Miền Tây đợi mùa nước nổi: Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL

Đăng ngày: 29-08-2019 | Lượt xem: 3961
Nước là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sinh hoạt, sản xuất và đời sống của người dân vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng cùng với những tác động khác đang làm cho nguồn nước bị suy kiệt, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.

Nguồn nước vùng ĐBSCL phụ thuộc rất lớn từ thượng nguồn sông Mê Kông, nhưng những năm gần đây, hoạt động xây dựng đập thủy điện hay thực hiện các dự án chuyển nước từ sông Mê Kông về mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp của những quốc gia trong khu vực đã gây nhiều khó khăn cho các tỉnh, thành ở phía hạ lưu. 

Tài nguyên nước tại ĐBSCL đang đứng trước những thách thức, cần có giải pháp tổng thể, hiệu quả.

Các số liệu quan trắc thủy văn ghi nhận được cho thấy, từ trận lũ lịch sử năm 2000 đến nay, dòng chảy mùa lũ từ thượng nguồn đổ xuống vùng ĐBSCL ngày càng giảm sút rõ rệt. Bên cạnh đó, do không gian chứa nước lũ từ hai vùng trũng là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười ngày càng bị suy giảm, nên nhiều vùng đất ở hạ lưu bị ngập sâu hơn và kéo dài thời gian ứ nước hơn, nhiều bờ sông bị sạt lở do dòng chảy gia tăng tốc độ. 

Ngoài ra, lượng nước tại vùng ĐBSCL cũng đang phải chịu tác động mạnh mẽ từ BĐKH. Nhiều kết quả mô phỏng toán học theo các kịch bản phát thải khí nhà kính cho thấy, nhiệt độ tại khu vực ĐBSCL có xu thế gia tăng dần khiến cho tình trạng khô hạn sẽ nghiêm trọng hơn. Đồng thời, hiện tượng nước biển dâng đang đe dọa nghiêm trọng đến tài nguyên nước không chỉ ở các tỉnh vùng ven biển mà còn ảnh hưởng đến các vùng nước trong nội vùng ĐBSCL. 

Trong những ngày gần đây, trước thông tin mực nước phía thượng nguồn sông Mekong đang xuống thấp, PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐKH (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, nguyên nhân khiến cho mực nước phía thượng nguồn sông Mê Kông xuống thấp, biển hồ ở Campuchia trơ đáy là do năm nay hiện tượng Enino đã quay trở lại nên ít mưa. 

Bên cạnh đó,  do thiếu nước, các đập thủy điện giữ nước lại, còn đối với đập Sarabury bên Lào tiến hành đóng các cửa van để tích nước, gây ra tình trạng nguồn nước phía hạ nguồn sông Mê Kông sụt giảm. Với diễn biến này, dự báo trong thời gian tới, ĐBSCL sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. 

Trên cơ sở khoa học, để ứng phó với tình trạng này, khuyến cáo các tỉnh, thành, người dân cần giảm diện tích đất trồng lúa vì loại cây này phải sử dụng nhiều nước, chuyển đổi sang trồng cây khác ít dùng nước hơn. 

Bên cạnh đó, đây đang là thời điểm của mùa mưa, người dân cần thực hiện các biện pháp tích trữ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Đồng thời, phải ngưng ngay việc mở rộng diện tích đê bao, chỗ nào làm lúa không còn hiệu quả thì dần dần mở, bỏ đê bao. Điều chỉnh lịch thời vụ, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây con mới có thể chịu đựng được khô hạn, nhiễm mặn. 

“Trong canh tác nông nghiệp, biện pháp tưới tiết kiệm nước sẽ là một giải pháp giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước. Ngoài ra, các biện pháp tích trữ nước, thu gom nước mưa, phục hồi nước ngầm, bảo tồn các vùng đất ngập nước, nạo vét củng cố hệ thống kênh mương, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối, dòng chảy nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt cũng cần được các cấp, các ngành, người dân quan tâm thực hiện” - PGS TS Lê Anh Tuấn đề xuất giải pháp. 

TS Dương Văn Ni - Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: “Để bảo vệ thành công nguồn tài nguyên nước điều đầu tiên phải là do con người. Bởi khi con người hiểu sâu sắc về vấn đề nguồn nước thì sẽ có những hành vi đúng đắn. Từ đó, họ có thể bàn bạc, xây dựng những mô hình thành công trong quản lý tài nguyên nước. Tuy nhiên, muốn đạt được điều này, công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên để thay đổi ý thức của mỗi người dân trong việc chung tay cùng giữ gìn, bảo vệ tài nguyên nước”. 

Một vấn đề hiện đang được các địa phương cũng như nhiều nhà khoa học quan tâm đó là, ở vùng ĐBSCL chưa có sự điều phối chung để phân phối, sử dụng tài nguyên nước một cách có hiệu quả. Điều này dẫn đến nguồn tài nguyên nước tiếp tục bị suy giảm, mâu thuẫn về nước đã nảy sinh giữa các vùng giáp ranh. 

Để giải bài toán này cho vùng ĐBSCL, theo các chuyên gia cần có một cách nhìn tổng thể, trong đó toàn bộ hệ thống của vùng, gồm vùng ngập lũ, vùng phù sa giữa, vùng ven biển, kể cả sông ngòi, đất đai, hệ thống canh tác, KT-XH phải được “đối xử” như là một tổng thể và đặt trong một tổng thể lớn hơn là lưu vực sông Mê Kông thì mới có chiến lược quản lý, khai thác, sử dụng hài hòa nguồn tài nguyên nước.

Theo cand.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: