Tuần lễ Nước Thế giới 2021: Xây dựng khả năng chống chịu nhanh hơn

Đăng ngày: 25-08-2021 | Lượt xem: 2289
Chủ đề của Tuần lễ nước thế giới năm nay là “Xây dựng khả năng chống chịu nhanh hơn”

Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng khan hiếm nước và hạn hán sẽ gây thiệt hại với quy mô tương đương đại dịch COVID-19 do sự ấm lên của Trái Đất. Nhằm tìm kiếm các giải pháp cụ thể cho những thách thức liên quan đến nước, khủng hoảng khí hậu, an ninh lương thực, sức khỏe, đa dạng sinh học và các tác động của đại dịch COVID-19, Tuần lễ Nước Thế giới năm 2021 diễn ra từ ngày 23 – 27/8 có chủ đề “Xây dựng khả năng chống chịu nhanh hơn”.

Tuần lễ Nước Thế giới là cơ hội để chúng ta nhìn nhận cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới và cũng như Việt Nam - một trong những quốc gia rất dễ bị tổn thương bởi các thảm họa do biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt gây ra. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến các nhóm người dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Các tác động khí hậu cùng với các xu hướng phát triển kinh tế - xã hội như công nghiệp hóa, gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh tác động đến chất lượng và số lượng nước

Năm nay Tuần lễ Nước Thế giới được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng kỹ thuật số để có nhiều người tham gia và chung tay thảo luận tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí hậu.”

Nước sạch, vệ sinh và vệ sinh cá nhân là những yếu tố cốt lõi của phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy năng suất và tăng trưởng hiện tại và tương lai của Việt Nam. Trong những năm qua, chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chương trình cấp nước và vệ sinh đạt được nhiều kết quả rõ rệt. 

Theo Báo cáo Chương trình giám sát chung WHO/UNICEF 2020, Việt Nam có khả năng đạt được các dịch vụ vệ sinh và cấp nước cơ bản vào năm 2030 với tốc độ tăng hàng năm lần lượt là 0,8% và 1,9%. Vào năm 2020, có 90% dân số được cải thiện nước sạch tại nhà và 89% có công trình vệ sinh được cải thiện.Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt lớn trong việc tiếp cận nước sạch giữa thành thị, nông thôn, giữa các vùng miền. Gần 2.5 triệu người ở nông thôn không được sử dụng nước cơ bản và 10 triệu người vẫn chưa được tiếp cận các công trình vệ sinh cơ bản, trong đó phần lớn sống ở nông thôn. Đại dịch COVID-19 đã làm dấy lên nhu cầu cấp bách đảm bảo mỗi người dân đều thực hành tốt vệ sinh cá nhân khi gần 13,6 triệu người chưa có đủ nước và xà phòng tại nhà.

Thiếu nước sạch vẫn là một thách thức lớn ảnh hưởng đến trẻ em ở các vùng nông thôn Việt Nam. Rất nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh rằng suy dinh dưỡng có liên quan trực tiếp đến nguồn nước và vệ sinh kém. Theo kết quả điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2017, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi của cả nước là 19,6% và tỷ lệ này ở trẻ em dân tộc thiểu số trên 30%.

Thiếu nước và thực hành vệ sinh kém góp phần làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy, viêm phổi và nhiễm ký sinh trùng và trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất của các bệnh này. Tiêu chảy đứng thứ bảy trong gánh nặng bệnh tật quốc gia và một trong những nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch để ăn, uống và sinh hoạt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế cho biết “9.000 người chết hàng năm do điều kiện vệ sinh và chất lượng nước kém, gần 250.000 người phải nhập viện vì tiêu chảy cấp do nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người bị ung thư liên quan đến ô nhiễm nguồn nước”.

Việt Nam vẫn phải đối mặt với những trở ngại trong việc cung cấp nước sạch cho 100% dân số. Ngập lụt, ô nhiễm, hạn hán, cạnh tranh nguồn nước trong mùa khô và các chất gây ô nhiễm đã góp phần làm suy giảm nguồn cung cấp nước sạch. Ngân hàng Thế giới cho rằng tác động của ô nhiễm nguồn nước đối với sức khỏe con người là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng nếu những thách thức này không được giải quyết vào năm 2035, Việt Nam có thể giảm 6% GDP hàng năm.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: