ĐBSCL: Đợi chờ một mùa nước nổi

Đăng ngày: 19-08-2019 | Lượt xem: 1262
Chưa bao giờ nước lại cần cho Đồng bằng sông Cửu Long như bây giờ. Không chỉ vậy, Lào và Thái Lan… người dân cũng đang mong chờ lũ về từng ngày, chuyện mà trước đây các nước bạn không quan tâm lắm.

Thiếu nước…

Lượng nước sông Mekong tụt giảm nghiêm trọng trong lịch sử, làm cho ruộng đồng khô hạn, nứt nẻ, màu xanh của ruộng đồng thay vào đó là màu cỏ cháy. Nước sông Mekong bị cạn kiệt, bến đò và bãi đánh cá tấp nập trước đây giờ trở thành sân đá bóng trên cát…

Trong khi đó gần Việt Nam, ai đến Biển Hồ mênh mông của Campuchia mùa này sẽ dễ cảm nhận ngay được tình trạng nhiều nơi trơ đáy, nhà bè và thuyền cá phơi mình trên cát.

Ngoài lượng mưa ít, tình trạng phá rừng, khẩn hoang của Campuchia đã khiến tốc độ bồi lắng của Biển Hồ ngày càng nhanh hơn. Và điều đáng lo là túi nước khổng lồ này lại là nguồn quan trọng cho mùa khô của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Ở hạ nguồn Việt Nam, nhiều nông dân cũng đang ngày đêm ngóng con nước về. Miền Tây Nam Bộ chằng chịt kênh rạch, nhưng hầu như tất cả đều phụ thuộc vào mực nước sông Tiền, sông Hậu - đoạn cuối cùng của dòng Mekong trước khi đổ ra biển.

Đồng bằng sông Cửu Long lâu nay vẫn phải đối mặt với sạt lở bờ sông, sự xâm nhập mặn vào hệ thống sông chính và hệ thống kênh nội đồng. Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão và lũ Đồng bằng Sông Cửu Long năm nay sẽ về chậm so với những năm trước.

Trong khi đó, ở Trung Bộ hạn hán kéo dài cả tháng nay, mực nước các dòng sông lớn cũng trơ đáy, nhiều thửa ruộng không thể canh tác, người dân thiếu cả nước sinh hoạt, nỗi lo về nguy cơ tái nghèo tiếp tục tái diễn. Thiếu nước trong mùa cạn người dân hạ du các lưu vực sông thường mong chờ nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện nhưng thời gian qua thủy điện còn mong mưa hơn bao giờ hết, nhiều thủy điện không có nước để phát điện... Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, các bộ, ngành liên quan về việc tập trung ứng phó với nắng nóng kéo dài, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long… Chủ động bố trí ngân sách địa phương thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Đợi mùa nước nổi

Khô – Khát – Hạn – Mặn khốc liệt, lũ về muộn là những cụm từ được nhắc nhiều trên các phương tiện thông tin, đây cũng là bức tranh khắc họa thiên nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Lượng nước sông Mekong tụt giảm nghiêm trọng trong lịch sử, bến đò và bãi đánh cá tấp nập trước đây giờ trở thành sân đá bóng trên cát, ruộng đồng khô hạn, nứt nẻ, màu xanh của ruộng đồng thay vào đó là màu cỏ cháy.

anh 2
Diện tích lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng lớn do đợt khô hạn và nước lũ về muộn

Tổng cục Khí tượng thủy văn – Bộ TN&MT dự báo, từ tháng 8-10/2019, tổng lượng dòng chảy tại các trạm trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30% và cao hơn năm 2015 từ 5-12%. Ths. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia Nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐSCL cảnh báo: Với tình hình này, rất có khả năng lũ sẽ không về hoặc về muộn so với nhiều năm. Thời gian sau Tết, sang khoảng tháng 3/2020, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn ra rất gay gắt tại vùng ĐBSCL, mặn sẽ vào sâu đất liền, có thể ảnh hưởng đến cả nguồn nước sinh hoạt ở những nơi trước đây chưa từng bị ảnh hưởng.

Thiếu nước ở sông Mekong đã được các chuyên gia, nhà khoa học cảnh báo từ lâu. Nguyên nhân tác động là do quá nhiều đập thủy điện “mọc lên” đã chặn dòng, giữ nước phục vụ thủy điện đang đe dọa an ninh nguồn nước nhiều quốc gia hạ lưu, trong đó có các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Ngoài ra, do lượng mưa năm nay bị sụt giảm so với những năm trước, cũng là nguyên nhân dẫn đến ĐBSCL khô hạn kéo dài.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, mực nước ở các trạm thủy văn trên địa bàn trong tháng 7/2019 giảm xuống từ 0,5m – 2,9m so với cùng kỳ năm 2018. Còn các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… mực nước sông không chỉ giảm mà còn có nguy cơ ô nhiễm hữu cơ, vi sinh do tác động từ nước thải, chất thải.

Đáng lưu ý, nguồn nước mặt khan hiếm và suy giảm vì ô nhiễm dẫn đến việc người dân khoan giếng khai thác nước ngầm tràn lan tại nhiều địa phương, làm cho mực nước ngầm bị sụt giảm nghiêm trọng, chất lượng nước có nơi không đảm bảo cho sinh hoạt so nhiễm thạch tín, phèn.

Minh chứng rõ nhất là vào năm 2016, đợt hạn, mặn lịch sử đã diễn ra 9/13 tỉnh, thành ĐBSCL, gây thiệt hại nặng nề cho trên 160.000ha đất sản xuất nông nghiệp, khoảng 600.000 người dân bị thiếu nước sinh hoạt, tổng thiệt hại khoảng 5.600 tỷ đồng. Không chỉ thế, do thiếu nước sản xuất nông nghiệp, nhiều người dân ở các tỉnh ĐBSCL phải bỏ hoang đất để lên Tp. HCM, Đồng Nai, Bình Dương… làm thuê.

anh 3
Ruộng đồng nứt nẻ, cây trồng không thể sống, hàng ngàn ha có nguy cơ bị hoang hóa, nước mặn sâm nhập  tại ĐBSCL

Đến nay, các tỉnh ĐBSCL vẫn chưa thống kê hết được thiệt hại do đợt hạn hán kéo dài vừa qua, tuy nhiên các chuyên gia và nhà khoa học, quản lý đã đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp để giúp đồng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu như: Chuyển đổi cây trồng ít dùng nước; khôi phục không gian cho dòng sông, kênh rạch; quản chặt cấp phép để bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; điều chỉnh quy hoạch tổng thể và sản xuất nông nghiệp cho khu vực, quy hoạch sản xuất nông nghiệp phải nằm trong quy hoạch tổng thể gồm phát triển công nghiệp, du lịch và nông nghiệp; Lựa chọn cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện khô hạn và môi trường nước mặn, nước lợ; kiện toàn hệ thống đê, thành lập các khu vực bảo vệ trước lũ, xâm nhập mặn, tạo ra các vùng đất an toàn đối với lũ và xâm nhập mặn, đồng thời chủ động kiểm soát nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hóa nông thôn và xây dựng đập ngầm, xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình giữ nước ngọt...

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: