Hàng trăm công trình nước sạch ở Tây Nguyên bị bỏ hoang

Đăng ngày: 25-04-2019 | Lượt xem: 1353
Trong những năm qua, trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên được Nhà nước đầu tư hàng nghìn công trình cấp nước sinh hoạt, nhằm mục đích giúp người dân tiếp cận được nguồn nước đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, rất nhiều người dân nơi đây vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn nước sạch. Trong khi đó, các công trình được đầu tư tiền tỷ đang xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí là bỏ hoang cả mấy năm nay.
nuoc1
Trạm cấp nước sinh hoạt tập trung ở xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô (Đắk Nông) ngừng hoạt động

Nhiều công trình nước sạch “đắp chiếu”

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh Đắk Nông có 245 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng hàng trăm tỷ đồng để cung cấp nước sạch cho trên 25.350 hộ dân. Nhưng hiện chỉ còn 56 công trình đang hoạt động hiệu quả (chiếm 23%), còn 186 công trình đã ngừng hoạt động (chiếm 77%).

Năm 2005, bon N’Jiêng, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa được hỗ trợ 700 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng một công trình cấp nước sinh hoạt tập trung phục vụ nước sạch cho 98 hộ. Theo ông K’Khiêm (trú bon N’Jiêng, xã Đắk Nia) cho biết: “Từ khi mới nghe thông tin cho đến lúc tận mắt nhìn thấy hệ thống nước sạch dẫn đến từng nhà, bản thân tôi và hàng trăm người dân trong bon ai nấy đếu rất phấn khởi, vui mừng vì từ nay không phải lo về việc hằng ngày phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm nữa. Tuy nhiên, niềm vui đó của người dân chúng tôi cũng chỉ kéo dài hơn một năm vì tính từ đầu năm 2007 đến thời điểm này, công trình này liên tiếp bị hư hỏng và không thể sử dụng”.

Qua tìm hiểu, hệ thống các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn các tỉnh khác ở Tây Nguyên cùng chung tình cảnh như trên. Cụ thể, tại Đắk Lắk có 168 công trình, hiện có tới 51 công trình ngừng hoạt động, trong đó 20 công trình hỏng nặng bị đưa vào diện xem xét để thanh lý bán phế liệu. Theo ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột, xã có 7 công trình cấp nước tập trung, thì có tới 5 công trình đắp chiếu cả chục năm nay, trong khi nhu cầu dùng nước của người dân là cấp thiết. 

nuoc2
Một trong những công trình cấp nước bị bỏ hoang lâu ngày cây cỏ mọc um tùm

Đề xuất bán phế liệu công trình hư hỏng nặng

Theo ông Hoàng Trung Thơ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, trong số 173 công trình nước sạch tập trung ngưng hoạt động (chiếm 70,61%), có 66 công trình đề nghị thanh lý, 107 công trình đề nghị nâng cấp sửa chữa phải tốn thêm nhiều kinh phí.  “Chúng tôi đã có báo cáo gửi các địa phương, rà soát và đánh giá lại hiện trạng các công trình cấp nước sạch trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với các công trình hỏng nhỏ, mà người dân có nhu cầu sử dụng mới thống kê để sửa chữa. Những nơi hỏng nặng, người dân cũng không có nhu cầu thì kiến nghị thanh lý bán phế liệu, tức bán sắt vụn, vừa đỡ gây lãng phí, vừa đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Thơ chia sẻ thêm.

Tại Đắk Lắk, trong số 168 công trình, trong đó có 41 công trình hoạt động bền vững chiếm 24,4%; 56 công trình hoạt động trung bình chiếm 33,33%; 20 công trình hoạt động kém hiệu quả chiếm 11,9%; 51 công trình ngừng hoạt động chiếm 30,36%, trong đó có 20 công trình bị hư hỏng nặng không có khả năng phục hồi, tập trung ở các huyện: Buôn Đôn, Buôn Hồ, Ea H’leo, Ea Súp, Krông Ana, Krông Bông, M’Đrắk và TP Buôn Ma Thuột. 

Theo ông Phạm Ngọc Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đối với 20 công trình ngừng hoạt động, chúng tôi kiến nghị cho thanh lý đài nước để bán sắt vụn. Những công trình này có quy mô nhỏ, nhưng kinh phí sửa chữa lớn, đầu tư thêm tiền mà không hiệu quả, rất lãng phí. Các công trình hoạt động trung bình, vẫn cấp nước bình thường, nhưng việc hoạt động khó khăn do thu không đủ chi.

nuoc3
Trẻ em ở vùng sâu, vùng xa khu vực Tây Nguyên phải dùng nước giếng đào không đảm bảo vệ sinh

Đề nghị xử lý kỷ luật chủ đầu tư

Theo Kết luận số 29 ngày 05/01/2019 của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, từ năm 2004 đến tháng 6/2018, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 258 công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng; trong đó, tổng mức đầu tư của 245 công trình gần 375 tỷ đồng; 13 công trình không xác định được mức đầu tư. Điển hình, các công trình cấp nước ở các thôn Thuận Hòa, Thuận Tân, Thuận Thành (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) được xây dựng từ năm 2011 - 2014 với tổng kinh phí hơn 9,9 tỷ đồng đã ngừng hoạt động sau một thời gian ngắn sử dụng.

Thanh tra tỉnh Đắk Nông còn phát hiện nhiều sai phạm trong việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tại các huyện Đắk Mil, Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa. Nhiều công trình cấp nước ở xã Đức Xuyên, xã Nâm N’Đir (huyện Krông Nô) xây dựng sai thiết kế, sử dụng không hiệu quả đã gây lãng phí ngân sách Nhà nước hơn 17 tỷ đồng. Còn công trình cấp nước khu tái định cư B, phường Nghĩa Đức (thị xã Gia Nghĩa) được xây dựng năm 2011 với kinh phí hơn 16,3 tỷ đồng, khi bàn giao vào tháng 12/2015, thì Công ty CP Cấp nước và Đô thị tỉnh Đắk Nông đã không tiếp nhận.

Trước những sai phạm nói trên, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đề nghị tỉnh Đắk Nông xử lý kỷ luật các chủ đầu tư liên quan đến dự án. Theo ông Lê Sỹ Tuân, Chánh Thanh tra tỉnh Đắk Nông, hiện tại, do chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình đầu tư, xây dựng các công trình nước sạch bị bỏ hoang trên địa bàn nên Thanh tra tỉnh không chuyển hồ sơ đến Cơ quan Công an.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: