Quốc hội nghe báo cáo dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Đăng ngày: 26-05-2020 | Lượt xem: 2170
Sáng 26/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Cần hình thành đạo luật tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất về BVMT

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Luật BVMT năm 2014 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Ảnh: Quốc Khánh

Tuy nhiên, những thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, được nghị trường; các đại biểu Quốc hội và các tổ chức, doanh nghiệp, người dân quan tâm, phản ánh, trao đổi và thảo luận/ đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó, Luật BVMT hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp thời những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn; cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa chú trọng đến quản lý theo mục tiêu và kết quả; nhiều nội dung về BVMT còn phân tán tại các luật khác nhau.

Trong khi đó, vấn đề môi trường của nước ta đang diễn biến phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng, không còn khả năng tiếp nhận chất thải; đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác BVMT. Nhiều quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, BVMT và các cam kết quốc tế mới/liên quan đến môi trường cần sớm được thể chế hóa. Thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi cần đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường.

 “Đã đến lúc cần hình thành đạo luật về BVMT một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Lần đầu tiên đưa các quy định rải rác, phân tán về BVMT vào dự thảo Luật

Theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội, dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng dự án Luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2020.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng báo cáo thẩm tra về dự án Luật BVMT (sửa đổi). Ảnh: Quốc Khánh

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc xây dựng Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phải đảm bảo BVMT phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tham gia công tác BVMT;

BVMT phải lấy bảo vệ sức khoẻ Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành; dựa trên cơ sở phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường;

Với vai trò là một đạo luật cơ bản về BVMT, Luật phải bảo đảm được tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, khắc phục được sự phân tán, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc định hình chuyển đổi các mô hình kinh tế theo hướng bền vững. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cam kết quốc tế, trách nhiệm được quy định trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Với quan điểm xây dựng Luật như vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày. Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về BVMT.

Dự thảo Luật có nhiều điểm đổi mới căn bản, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi của các chính sách hiện hành; thay đổi phương thức quản lý hành chính kém hiệu quả, phức tạp sang quản lý dựa vào kết quả, mục tiêu cuối cùng; giảm thủ tục hành chính với các đối tượng thân thiện môi trường, tăng cường kiểm soát các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

“Lần đầu tiên đưa các quy định rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác vào dự thảo Luật nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất về môi trường; đưa các chức năng quản lý nhà nước về BVMT đang phân tán ở một số Bộ vào dự thảo Luật”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Một số điểm mới, mang tính đột phá được quy định trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đó là việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về BVMT không cần thông báo, công bố trước để bảo đảm tính hiệu quả; quy định thời hiệu xử phạt là 5 năm để phù hợp với tính chất các vi phạm về môi trường; quy định các tổ chức, cá nhân quản lý khu công cộng được “phạt” theo nội quy, quy chế về BVMT của khu công cộng để đạt được mục đích giáo dục, răn đe.

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 26/5. Ảnh: Quốc Khánh

Khẳng định việc lần đầu tiên đưa chính sách môi trường của Việt Nam hài hòa tiệm cận với pháp luật quốc tế; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, EVIPA, CPTPP… Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chủ động vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.

Đánh giá cao những đổi mới của dự thảo Luật

Cơ bản nhất trí với các nội dung như Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động BVMT; trách nhiệm quản lý nhà nước (QLNN) về BVMT… theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý trong hoạt động BVMT cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả QLNN về BVMT.

Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã khá cụ thể. Tuy nhiên, cần thiết kế cho bao quát và đầy đủ nội hàm của công tác BVMT. Đồng thời, cần phát huy và kế thừa cách xây dựng nguyên tắc BVMT ngắn gọn, súc tích, bảo đảm tính quy phạm và giữ lại những nguyên tắc còn nguyên giá trị của Luật BVMT 2014; cân nhắc điều chỉnh một số nguyên tắc vừa được bổ sung, như “Các đối tượng được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho BVMT” cho phù hợp hơn.

Đánh giá cao những đổi mới về phương thức, công cụ quản lý môi trường trong dự thảo Luật; tán thành việc tích hợp nhiều nội dung cấp phép riêng lẻ vào giấy phép môi trường (GPMT), song Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực một phần, tước quyền sử dụng, thu hồi hoặc cấp lại GPMT; việc thẩm định cấp GPMT, thời điểm cấp GPMT nhằm bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về đầu tư, xây dựng; xem xét việc bổ sung quy định thời hạn tối thiểu của GPMT.

Tuy còn có một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và hoàn thiện, nhất là về tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tính khả thi của các chính sách, nhưng Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy Hồ sơ dự án Luật BVMT (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ và đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: