Ngọc Lung cho biết, năm 1945, độ che phủ rừng tự nhiên lên tới 43%, tuy nhiên, sau đó do tác động của chiến tranh cùng với trình độ quản lý kém hiện nay, độ che phủ của rừng đã bị mất tới gần một nửa (còn khoảng 27% độ che phủ), gây ra những mối đe dọa tới sinh hoạt, phát triển nông nghiệp. Năm 1992, chương trình trồng 5 triệu ha rừng được khởi động, diện tích rừng trồng đã được nâng lên khá nhiều. Hiện nay, nhờ các chương trình phát động, diện tích che phủ cũng đã được tăng lên, theo số liệu thì diện tích rừng che phủ hiện lên đến 41,7%. Tuy nhiên đó là rừng trồng nên khả năng tích trữ, chống lũ, sụt lún cũng chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên. Diện tích rừng tự nhiên hiện còn rất ít.

"Mấu chốt là chất lượng rừng hiện nay rất thấp. Cũng là rừng tự nhiên nhưng xưa là rừng giàu và trung bình, giờ là rừng nghèo và rừng kiệt. Xưa trên 1ha rừng có 250 m3 gỗ nhưng giờ chỉ còn 25 m3 gỗ, nhưng nó vẫn là rừng. Như thế, độ che phủ bằng nhau nhưng chất lượng rừng không bằng một nửa so với trước đây. Chất lượng đó ảnh hưởng đến năng lực phòng hộ của rừng. Trước đây mật độ cây ken đặc, rễ đan nhau dày đặc thì giờ cây ít đi, cây to không có… nên vai trò bảo vệ của rừng bị suy giảm đi nhiều", ông nói.

Rừng nghèo là loại rừng chỉ có những loại cây ít giá trị, không có thảm thực vật, động vật, không có tác dụng giữ nước, chống xói mòn… Sự buông lỏng quản lý ở nhiều nơi khiến kiểm lâm chính là lâm tặc, rừng giàu biến thành rừng kiệt…

Theo GS Vũ Trọng Hồng, nếu có trồng lại rừng sau khi rừng bị phá, chúng ta cũng phải mất 50 năm rừng mới khôi phục lại được. 50 năm sau, rừng mới có thể tái tạo khả năng giữ nước. "Rừng trồng mới, dù 10 năm cũng không có tác dụng. Phải mất 50 năm lá rừng rụng xuống, mục ra, hình thành thảm thực vật dày 1 mét thì mới ngấm được nước. Dòng chảy mặt là dòng nguy hiểm nhất, rừng mất lớp mùn thì sẽ chẳng giữ được nước, nước sẽ trôi tuột đi tạo thành lũ"- GS Hồng nói.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, từ tháng 10 đến tháng 12, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ vừa và lớn. Mực nước đỉnh lũ năm 2022, tại hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức báo động 1, báo động 2 và trên báo động 2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương cần theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia và hệ thống dự báo địa phương.

Theo: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-neu-nguyen-nhan-sau-xa-gay-lu-quet-sat-lo-dat-ngay-cang-nghiem-trong-169221006072619087.htm

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: