Sông Mê Kông 'trơ đáy', ĐBSCL lo hạn mặn khốc liệt: Sống chung với 'nước kém'

Đăng ngày: 26-07-2019 | Lượt xem: 1575
Nước sông Mê Kông ở thượng nguồn xuống thấp lịch sử ngay trong mùa mưa đã đặt hạ nguồn ĐBSCL trước một bối cảnh mới, sống chung với nước kém thay vì "sống chung với lũ” như trong quá khứ.

Mô hình trồng sen nuôi cá kết hợp với du lịch vào mùa lũ ở H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh Đình Tuyển

TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường - Tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết ngay tại ĐSBCL có 2 vùng trữ lũ rất lớn là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, được xem là 2 túi nước điều hòa cho đồng bằng.
“Nhưng nhiều năm trước, do chạy theo sản lượng lúa, chúng ta đã đắp rất nhiều đê bao để ngăn không cho nước lũ tràn vào khu vực này, để tăng diện tích canh tác lúa vào mùa lũ lên. Cái đó làm cho không gian trữ nước của đồng bằng bị thu hẹp, lượng nước ngọt không giữ lại được, mùa hạn đến thì lượng nước tại chỗ không còn đủ để bổ sung cho sông Hậu, sông Tiền đẩy bớt nước mặn ra biển. Và càng vào mùa khô hạn thì xâm nhập mặn càng sâu vào nội đồng”, ông Ni nói.

Không ngọt hóa để trồng lúa

Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Mê Kông, nói thẳng: “Kinh nghiệm như năm 2016 cho thấy thì ít có biện pháp nào để đối phó với những năm khô hạn cực đoan. Dù có công trình cống đập ngăn mặn thì cũng không có tác dụng ngăn mặn vì bên trong không đủ nước thì ngăn mặn vô ích”.
Nước sông Mê Kông xuống thấp, ĐBSCL không có lũ sinh kế của người dân vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp sẽ gặp nhiều khó khăn
Theo ông Thiện, về lâu dài, để tăng cường sức chống chịu của ĐBSCL thì cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng phải bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Lũ vào được 2 vùng này không chỉ tích nước điều hòa dòng chảy cho mùa khô mà còn giảm ngập úng cho các đô thị, đường sá vùng hạ lưu, những nơi không có đê bao.
“Chính Nghị quyết 120 của Chính phủ cũng đã chỉ rõ, sản lượng lúa không còn là ưu tiên mà chất lượng mới quan trọng. Còn vùng ven biển thì nên chuyển sang hệ canh tác mặn, không nên cố ngọt hóa để canh tác lúa khắp nơi”, ông Thiện nói.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng ĐBSCL cần giảm ngay diện tích lúa những nơi nào không đảm bảo nước ngọt hay kém hiệu quả, bởi lúa chính là cây trồng tốn rất nhiều nước. Ước tính để làm ra 1 tấn lúa vào mùa khô phải sử dụng 4.000 - 5.000 m3nước.
“Và ngay lúc này, bộ ngành T.Ư và các địa phương ĐBSCL cần nhanh chóng khuyến cáo cho người dân có những bước chuẩn bị để ứng phó thiên tai”, ông Tuấn nói.

Tìm không gian trữ lũ

Chia sẻ về những thay đổi ở địa phương trong bối cảnh nước sông Mê Kôngngày một thất thường, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - địa phương nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, tỏ ra đồng tình với quan điểm cần tạo thêm những không gian trữ lũ, tìm cách cân bằng nước giữa mùa lũ và mùa khô.
Thực tế, việc trữ lũ đang triển khai từng bước ở các địa phương đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền là An Giang và Đồng Tháp. Theo ông Thư phân tích, có 3 cấp độ trữ lũ, ở cấp độ quốc tế tức cả lưu vực thì quan trọng nhất là nước ở Biển Hồ, Campuchia. Kế đến là trữ lũ cấp độ quốc gia, có thể tạo ra các hồ chứa từ 2.000 - 5.000 ha ở vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp.
Và thứ ba là dựa vào cộng đồng. Ở cấp độ cộng đồng rất khả thi và An Giang, Đồng Tháp đang chuyển dịch từng bước. Cụ thể hiện nay hằng năm tùy theo lũ lớn, lũ nhỏ mà 1/3 diện tích trên tổng số 170.000 ha sản xuất lúa vụ 3 (sản xuất vào mùa lũ - PV) nằm trong đê bao của An Giang sẽ được chuyển đổi sang làm các mô hình canh tác khác, kết hợp với trữ nước lũ như trồng lúa nổi - cá, sen - cá, bông súng - cá… Cùng với đó là khoảng 20.000 ha đất lúa kém hiệu quả của vùng Tri Tôn giáp với Kiên Giang cũng đã chuyển sang trồng cây ăn trái, rau màu.
“Thay đổi trông thấy được là An Giang đã giảm số lượng vụ lúa từ 3 năm trồng 8 vụ xuống còn 2 năm trồng 5 vụ lúa. Tức là cứ 1 năm trồng 3 vụ lúa, thì năm tiếp theo, sẽ chỉ trồng 2 vụ, diện tích trồng lúa vụ 3 sẽ được mở cống lấy nước lũ vào đồng, vừa trữ nước điều hòa cho sông vừa bổ sung dinh dưỡng cho đồng ruộng. Mong muốn của An Giang là ngày nào đó sẽ chỉ còn làm 1 vụ lúa đông xuân, còn lại là trồng màu 2 vụ và dành khoảng 1 tháng mỗi năm để xả lũ vào đồng”, ông Thư nói.
Tương tự như An Giang, tại Đồng Tháp, các huyện đầu nguồn của tỉnh này cũng đã ngưng không mở rộng đê bao trồng lúa vụ 3. Nhiều mô hình canh tác nông nghiệp mùa lũ kết hợp du lịch đã được triển khai tại các huyện Tháp Mười, Hồng Ngự, Tân Hồng… “Từ năm 2017, huyện đã ngưng sản xuất 22.000 ha lúa vụ 3 để tránh rủi ro thiệt hại do hạn, mặn. Nhiều mô hình nuôi tôm được khuyến khích triển khai mang lại hiệu quả cao”, ông Trần Hoàng Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Trần Đề, cho biết.
Tuy nhiên, theo TS Dương Văn Ni, việc tăng diện tích trữ lũ ở ĐBSCL sẽ phải làm dần dần, và chuyển đổi các mô hình sản xuất cũng không thể thực hiện trong “một sớm một chiều”. Các địa phương sẽ phải tính đến sự đồng thuận của người dân, đến đầu ra sản phẩm, thị trường, rồi các mô hình canh tác, phù hợp với từng vùng, từng điều kiện đất, nguồn nước khác nhau.

Trồng bắp nuôi bò và trữ lũ

UBND tỉnh An Giang cho biết tại tỉnh này đang triển khai dự án đưa 22.000 con bò sữa về nuôi tại địa phương. Mỗi năm cần từ 30.000 - 50.000 ha trồng cây bắp, cỏ cho bò ăn.
Từ mô hình này, một số vùng sản xuất nông nghiệp của địa phương sẽ được định hướng chỉ trồng 1 vụ lúa đông xuân, còn lại là trồng 2 vụ bắp cho bò, thu nhập cao hơn 2 vụ lúa. Sau khi thu hoạch bắp cho bò, người nông dân vẫn đủ thời gian để xả lũ vào đồng trữ nước.

Theo thanhnien.vn 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: