Những thách thức về an ninh nguồn nước ở Việt Nam

Đăng ngày: 13-07-2021 | Lượt xem: 12398
Lượng nước mặt phụ thuộc vào nguồn nước ngoại sinh lớn, trong khi trữ lượng nước ngầm của nước ta đang sụt giảm ở nhiều nơi do nạn khai thác quá mức và diện tích thảm rừng sinh thủy tự nhiên chưa được phục hồi như trước đây. Nước mặt, nước ngầm bị ô nhiễm do hoạt động xả thải chưa qua xử lý từ các cơ sở sản xuất cũng như từ sinh hoạt hằng ngày. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khi nước biển dâng khiến tình trạng mặn xâm nhập diễn biến càng xấu hơn; thời tiết cực đoan khiến hạn hán kéo dài hơn, mưa lũ khủng khiếp hơn... Đó là những thách thức lớn cho an ninh nguồn nước ở Việt Nam.

63% tổng lượng nước mặt là ngoại sinh

Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc, có nguồn tài nguyên nước mặt tương đối dồi dào, nhưng vì là quốc gia nằm về phía cuối của các con sông lớn, chảy qua địa phận nhiều nước nên Việt Nam có yếu tố bất lợi là lượng nước mặt phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước ngoại sinh. Khi các quốc gia vùng thượng nguồn đắp đập, ngăn dòng thì ngay lập tức ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu người dân Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà: Việt Nam có 3.450 sông, suối, chiều dài từ 10km trở lên nằm trong 108 lưu vực với 331.000km2 lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta (chiếm 28,3% tổng diện tích của 108 lưu vực). Tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của các sông vào khoảng 830-840 tỷ mét khối. Cả nước có hơn 7.160 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích ước tính khoảng 70 tỷ mét khối. Nguồn nước ngầm có trữ lượng khoảng 189,3 triệu mét khối/ngày đêm, tiềm năng có thể khai thác trung bình khoảng 61,2 triệu mét khối/ngày đêm. Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam khoảng 1.940-1.960mm (tương đương 640 tỷ mét khối/năm), nằm trong số quốc gia có lượng mưa lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tài nguyên cũng nhấn mạnh, nguồn nước mặt của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh. Hằng năm, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào nước ta khoảng 520 tỷ mét khối nước, chiếm khoảng 63% tổng lượng nước mặt của Việt Nam. Nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ đạt 4.200m3/người/năm, thấp so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900m3/người/năm.

Đánh giá về thách thức đối với an ninh nguồn nước ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhắc tới sự phụ thuộc vào lượng nước sản sinh bên ngoài lãnh thổ nước ta với những dẫn chứng trên một số sông lớn. Cụ thể, nguồn nước sản sinh từ các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông Mê Công chiếm 90,1%, sông Hồng chiếm 38,5%, sông Cả chiếm 18,4% và sông Mã chiếm 27,1% tổng lượng nước chảy trên các con sông này.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc các quốc gia ở thượng nguồn các sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch gia tăng sử dụng nước, xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông đều có tác động đến biến đổi dòng chảy về nước ta. Theo kết quả nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế, khi các công trình thủy điện hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ có tác động bất lợi rất lớn đối với Việt Nam. Dự kiến, lượng phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể giảm 97% vào năm 2040.

Tài nguyên nước ở nước ta phân bố không đều theo cả không gian và thời gian. Trong khoảng từ 7 đến 9 tháng mùa khô, dòng chảy trên các hệ thống sông bị suy giảm với tổng lượng nước cả mùa chỉ bằng khoảng 20-30% lượng nước cả năm, trong khi nhu cầu tưới tiêu của bà con nông dân thời gian này rất lớn. Phần lãnh thổ từ phía Bắc đến TP Hồ Chí Minh chiếm 80% dân số, 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước. 60% lượng nước còn lại tập trung ở vùng ĐBSCL.

Sử dụng nước còn kém hiệu quả, lãng phí

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá, việc sử dụng nước ở Việt Nam còn kém hiệu quả, lãng phí. Tổng lượng nước sử dụng cho nông nghiệp chiếm hơn 80%, nhưng mỗi đơn vị mét khối nước chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, thấp hơn cả mức trung bình của Lào là 2,53 USD, trong khi mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD.

Mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: THÙY DUNG

Khi hiệu quả sử dụng nước thấp thì lượng nước dùng cho sản xuất sẽ phải nhiều hơn và chi phí sản xuất sẽ cao hơn. Vì thế, việc chưa chú trọng tới nâng cao hiệu quả sử dụng nước ở các cơ sở sản xuất nói chung, đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy-hải sản nói riêng sẽ khiến giá thành sản phẩm làm ra cao hơn. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới tính cạnh tranh về hàng hóa và lợi nhuận của cơ sở sản xuất, người dân. Việc sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả còn góp phần khiến an ninh nguồn nước của nước ta bị thách thức nghiêm trọng hơn. Sự thiếu nước trầm trọng vào mùa khô ở Tây Nguyên một phần rất lớn là do khai thác nước quá mức, sử dụng nước lãng phí và thiếu hiệu quả trong trồng trọt.

Cùng với đó, nhiều vấn đề đe dọa an ninh nguồn nước ở nước ta xuất phát từ chính những nguyên nhân chủ quan. Đó là tình trạng ô nhiễm nguồn nước do xả thải bừa bãi không qua xử lý vào sông, suối, kênh, rạch; hoặc chôn lấp rác thải không đúng quy chuẩn, do khai thác khoáng sản, do sử dụng hóa chất bừa bãi trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đó là tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước làm biến đổi dòng chảy, suy giảm diện tích đất rừng-nguồn sinh thủy...

Biến đổi khí hậu thách thức an ninh nguồn nước

Biến đổi khí hậu (BĐKH) vốn được nhiều người coi là hiện tượng tự nhiên, là yếu tố khách quan, nhưng bản chất cũng là hậu quả từ những việc làm thiếu thân thiện với môi trường của con người, như phát thải khí nhà kính, gây phương hại tầng ô-zôn, nhiệt độ Trái đất tăng dẫn tới băng vĩnh cửu tan chảy, nước biển dâng, làm tình trạng mặn xâm nhập trở nên nặng nề hơn; rừng bị phá hủy, khai thác bừa bãi khiến cân bằng sinh thái bị ảnh hưởng, gây ra các hiện tượng lũ lụt, sạt lở đất bất thường và làm giảm khả năng giữ nước...

Ngày 23-2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề “Giải quyết các nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế liên quan đến khí hậu”. Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới: Việt Nam là một trong 6 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH.

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước chỉ rõ, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m sẽ có khoảng 10,21% GDP, 7,14% diện tích đất nông nghiệp, 28,67% diện tích đất ngập nước, 10,74% diện tích đô thị ở khu vực ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng bị ảnh hưởng.

Không còn là những dự đoán, những tác động tiêu cực của BĐKH thực tế đã gây ra thiệt hại ngày càng nặng nề hơn cho nông nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), diện tích gieo trồng vụ đông xuân năm 2020 có 30,6 nghìn héc-ta lúa bị thiệt hại bởi hạn hán và nhiễm mặn. Vụ hè thu năm 2020 năng suất cao hơn năm 2019, nhưng do ảnh hưởng của hạn hán, nhiễm mặn nên diện tích gieo trồng giảm, khiến sản lượng toàn vụ cũng giảm theo. Cụ thể, diện tích gieo trồng vụ hè thu năm 2020 giảm 64,5 nghìn héc-ta làm cho sản lượng giảm 205,4 nghìn tấn. Trong đó, riêng vùng ĐBSCL đã giảm tới 219,1 nghìn tấn so với năm 2019, nhờ năng suất cao ở các khu vực ít bị chịu thiệt hại bởi hạn hán, mặn xâm nhập nên kéo mức giảm chung của cả nước chỉ còn 205,4 nghìn tấn.

Như vậy, do kinh tế phát triển nhanh, dân số tăng, tác động của BĐKH ngày càng nặng nề nên các thách thức về an ninh nguồn nước ở Việt Nam cũng ngày càng nghiêm trọng, phức tạp và khó lường hơn. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải xây dựng và triển khai đồng bộ rất nhiều chính sách, giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia cả trước mắt và lâu dài...

Theo Báo Quân đội nhân dân

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: