Trữ 1,5 triệu m3 nước từ mô hình sinh kế dựa vào mùa lũ tại An Giang – Đồng Tháp

Đăng ngày: 01-01-2019 | Lượt xem: 4672
(TN&MT) – Sau một năm triển khai, Dự án “Thí điểm sinh kế dựa vào mùa lũ tại An Giang – Đồng Tháp” đạt mục tiêu trữ nước 1,5 triệu m3 và nhận thức của nông dân có chuyển biến tích cực.

Theo các chuyên gia, trong 20 năm qua, việc đắp đê bao trồng lúa vụ 3 đã khiến ĐBSCL thất thoát hơn 4,6 tỉ m3 nước. Lượng nước lũ bị chặn khỏi hai túi chứa nước tự nhiên lớn nhất đồng bằng là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười để lấy đất trồng lúa quanh năm.

Tuy nhiên, mùa lúa vụ ba lại ngày càng giảm lợi nhuận, do đất bị thiếu phù sa tự nhiên từ nước lũ, nông dân phải tốn nhiều chi phí phân thuốc và duy tu sửa chữa đê hàng năm, bên cạnh sự tàn phá của dịch hại chuột bọ tích lũy, do không có lũ về để tẩy rửa.

Ngoài ra, việc đẩy nước lũ ra khỏi các vùng chứa tự nhiên đã khiến các khu vực khác hứng chịu ngập lụt nặng nề hơn. Trận lũ lịch sử năm 2011 gây ngập và vỡ đê tại vùng Tân Châu – Hồng Ngự, thiệt hại hơn 7000 ha lúa và 1,200 km đường và đê bao. Đến năm 2018 thì ngập lụt đã xuất hiện lan rộng tại nhiều đô thị như TP Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ, Vĩnh Long…Điều này cho thấy vấn đề ngày càng trầm trọng hơn và việc khôi phục vùng ngập lũ tự nhiên là vô cùng cần thiết.

tru nuoc

Ảnh minh họa

Một trong những giải pháp được đề xuất là khuyến khích người dân trở về với những sinh kế dựa vào mùa nước lũ để giảm phụ thuộc vào lúa vụ ba. Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã phối hợp với các chuyên gia của Đại học Cần Thơ để khảo sát một số mô hình từ loài cây thủy sinh như sen và lúa mùa nổi với nhiều hình thức như: sen – lúa, sen – cá, sen – du lịch sinh thái, lúa mùa nổi – thủy sản…

Trong năm 2018, IUCN thực hiện thí điểm hỗ trợ các nông hộ trồng sen trên diện tích hơn 100 ha tại An Giang và Đồng Tháp. Sau 1 năm thực hiện, dự án đã thu được kết quả ban đầu như đạt mục tiêu trữ nước 1,5 triệu m3 và nhận thức của nông dân có chuyển biến. 33 trong số 37 hộ tham gia muốn tiếp tục mô hình sinh kế dựa vào nước lũ thay vì lên đê cao để làm lúa vụ ba.

Tại Hội thảo sơ kết dự án được tổ chức mới đây ở An Giang, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề liên quan trong mô hình sen từ khâu canh tác (dịch bệnh, con giống), chi phí lao động (do canh tác sen chưa được cơ giới hóa nhiều như lúa), cũng như giá cả và thị trường. Đặc biệt, các nông hộ đã có cơ hội trao đổi trực tiếp với đại diện doanh nghiệp chế biến sen như công ty Đô Thành và Mega Market để có hướng giải quyết đầu ra và giá cả ổn định hơn, thông qua hình thức hợp đồng bao tiêu trong tương lai.

Dự án thực hiện thí điểm trong 3 năm từ 2018 – 2020 với diện tích 450 ha; trong đó ở Đồng Tháp thực hiện dự án tại huyện Tháp Mười là 150 ha thực hiện mô hình canh tác sen; ở tỉnh Long An thực hiện dự án ở huyện Tân Hưng là 150 ha với mô hình trồng sen - du lịch sinh thái; ở tỉnh An Giang thực hiện dự án tại huyện Tri Tôn với diện tích 150 ha thực hiện mô hình lúa mùa nổi và nuôi thủy sản.

Dự án làm mô hình thí điểm sinh kế dựa vào nước lũ, từ đó giúp bảo tồn và khôi phục khả năng trữ nước cho đồng bằng vào khoảng 6,7 triệu m3 trữ lượng nước lũ/năm. Sau đó, dự án sẽ được nhận rộng sang các tỉnh khác thông qua việc tiếp cận các quy hoạch sử dụng nước và đất của các tỉnh do Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất trong Chiến lược Trữ nước của Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: