Cùng hành động bảo vệ môi trường nông thôn bền vững

Đăng ngày: 20-09-2018 | Lượt xem: 1204
(TN&MT) - “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững” - Đó là chủ đề của Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2018 nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quản lý môi...

Nhân sự kiện này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân.

tktc1

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân

PV: Thưa Thứ trưởng, tiếp nối Chủ đề Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017, Chủ đề Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2018 là “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững”. Vậy, với vai trò quản lý Nhà nước về môi trường, Bộ TN&MT đã có những hoạt động, chỉ đạo như thế nào trong công tác quản lý môi trường nói chung, đặc biệt là quản lý chất thải tại các khu vực nông thôn nói riêng?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, sự thay đổi rõ rệt về đời sống của nhân dân khu vực nông thôn, tuy vậy, đi cùng với đó quá trình ô nhiễm môi trường cũng có xu hướng “tịnh tiến” về khu vực nông thôn. Hiện nay, rác thải sinh hoạt nông thôn đang trở thành vấn đề nổi cộm do lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại. Công tác thu gom và xử lý rác thải còn manh mún, thô sơ, chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn môi trường.

Vì vậy, từ đầu năm 2018, Bộ TN&MT đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể về bảo vệ môi trường để làm cơ sở cho toàn ngành tổ chức triển khai thực hiện góp phần tăng cường công tác BVMT, sớm giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường, quản lý tốt chất thải, cải thiện chất lượng môi trường.

Trong đó, các vấn đề về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm; nâng cao hiệu quả của công tác cải cách hành chính, đặc biệt, đối với các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất phục vụ cho việc thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư… luôn là những mục tiêu được chú trọng, quan tâm để tăng cường các công tác về bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, tiếp tục duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả đường dây nóng, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm, phòng ngừa các sự cố môi trường có thể xảy ra.

Đồng thời, xây dựng Đề án tổng thể về tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn; Đề án về quan trắc, cảnh báo môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tập trung xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường ở Trung ương, các Bộ, ngành và địa phương; bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong quá trình triển khai các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường.

vệ sinh môi trường

Vệ sinh môi trường nông thôn hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn. Ảnh: MH

PV: Bên cạnh những hoạt động tích cực, môi trường nông thôn vẫn còn không ít vấn đề bức xúc, nổi cộm có thể gây ra những thiệt hại về kinh tế - xã hội và tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn không chỉ do chất thải rắn mà còn do nhiều nguyên nhân khác như: Ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất... Những nguyên nhân này đã và đang tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe người dân và làm gia tăng những xung đột môi trường.

Tại các vùng nông thôn, do điều kiện kinh tế thấp, ngoài sử dụng nước ngầm, nhiều hộ gia đình vẫn sử dụng nước sông suối, ao hồ, kênh rạch để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Đây là những nguồn nước không được đảm bảo, chính vì không đủ nước sạch để dùng, nhiều nơi người dân vẫn phải dùng nguồn nước bị ô nhiễm nên rất dễ gây bệnh. Môi trường nước mặt (sông, hồ, kênh, mương) là nguồn tưới tiêu chính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Khi chất lượng nước của hệ thống này bị ô nhiễm dẫn tới những thiệt hại không nhỏ đối với hoạt động canh tác.

Ô nhiễm không khí cũng tác động trực tiếp đến sinh hoạt thường ngày của người dân. Tại không ít vùng nông thôn, mùi hôi do nước thải, chất thải từ các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; bụi bẩn và tiếng ồn từ các cơ sở sản xuất len lỏi khắp các đường làng, ngõ xóm của làng nghề khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Ô nhiễm môi trường gây ra những thiệt hại không nhỏ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản cũng như hoạt động phát triển du lịch; ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đất đến sức khỏe con người thể hiện rõ nhất ở sự tích tụ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong đất…

Khi ô nhiễm môi trường nông thôn trở thành vấn đề nhức nhối, những xung đột phát sinh giữa nhóm gây ô nhiễm và cộng đồng bị ô nhiễm tại các khu vực làng nghề, các cơ sở sản xuất công nghiệp, những xung đột liên quan đến công tác quy hoạch bãi rác tập trung lại càng trở lên phổ biến và trở thành những điển hình về xung đột môi trường tại khu vực nông thôn.

PV: Vậy với chủ đề của Chiến dịch năm nay, Bộ TN&MT đã có những hướng dẫn cụ thể như thế nào đối với các Bộ, ban, ngành, địa phương, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Để triển khai Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2018, Bộ đã ban hành Công văn số 4771/BTNMT-TTTNMT ngày 5/9/2018 tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch.

Bộ đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp tổ chức triển khai đồng loạt các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; chất thải nhựa và nilon; đề xuất các giải pháp thiết thực để triển khai Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.

Phát động các phong trào nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng thu gom, thu hồi các bao gói hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định của Thông tư Liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của liên Bộ: NN&PTNT, TN&MT  hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý môi trường, giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường lớn, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan, đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; phối hợp với các nhà sản xuất tổ chức ngày hội tái chế với mục đích thu gom, thu hồi các sản phẩm thải bỏ, đặc biệt là các chất thải điện tử như: Pin thải, bóng đèn huỳnh quang thải, tránh thải bỏ chung với rác thải sinh hoạt nông thôn.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2018, trong đó, tập trung vào nội dung thu hồi các bao gói hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng; vận động nhân dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch; xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường; tạo dư luận và áp lực xã hội lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường, khai thác bừa bãi, phá hoại tài nguyên thiên nhiên.

Tổ chức treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở người dân cùng hành động bảo vệ môi trường.

Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ, trong đó, tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển,…

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, lựa chọn, giới thiệu 1 công trình xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn phù hợp, hiệu quả nhất với thực tế địa phương đã và đang triển khai trên địa bàn gửi về Bộ TN&MT để tổng hợp, đánh giá, giới thiệu và phổ biến nhân rộng như một hoạt động thiết thực hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2018.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!


Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Ôxtrâylia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm. Chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia. Chiến dịch là dịp quy tụ các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, trường học, cá nhân và các quốc gia trên toàn cầu cùng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý, tái chế chất thải, phổ biến, tuyên truyền cho cộng đồng.

Nguồn: Báo TN&MT

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: