Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân Lý Sơn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Đăng ngày: 02-05-2019 | Lượt xem: 1532
Trong lộ trình phát triển, Lý Sơn hướng đến mục tiêu trở thành đô thị biển xanh - sạch - đẹp, mạnh về kinh tế, vững chắc về an ninh - quốc phòng. Tuy nhiên, hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc đang phải đối mặt với “ngồn ngộn” những khó khăn, nhất vấn đề ô nhiễm môi trường. Làm thế nào để hoàn thành mục tiêu này là vấn đề nhóm PV Báo Tài nguyên và Môi trường trao đổi với bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi).
bà hương Lý Sơn
Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn. Ảnh: Việt Hùng

PV: Thưa bà, với đặc thù là một huyện đảo thì công tác xử lý môi trường ở Lý Sơn gặp những khó khăn, áp lực gì hơn so với các địa phương khác?

Bà Phạm Thị Hương: Với những đặc thù địa lý, kinh tế, văn hóa riêng, Lý Sơn gặp  nhiều khó khăn hơn so với địa phương khác ở miền Trung. Ngoài rác thải sinh hoạt và rác trôi dạt tấp bào bờ thì Lý Sơn còn có đất thải nông nghiệp. Quy trình sản xuất cây tỏi, cây hành vốn là sản vật của Lý Sơn đòi hỏi người dân phải thay thế cát trắng và đất thịt vào mỗi vụ mới, khi ấy lớp đất và cát cũ phải thải ra môi trường. Hiện nay, lượng đất, cát thải của hơn 300 hecta đất nông nghiệp cũng gây khó khăn cho công tác đảm bảo môi trường của địa phương.

Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành thu gom, đem về tập kết tại một điểm quy hoạch gần biển, một phần để hạn chế xâm thực, đồng thời đất, cát tự tái tạo. Về lâu dài, để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường huyện đảo Lý Sơn, chúng tôi đang có hướng giảm diện tích đất nông nghiệp lại xuống khoảng tầm 200ha nhưng làm sao vẫn đảm bảo thu nhập của người dân bằng cách nâng cao giá trị cây tỏi, tác động đến môi trường ít hơn. Hiện, chúng tôi cũng đang thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu trồng tỏi không dùng cát trắng, nếu thành công thì việc sử dụng đất cát và thuốc bảo vệ thực vật của người dân sẽ được hạn chế.

PV: Người dân Lý Sơn chủ yếu là dân bản địa vậy trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường địa phương phải gặp những khó khăn gì? Và hướng tháo gỡ như thế nào?

Bà Phạm Thị Hương: Trước đây, khi chưa có nhà máy thu gom xử lý rác thải người dân Lý Sơn hầu như đều đổ rác thải ra biển, hoặc bỏ tại chỗ ảnh hưởng lớn đến môi trường. Sau khi Bộ TN&MT hỗ trợ địa phương xây dựng nhà máy thu gom xử lý rác thải, chúng tôi cũng phải xuống tận cơ sở, vào từng nhà dân để tuyên truyền bà con bỏ rác đúng nơi quy định và không được ném rác ra biển như trước trước. Mọi việc bắt đầu từ năm 2013, 2014 đến năm 2015 người dân bắt đầu giảm đưa rác ra biển và mãi đến năm 2016, mới chấm dứt được khoảng 90%.  

Tuy nhiên trong vẫn còn một vài trường hợp lén lút bỏ rác sai quy định, có thùng rác nhưng vẫn đổ xuống biển như một thói quen. Hiện nay, chúng tôi đã gắn các camera dọc ven biển, giao cho các địa phương tuyên truyền, đồng thời có các biển cấm đổ rác sai quy định. Đối với, những hộ dân, cá nhân bỏ không đúng nơi quy định đổ ra biển chúng tôi sẽ xử phạt đúng quy định. Nhờ vậy, thời gian qua ý thức bỏ rác thải cũng được cải thiện.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì và luôn coi trọng  công tác tuyên truyền vào các dịp lễ, ngày hội khu dân cư, chúng tôi đều lồng ghép các nội dung nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Năm 2018 chúng tôi đã có 01 xã đạt Nông thôn mới, trong năm 2019, chúng tôi phấn đấu 02 xã tiếp theo và đến cuối năm 2019 sẽ thành huyên Nông thôn mới. Trong chỉ tiêu nông thôn mới, tiêu chí môi trường rất quan trọng, có thể rớt là rất bình thường, do đó, công tác truyên truyền cần tăng cường, để người dân Lý Sơn cùng với chính quyền bảo vệ môi trường.

Chúng tôi cũng mong muốn, mỗi du khách khi đến Lý Sơn cũng là một tuyên truyền viên giúp người dân Lý Sơn và cùng với người dân Lý Sơn bảo vệ môi trường xanh - sạch -  đẹp.

Cảng đảo lớn
Cảng đảo lớn Lý Sơn. Ảnh: Việt Hùng

PV:Việc hạn chế túi ni lông hiện nay được huyện triển khai như thế nào thưa bà?

Bà Phạm Thị Hương:  Thời gian qua, nạn sử dụng túi ni lông trên địa bàn huyện rất nhiều. Vì thế, cùng với việc thu gom rác thải trên địa bàn huyện chúng tôi đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản liên quan về hạn chế sử dụng túi ni lông để góp phần bảo vệ môi trường huyện đảo. Các cơ quan mặt trân, đoàn thể và các địa phương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho bà con tác hại của túi ni lông và hướng dẫn sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

Hiện nay, huyện đang tập trung xây dựng mô hình hạn chế sử dụng hướng đến chấm dứt sử dụng túi ni lông tại xã đảo An Bình. Tại các xã của đảo lớn, chúng tôi tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai truyên truyền đến từng khu dân cư, mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các hộ kinh doanh buôn bán hạn chế sử dụng túi ni lông để từng bước có thói quen sử dụng các loại túi thân thiện. Ngoài ra, chúng tôi cũng tuyên truyền cho chủ các phương tiện tàu thuyền, nhất là phương tiện tàu thuyền chở hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại. Hiện nay chúng tôi cũng đã có những mẫu túi nôn đề nghị sử dụng trên tàu đảm bảo thân thiện môi trường.

PV: Lý Sơn có lượng khách đến tương đối lớn, bà đánh giá như thế nào về tác động của khách du lịch đối với việc giảm thiểu rác thải nhựa của địa phương?

Bà Phạm Thị Hương: Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Lý Sơn rất rất đông. Chỉ riêng năm 2018, Lý Sơn đã đón trên 230.000 lượt khách, có những ngày cao điểm lên đến 5.000 lượt khách. Đối với việc thu gom, xử lý rác thải, từ năm 2016 thực hiện mô hình xã hội hóa huyện đã giao cho công ty TNHH Đa Lộc tiến hành thu gom, xử lý tất các các loại rác thải.

Trung bình lượng rác thải thu gom mỗi ngày khoảng 25 tấn, đơn vị xử lý tốt. Với diện tích nhỏ 10 km2, dân số 22.000 cùng với khách du lịch thì lượng rác thải như vậy là quá lớn bao gồm đủ các loại rác từ vô cơ đến hữu cơ, nên công tác xử lý cũng gặp nhiều khó khăn. Nhất là xử lý rác thải chai lọ nhựa và rác thải nguy hại, trong khi công nghệ xử lý chưa đảm đảo.

Để người dân và du khách có ý thức trong việc sử dụng chai nhựa, chúng tôi cũng giao cho phòng TN &MT huyện phối hợp với các địa phương tuyên truyền cho du khách. Trước mắt, chúng tôi bố trí các thùng rác ở những vị trí thuận lợi như nơi công cộng và điểm du lịch để du khách khi bỏ rác đúng nơi quy định tạo điều kiện thuận lợi cho công ty TNHH Đa Lộc xử lý.

Về lâu dài, chúng tôi đang có chương trình phối hợp với Trung tâm y tế cộng đồng tổ chức tuyên truyền phân loại rác, nghiên cứu xử lý rác chai nhựa, tránh để ô nhiễm đến môi trường. Hi vọng sự  quyết liệt trong chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và ý thức của người dân được nâng cao sẽ giảm thiểu việc sử dụng các loại chai lọ nhựa, thay thế bằng loại dễ phân hủy.

đảo bé
Đường vào đảo bé An Bình thuộc huyện Lý Sơn. Ảnh: Việt Hùng

PV:Thế còn tình trạng rác thải nhựa trôi nổi trên biển ảnh hưởng đến môi trường biển việc thu gom gặp khó khăn gì thưa bà?

Bà Phạm Thị Hương: Lý Sơn bốn mặt giáp biển nên việc mỗi khi thời tiết không thuận lợi, không riêng gì rác thải nhựa mà tất cả loại rác trên biển theo sóng tấp vào bờ rất nhiều. Mỗi lần như vậy, chúng tôi để tổ chức huy động đoàn thanh niên tình nguyện, bà con ra quân vớt rác xung quanh biển. Vào những thời điểm biển động, sóng lớn thì lượng rác thu gom được lên đến mấy chục tấn, tổng hợp nhiều loại rác từ chai lọ, cành cây, củi khô… rất khó khăn cho việc phân loại, xử lý trong khi công nghệ còn chưa đảm bảo.

Do đó, những chương trình này chỉ mang tính chất tạm thời. Trong thực hiện nhiệm vụ chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn để làm sao rác thu gom về xử lý được đảm bảo để môi trường Lý Sơn được xanh sạch đẹp như kỳ vọng của người dân.

PVVề lâu dài, Lý Sơn cần làm gì để phát triển bền vững thưa bà?

Bà Phạm Thị Hương: Với đà phát triển như hiện nay, thì Lý Sơn còn rất nhiều việc phải làm để giữ môi trường xanh - sạch đẹp. Bên cạnhsự vào cuộc của hệ thống chính trị, ý thức chấp hành của người dân thì Lý Sơn cũng đang rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan Tung ương sự vào cuộc của các nhà khoa học. Huyện ủy cũng đang xây dựng dự án trồng rừng, cải tạo cảnh quan để môi trường Lý Sơn có màu xanh giữ được nguồn nước. Mình nói với dân thì phải làm, khi mình làm thì dân mới tin, mới làm với mình.

Chúng tôi hi vọng, người dân Lý Sơn sẽ cùng với chính quyền bảo vệ môi trường để du khách khi đến với huyện đảo sẽ cảm nhận được môi trường xanh, sạch, đẹp và thân thiện và tiếp tục đến lần nữa. Từ đó du lịch sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Chúng tôi phấn đấu đưa Lý Sơn trở thành một đô thị biển xanh sạch đẹp, mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng an ninh theo nghị quyết của Chính phủ phê duyệt.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: