Ô nhiễm giao thông gây ra 4 triệu trường hợp hen suyễn ở trẻ em hàng năm

Đăng ngày: 11-04-2019 | Lượt xem: 1130
(TN&MT) - Các nhà nghiên cứu cho biết, mỗi ngày trên toàn thế giới có khoảng 11.000 trường hợp trẻ em bị hen suyễn do không khí độc hại từ giao thông.
Một em bé mắc bệnh hô hấp tại một bệnh viện ở Bắc Kinh. Ảnh: China Daily
Em bé mắc bệnh hô hấp tại một bệnh viện ở Bắc Kinh. Ảnh: China Daily

Ô nhiễm giao thông tỷ lệ thuận với hen suyễn

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Planetary Health, 4 triệu trẻ em bị hen suyễn hàng năm do ô nhiễm không khí từ ô tô và xe tải, tương đương với 11.000 trường hợp mới mỗi ngày.

Hầu hết các trường hợp mới xảy ra ở những nơi có mức độ ô nhiễm vượt quá giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới, với không khí độc hại thậm chí còn trầm trọng hơn nhiều so với suy nghĩ.

Quốc gia có tỷ lệ hen suyễn ở trẻ em cao nhất do ô nhiễm giao thông là Hàn Quốc, với gần 1/3 các trường hợp mới bị hen suyễn phương tiện giao thông. Nhật Bản và Bỉ nằm trong top 10, cùng với 6 quốc gia Trung Đông, bao gồm Ả Rập Xê-út.

Do dân số và mức độ ô nhiễm cao, 3 quốc gia hàng đầu có tổng số trẻ em mới mắc bệnh hen suyễn nhiều nhất mỗi năm là Trung Quốc (760.000 trẻ em), Ấn Độ (350.000 trẻ) và Mỹ (240.000 trẻ). Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu của họ có thể đánh giá thấp mức độ thực sự ở nhiều quốc gia nghèo, nơi bệnh hen suyễn thường không được chẩn đoán.

Thiệt hại cho sức khỏe trẻ em không chỉ giới hạn ở Trung Quốc và Ấn Độ, nơi mức độ ô nhiễm rất cao. Tại các thành phố của Anh và Úc, các nhà nghiên cứu cho rằng ô nhiễm giao thông là một trong những nguyên nhân gây ra 3/4 trường hợp hen suyễn mới ở trẻ em.

Canada có tỷ lệ mắc hen suyễn liên quan đến giao thông cao thứ ba trong số 194 quốc gia được phân tích, trong khi Los Angeles và thành phố New York nằm trong top 10 thành phố tồi tệ nhất trong số 125 thành phố được đánh giá. Trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương với không khí độc hại và phơi nhiễm cũng bị phổi còi cọc.

Nghiên cứu trên là đánh giá toàn cầu đầu tiên về tác động của khói giao thông đối với bệnh hen suyễn ở trẻ em dựa trên dữ liệu ô nhiễm có độ phân giải cao.

Nghiên cứu mới này kết hợp dữ liệu ô nhiễm NO2 chi tiết với tỷ lệ mắc hen suyễn và số dân. Nhiều nghiên cứu lớn đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa ô nhiễm giao thông và hen suyễn ở trẻ em và ô nhiễm đó gây ra tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng. Dữ liệu về rủi ro này được sử dụng để tính toán số lượng các trường hợp mới trên toàn thế giới.

“Bằng chứng cho thấy có thể có mối quan hệ nhân quả mạnh mẽ giữa ô nhiễm giao thông và tỷ lệ mắc hen suyễn ở trẻ em. Vì vậy, ô nhiễm giao thông có ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ mắc hen suyễn ở trẻ em”, ông Ploy Achakulwisut cũng thuộc Đại học George Washington, tác giả chính của nghiên cứu mới cho biết.

Bằng chứng dịch tễ học cho NO2 là chất gây ô nhiễm chính là mạnh nhất. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể loại trừ các chất ô nhiễm khác cũng được xả ra từ các phương tiện, chẳng hạn như các hạt nhỏ, cũng là một yếu tố vì không thể thử nghiệm trực tiếp trên người.

“Hen suyễn trong thời thơ ấu đã đạt tỷ lệ dịch toàn cầu. Một trong 8 trường hợp mới là do ô nhiễm giao thông. Một kết quả quan trọng từ nghiên cứu này là bằng chứng cho thấy các tiêu chuẩn hiện tại của WHO không thể chống lại bệnh hen suyễn ở trẻ em”, Giáo sư Rajen Naidoo thuộc Đại học KwaZulu-Natal ở Nam Phi cho biết.

Chuyển đổi sang các phương tiện không phát thải giúp giảm hen suyễn

Giáo sư Susan Anenberg thuộc Đại học George Washington, Mỹ cho biết: “Hen suyễn có thể gây co giật chết người. Hàng triệu trường hợp mới mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em có thể được ngăn chặn bằng cách giảm ô nhiễm không khí”.

Chất gây ô nhiễm chính, nitơ dioxide, được thải ra chủ yếu từ các phương tiện diesel. Loại khí này thải ra nhiều hơn mức cho phép trên đường ngay cả sau vụ bê bối Dieselgate. “Cải thiện khả năng tiếp cận các hình thức giao thông sạch hơn, như giao thông công cộng được điện khí hóa, đi xe đạp và đi bộ sẽ làm giảm hen suyễn, tăng cường thể lực và cắt giảm khí thải nhà kính”, Giáo sư Anenberg nhấn mạnh.

Theo Giáo sư Chris Griffiths đến từ tại Đại học Queen Mary, London, Anh cho rằng nghiên cứu mang tính bước ngoặt này cho thấy gánh nặng hen suyễn toàn cầu ở trẻ em do ô nhiễm giao thông. “Hen suyễn chỉ là một trong nhiều tác động bất lợi của ô nhiễm đối với sức khỏe trẻ em. Chính phủ phải hành động ngay để bảo vệ trẻ em” - Giáo sư Chris Griffiths cho biết.

“Mặc dù điều quan trọng là cha mẹ phải cố gắng giảm tiếp xúc với ô nhiễm, có thể bằng cách tránh tối đa những con đường tắc nghẽn nhưng không phải ai cũng có thể làm điều này. Vì vậy, điều quan trọng là phải kêu gọi các sáng kiến ​​chính sách để giải quyết ô nhiễm ở cấp thành phố, bang và quốc gia” - Achakulwisut nhấn mạnh.

Bà thông báo một tin tốt lành rằng đã có sự chuyển đổi sang các phương tiện không phát thải. Một số quốc gia và thành phố đang cam kết loại bỏ các động cơ đốt trong và các chính sách như khu vực phát thải cực thấp mới của London đang được triển khai. “Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cần nhân rộng trên toàn cầu và cần diễn ra nhanh hơn. Mỗi năm trì hoãn sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới” – bà Achakulwisut nói.

Tiến sĩ Penny Woods, Giám đốc điều hành Hiệp hội Phổi ở Anh cho biết: “Chúng tôi từng nghĩ rằng những con đường duy nhất thực sự nguy hiểm với trẻ em là mối đe dọa của tai nạn xe hơi. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta có thể thấy có một nguy cơ nguy hiểm không kém, đó chính là hít thở ô nhiễm không khí”. Tiến sĩ Penny Woods cho rằng cần có một nỗ lực rất lớn để giảm thiểu tai nạn trên đường cũng như cam kết bình đẳng trong việc giảm không khí độc hại.

Theo Báo TN&MT

 
 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: