Đốt rơm rạ mỗi vụ ở Hà Nội phát sinh hơn 23.000 tấn CO2 và 163,3 tấn bụi mịn PM2.5

Đăng ngày: 17-06-2021 | Lượt xem: 2361
Chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Khoảng 20% trong số đó bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2,5 và 23.000 tấn CO2.

Đốt rơm rạ khiến Hà Nội bị ô nhiễm môi trường trầm trọng

Mới đây, sở TN&MT Hà Nội kết hợp Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) cùng nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã công bố kết quả “Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng”. Trong đó, chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Khoảng 20% trong số đó bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2.5 rất lớn. Đây là vấn đề đáng quan ngại khi PM2.5 được coi là sát thủ trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.

Theo kết quả kiểm kê vụ Đông Xuân 2020, các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ và Mỹ Đức của Hà Nội có tổng lượng bụi phát sinh lớn nhất do hoạt động đốt rơm rạ gây nên. Gia Lâm, Hoàng Mai, Thường Tín, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Trì có tỷ lệ phát hiện đốt rơm rạ ở mức cao, khoảng 30 - 60%. Gia Lâm, Hoàng Mai, Thường Tín tuy có diện tích sản xuất lúa thấp nhưng tỷ lệ đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng được phát hiện ở mức cao nhất.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, bên cạnh các nguồn gây ô nhiễm không khí như giao thông, xây dựng, làng nghề, bụi và khí thải từ hoạt động đốt rơm rạ cũng là nguồn đóng góp đáng kể. Đây là vấn đề gây ô nhiễm môi trường trầm trọng do tính chất cục bộ, chất ô nhiễm tập trung trong thời gian ngắn (cao điểm trong 7-10 ngày).

Bằng mô hình tính toán lan truyền chất ô nhiễm, các nhà khoa học cho thấy, bụi và khí thải từ đốt rơm rạ có thể lan truyền trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người không sống gần nơi đốt rơm rạ, làm tăng ô nhiễm môi trường không khí, làm tăng nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch.

Theo kết quả mô hình hóa quá trình lan truyền bụi, vùng ô nhiễm chính ở phía Nam của thành phố Hà Nội, các vùng khác trong đó có khu vực nội thành Hà Nội bị ảnh hưởng. “Điều đáng chú ý là khu vực thị trấn Sóc Sơn, trong đó có cả sân bay Nội Bài cũng là vùng chịu ô nhiễm do hoạt động đốt rơm rạ. Vào các thời điểm đốt rơm rạ, khói bụi sinh ra đã ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi tiếp cận hạ cánh xuống sân bay, tiềm ẩn nguy hiểm đến an toàn bay. Do vậy, cần phải có giải pháp hạn chế, ngăn ngừa ô nhiễm từ nguồn này.

Theo Đại diện Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, đốt rơm rạ là hoạt động diễn ra hằng năm, lặp đi lặp lại của nông dân khu vực nông thôn, trở thành nguyên nhân không nhỏ gây ra tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ ở Hà Nội mà còn nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Hà Nội gặp khó trong việc xử lý triệt để đốt rơm rạ

Theo kết quả kiểm tra đột xuất của tổ công tác liên ngành Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an TP Hà Nội….) mới đây, tại hầu hết các địa phương, tình trạng đốt rơm rạ vẫn còn xảy ra và còn có nơi chưa có biện pháp xử lý.

Điển hình như tại huyện Thanh Oai, với tổng diện tích gieo trồng lúa mùa vụ trên địa bàn huyện khá lớn 6.470ha, tương đương 38.820 tấn rơm, rạ thải bỏ. Tại huyện Ứng Hòa, vụ Xuân năm 2021, tổng số rơm rạ phát sinh sau thu hoạch là 45.980 tấn đã được xử lý bằng các phương pháp như thu gom làm thức ăn gia súc, trồng nấm, tận dụng trồng rau màu chiếm 31%; biện pháp khác (để rơm rạ tại ruộng tự phân hủy…) 58%; đốt còn 11%. Trong khi đó, tại huyện Ba Vì, khối lượng rơm, rạ đốt sau thu hoạch giảm 5 - 10% so với những năm trước.

Theo đại diện phòng TN&MT huyện Ứng Hòa, do diện tích các thửa ruộng còn nhỏ, khi thu hoạch sử dụng cơ giới nên việc thu gom rơm, rạ sau thu hoạch rất khó khăn. Người dân ít quan tâm đến việc sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh để cải tạo đất.

Còn theo đại diện phòng TN&MT huyện Thanh Oai, trên địa bàn huyện vẫn còn một số xã tái diễn tình trạng đốt rơm rạ nhỏ lẻ, bên cạnh nguyên nhân do người dân không hợp tác trong việc hoàn đối ứng hoặc tự mua chế phẩm sinh học, giá thành chế phẩm xử lý cao, một trong những nguyên nhân phải kể đến là chế tài xử phạt vi phạm hành chính về đốt rơm rạ tại ruộng chưa rõ ràng, điều này gây khó khăn cho địa phương trong việc tiến hành xử lý hành vi trên.

Theo đại diện Live & Learn, thực hiện Chỉ thị số 15 của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường các biện pháp đối với hoạt động đốt rơm rạ, từ tháng 5/2020, đơn vị này phối hợp Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thực hiện các hoạt động hỗ trợ và đồng hành với các bên trong xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Trong đó có việc thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện giải pháp kỹ thuật hạn chế đốt rơm rạ.

Nhờ đó, vụ Đông Xuân 2021, ít nhất 6 huyện (Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì) với hơn 1.000 ha đồng ruộng áp dụng các giải pháp xử lý rơm rạ thay thế việc đốt. Từ đây, nhiều mô hình nhỏ, sáng kiến địa phương đã được khuyến khích triển khai như Hội phụ nữ Sóc Sơn xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ, Hội Nông dân Đan Phượng triển khai phân rắc chế phẩm sinh học, nông dân Ba Vì thu rơm, phay rơm làm thức ăn cho gia súc, Hội Phụ nữ Đông Anh dùng rơm làm mái nhà giáo xứ, mô hình thu rơm hỗ trợ nuôi ao cá tại Mỹ Đức.

Đại diện Live&Learn cho rằng, nếu toàn hệ thống chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội môi trường và người dân các quận, huyện, phường, xã cùng chung tay thực hiện các giải pháp thì có thể đưa Chỉ thị 15 vào đời sống, tiến tới chấm dứt đốt rơm rạ.

Trước thực trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm, mới đây, Bộ TN&MT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở TN&MT, Cảnh sát Môi trường, chính quyền cơ sở cấp quận, huyện, phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định. Bên cạnh đó, chỉ đạo thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường. Quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở nếu để xảy ra tình trạng đốt chất thải, chất thải rắn sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, vận chuyển vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn./.

Theo VOV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: