Thừa Thiên - Huế: Giải pháp làm lợi sản xuất và môi trường từ rơm, rạ

Đăng ngày: 20-05-2019 | Lượt xem: 1593
Thời gian qua, dù đã được khuyến cáo, tuyên truyền tác hại của việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế sau khi thu hoạch vụ lúa Đông xuân vừa qua.
ảnh


Qua các cánh đồng lúa khói bay mù trời trên khắp đồng ruộng ở các địa phương trong nhiều ngày qua không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, giao thông mà còn tác động xấu đến hiệu quả sản xuất trong những vụ tới. Theo các chuyên gia, việc đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng sẽ phá vỡ vi sinh vật có lợi, chất dinh dưỡng, làm đất đai ngày càng thoái hóa, mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Vụ lúa đông xuân năm nay, huyện Phong Điền đưa vào canh tác 5.140 ha. Ngành nông nghiệp khuyến cáo, vận động người dân sử dụng nấm trichoderma kết hợp các biện pháp kỹ thuật để xử lý rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.

Thu hoạch nấm sò được làm từ các nguyên liệu như rơm, rạ, mùn cưa,
Thu hoạch nấm sò được làm từ các nguyên liệu như rơm, rạ, mùn cưa

Ông Trịnh Đức Hiệp, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phong Điền cho biết, hạn chế việc đốt rơm rạ trên đồng, thời gian qua, ngành, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp xử lý rơm rạ khoa học, hợp lý như dùng chế phẩm phân hủy rơm rạ, thu gom rơm để làm thức ăn cho gia súc, ủ phân hoặc làm nguyên liệu trồng nấm... Tuy nhiên,  do đặc thù sản xuất nông nghiệp, thời gian chuyển vụ nhanh, nên muốn nhanh gọn, thuận tiện, phần nhiều bà con nông dân đã chọn cách đốt bỏ rơm rạ tại đồng.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, nếu chỉ dừng ở việc phát văn bản khuyến cáo, hướng dẫn về các HTX nông nghiệp, người dân không thôi vẫn chưa đủ và rất khó khả thi. Vì vậy cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết hợp áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Thông thường phải mất trên 20 ngày rơm rạ, gốc rễ mới phân hủy. Nhưng giao thời giữa 2 vụ đông xuân và hè thu quá ngắn, nên để rơm rạ phân hủy nhanh, tránh ngộ độc hữu cơ, giảm các độc tố gây hại cho lúa, từ năm 2017, Trung tâm Khuyến nông - Sở NN&PTNT triển khai thực hiện mô hình "Ứng dụng các biện pháp canh tác tổng hợp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch"; trong đó áp dụng kỹ thuật sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ với hoạt chất chính là nấm trichoderma.

Bà Trần Thị Diệu Minh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền chia sẻ, do tập quán sản xuất, việc sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ đòi hỏi thực hiện nhiều khâu phức tạp như sau khi gặt xong phải đưa nước vào ruộng, cho máy lồng đều, cày vùi rơm rạ, đánh đất...

Trong năm đầu, mô hình triển khai tại 4 điểm với hơn 20 ha ở các xã Vinh Thái, Phú Thanh (Phú Vang), Thủy Châu (TX. Hương Thủy), Phong Bình (Phong Điền); năm 2018 nhân rộng lên 11 điểm với diện tích sử dụng chế phẩm khoảng 600 ha; tương tự, năm 2019, đơn vị tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình. Mặc dù tốn công, chi phí sử dụng chế phẩm từ 35 - 40 nghìn đồng/sào (500m2), nhưng bù lại cung cấp một nguồn phân hữu cơ cho đất, giảm chi phí sản xuất, tỷ lệ lúa chết lúc mới gieo do ngộ độc hữu cơ, rơm rạ chưa phân hủy ít hơn, cho năng suất cao hơn từ 2- 4 tạ/ha, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Qua đó, đây chỉ là giải pháp mang tính kỹ thuật nhằm hướng đến hạn chế việc đốt rơm rạ, khắc phục bất lợi trong sản xuất. Trong đó, giải pháp này cần kết hợp với nhiều giải pháp kỹ thuật khác như cày bừa sớm, bón vôi... để tăng hiệu lực chế phẩm.

Vụ thu hoạch lúa đông xuân 2018 -  2019, HTX Nông nghiệp An Lỗ, xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) đã đưa vào sử dụng máy cuộn rơm nên đã hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ trên đồng sau thu hoạch vụ đông xuân 2018 - 2019.

Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Lỗ thông tin, bình quân 1 sào lúa thu được khoảng 10 - 12 cuộn rơm (đường kính 80cm). Do mới làm vụ đầu tiên, nên đầu ra của rơm cuộn tạm thời chỉ đủ phục vụ cho một số hộ dân địa phương để cho trâu bò ăn, trồng nấm, với giá 20 nghìn đồng/cuộn, trong đó đã tính lợi nhuận sau khi trừ khấu hao tài sản, chi phí dịch vụ...

Những đơn đặt hàng của nhiều hộ dân trong xã đã bị "khất" sẽ được HTX cung ứng trong những vụ tới. Hiện, HTX đang quảng bá nguồn rơm hữu cơ từ diện tích 22 ha lúa hữu cơ của HTX để trồng nấm hữu cơ, xây dựng chuỗi thương hiệu hữu cơ khép kín.    

Giải pháp trang bị máy cuộn rơm đang được một số địa phương cân nhắc, tính toán hỗ trợ một phần kinh phí cho các HTX trang bị để giải quyết tình trạng rơm rạ tồn dư, bị đốt bỏ.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: