MỤC LỤC TẠP CHÍ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN THÁNG 11 NĂM 2021

Đăng ngày: 08-09-2021 File đính kèm
Số 731* tháng 11 năm 2021

STT

Tên bài và tác giả

Số trang

1

Nghiên cứu đánh giá hạn khí tượng tỉnh Kon Tum

Nguyễn Thị Bích Ngọc1 , Trần Văn Tình1*

1 Trường đại học tài nguyên và môi trường Hà Nội; ntbngoc@hunre.edu.vn; tvtinh@hunre.edu.vn

Tóm tắt: Thiên tai hạn hán ngày càng diễn biến gay gắt theo thời gian làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế, môi trường và xã hội vùng chịu ảnh hưởng. Trong những năm gần đây, tỉnh Kon Tum đã và đang diễn ra những đợt hạn hán thiếu nước nghiêm trọng trong mùa khô. Nghiên cứu trình bày kết quả đánh giá một số chỉ số hạn khí tượng tỉnh Kon Tum giai đoạn (1988–2018) và trọng tâm vào thời kỳ giữa và cuối mùa khô (từ tháng II đến tháng IV). Kết quả đánh giá hạn hán các thời đoạn 1 tháng, 3 tháng và 12 tháng cho thấy các năm 1998, 2010, 2015 và 2016 là những năm có hạn hán tác động mạnh tại tất cả các trạm. Thời gian từ tháng III đến tháng IV là khoảng thời gian hạn hán tác động mạnh nhất trong năm. Tần suất, cường độ, phạm vi ảnh hưởng của hạn hán trên địa bàn tỉnh có xu thế gia tăng từ sau năm 2010.

Từ khóa: Hạn khí tượng; Chỉ số hạn; Kon Tum.

1

2

Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố địa chất, thủy văn đến ổn định bờ sông Cái Vừng, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp

Lê Hải Bằng1, Lâm Văn Thịnh2, Lê Hải Trí3, Đinh Văn Duy3, Trần Văn Tỷ3*, Huỳnh Vương Thu Minh2

1 Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp; lehaibangcctl@gmail.com

2 Khoa Môi trường & Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ; lvthinh@ctu.edu.vn; hvtminh@ctu.edu.vn.

3 Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ; tvty@ctu.edu.vn; dvduy@ctu.edu.vn; lehaitri@gmail.com

Tóm tắt: Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hiện trạng sạt lở và ảnh hưởng của dao động cao độ nước dưới đất đến ổn định bờ sông Cái Vừng, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Các số liệu về địa hình, địa chất, thủy văn được thu thập, đo đạc để phân tích, thiết lập tương quan giữa cao độ nước dưới đất và mực nước sông; từ đó phân tích nguyên nhân sạt lở thông qua hệ số ổn định. Kết quả cho thấy nguyên nhân chính là do dòng chảy, địa chất yếu cùng với sự dao động cao độ nước dưới đất. Vận tốc dòng chảy có biểu đồ phân bố lệch tâm, tạo ra dòng chảy xiên với lưu tốc lớn nhất gần bờ lớn hơn vận tốc không xói cho phép tương ứng với cỡ hạt theo TCVN 4118-2012. Lớp đất yếu nằm trong giới hạn dao động mực nước triều cùng với dòng chảy lệch tâm tạo ra các lỗ rỗng và ngày càng bị khoét sâu gây mất ổn định bờ sông. Hệ số ổn định trong các trường hợp đều nhỏ hơn giá trị cho phép. Kết quả nghiên cứu dựa trên số liệu đo đạc trong thời gian ngắn nên chưa thể đánh giá đầy đủ các nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông. Vì vậy, cần quan trắc liên tục hoặc theo các mùa để có đánh giá chính xác hơn nguyên nhân sạt lở.

Từ khóa: Đất yếu; Hệ số ổn định; Dao động cao độ nước dưới đất; Sông Cái Vừng; Vận tốc dòng chảy.

16

3

Nghiên cứu quy trình cảnh báo nguy cơ cạn kiệt, thiếu nước phục vụ quản lý tài nguyên nước hiệu quả dựa trên giá trị kinh tế sử dụng nước

Lê Thị Mai Vân1*, Nguyễn Hùng Anh1, Đoàn Quang Trí2, Bùi Thị Bích Ngọc1, Trương Văn Hùng1

1 Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; lethimaivantnn@gmail.com; hunganhtnn@gmail.com; bichngoc209hunre@gmail.com; truongvanhung888@gmail.com.

2 Tạp chí Khí tượng Thủy văn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn; doanquangtrikttv@gmail.com

Tóm tắt: Nguy cơ cạn kiệt, thiếu nước đang là vấn đề nóng ở mọi quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Việc cảnh báo, dự báo, quản lý tài nguyên nước là cơ sở để xác định rủi ro, đưa ra các giải pháp trong quản lý, sử dụng nguồn nước hiệu quả.  Nghiên cứu dựa trên phương pháp RIM và xác định rủi ro về thiệt hại kinh tế các ngành sử dụng nước trong bối cảnh hạn hán, thiếu nước dựa trên các cảnh báo về tài nguyên nước trên lưu vực sông Sê San. Kết quả xác định giá trị kinh tế sử dụng nước (GTKTSDN): Chăn nuôi 472.602,74 đồng/m3; Công nghiệp 389.767,41 đồng/m3; Thủy sản 12.130,53 đồng/m3; Nông nghiệp 5.450,98 đồng/m3. Xác định thiệt hại, rủi ro về kinh tế sử dụng nước với kịch bản năm 2030 đứng đầu là chăn nuôi với hơn 2.585,14 tỉ đồng, tiếp là công nghiệp, thủy sản và nông nghiệp tương ứng1.691,59; 99,96; 98,44 tỉ đồng/năm. Quy trình cảnh báo nguy cơ cạn kiệt, thiếu nước phục vụ quản lý tài nguyên nước hiệu quả dựa trên giá trị kinh tế sử dụng nước hỗ trợ rất tốt cho công tác quản lý, quy hoạch hiệu quả tài nguyên nước.

Từ khóa: Giá trị kinh tế sử dụng nước (GTKTSDN); Tài nguyên nước (TNN); Cảnh báo nguy cơ cạn kiệt; Hạn hán thiếu nước.

26

4

Đánh giá chất lượng nước sông Lá Buông bằng phương pháp thống kê đa biến theo không gian và thời gian

Trần Đức Dũng1*, Nguyễn Quốc Quân1, Nguyễn Thị Thanh Huệ1, Phạm Luân1

1Trung tâm Quản lý Nước và Biến đổi khí hậu, Viện Môi Trường và Tài Nguyên, Đại học Quốc Gia TPHCM; dungtranducvn@yahoo.com; quocquannguyen1987@gmail.com; nguyen.tt.hue@gmail.com; hongluanosgeo@gmail.com

Tóm tắt: Sông Lá Buông là chi lưu lớn nằm bên bờ hữu sông Đồng Nai, hoạt động kinh tế của lưu vực này khá đa dạng, từ các hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi ở phía thượng lưu cho đến phát triển công nghiệp, dịch vụ ở phía hạ lưu. Tuy nhiên, chính sự phát triển kinh tế xã hội đã gây ra ô nhiễm nước mặt do các hoạt động công nghiệp và nông nghiệp. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá chất lượng nước mặt sông Lá Buông, sử dụng phương pháp thống kê đa biến, phân tích các thành phần chính dựa trên các chỉ tiêu chất lượng nước theo không gian và thời gian. Số liệu quan trắc chất lượng nước giai đoạn 2010-2017 được chuẩn hóa và xử lý loại bỏ những giá trị bất thường sử dụng phép kiểm định Shapiro-Wilk và kiểm định phi tham số Wilcoxon signed-rank, trước khi được sử dụng để phân tích. Kết quả chỉ ra rằng nguồn nước sông Lá Buông trong cả mùa khô và mùa mưa bị ô nhiễm cục bộ các chất dinh dưỡng, vi sinh (E. coli, Coliform, N-NH4) tại khu vực thượng nguồn do hoạt động chăn nuôi; ô nhiễm các chất vô cơ và hữu cơ (BOD5, COD, Fe, N-NH4, N-NO2, TSS, độ đục) từ nước thải sinh hoạt và công nghiệp tại khu vực trung lưu và hạ lưu. Kết quả nghiên cứu giúp đánh giá hiện trạng chất lượng nước sông Lá Buông nhằm đưa ra các giải pháp góp phần bảo vệ nguồn nước mặt của toàn lưu vực hướng đến phát triển bền vững.

Từ khóa: Ô nhiễm; Quan trắc; Thống kê; Phân tích; Thành phần chính.

36

5

Ứng dụng mô hình MIKE NAM, MIKE 11 HD tính toán tài nguyên nước mặt lưu vực sông Cửu Long

Nguyễn Ngọc Hà1*, Nguyễn Mạnh Trình1, Hoàng Thị Nguyệt Minh2

1 Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên Nước Quốc gia, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, 93/95 Vũ Xuân Thiều, Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội; ha_tnn@yahoo.com; manhtrinh021@yahoo.com.vn

2 Khoa Tài nguyên nước, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; htnminh.tnn@hunre.edu.vn

Tóm tắt: Lưu vực sông Cửu Long là phần hạ nguồn của lưu vực sông Mê Công trên địa phận Việt Nam thuộc địa bàn 13 tỉnh/thành vùng Nam bộ có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế cả về nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản và du lịch sinh thái. Mặc dù có hệ thống kênh rạch dày đặc nhưng nguồn nước của lưu vực sông Cửu Long lại phụ thuộc rất lớn vào lượng nước từ thượng nguồn. Để phục vụ quản lý, quy hoạch và phát triển bền vững lưu vực thì việc đánh giá được tài nguyên nước mưa, nước mặt đến từ thượng nguồn và sinh ra trên lưu vực sông Cửu Long là vô cùng quan trọng. Nghiên cứu này đã tổng hợp, phân tích tài liệu liên quan đến nguồn nước mặt, kết hợp với sử dụng công cụ mô hình toán thủy văn MIKE–NAM, thủy lực MIKE 11 HD để tính toán các đặc trưng và đưa ra bức tranh tương đối rõ nét về hiện trạng tài nguyên nước mưa, nước mặt lưu vực sông Cửu Long. Kết quả cho thấy tổng tài nguyên nước mưa toàn lưu vực là 68,4 tỷ m3, tài nguyên nước mặt là 471 tỷ m3 trong đó, sinh ra từ mưa nội vùng lưu vực sông Cửu Long là 30 tỷ m3 và từ nước ngoài (vùng thượng nguồn) qua hệ thống sông chính và chảy tràn biên giới là 441 tỷ m3.

Từ khóa: Tài nguyên nước mặt; Lưu vực sông Cửu Long; MIKE–NAM; MIKE 11 HD.

54

6

Nghiên cứu mức độ ô nhiễm vi nhựa trong nước và trầm tích sông Sài Gòn–Đồng Nai

Huỳnh Phú1*, Huỳnh Thị Ngọc Hân2, Nguyễn Lý Ngọc Thảo1, Đặng Văn Đông3, Trịnh Gia Hân4

1 Trường Đại học công nghệ TP Hồ Chí Minh, (HUTECH); h.phu@hutech.edu.vn; nln.thao@hutech.edu.vn

2 Trường Đại học Tài nguyên và môi trường TP Hồ Chí Minh; htnhan_ctn@hcmunre.edu.vn

3 Công ty TNHH TM DV Đông vinh; sales@dovitech.com.vn;

4 Học viên cao học; giahann1296@gmail.com

Tóm tắt: Sông Sài Gòn–Đồng Nai, nơi cung cấp đến 94% nguồn nước thô để sản xuất nước ăn uống và sinh hoạt cho nhân dân TP Hồ Chí Minh. Bài báo trình bày phương pháp lấy mẫu tại 18 vị trí (13 vị trí trên sông Sài Gòn và 5 vị trí trên sông Đồng Nai), phân tích vi nhựa trong môi trường nước mặt, trầm tích. Nguồn nước không chỉ ô nhiễm hữu cơ và các thông số hóa lý mà còn ô nhiễm do phát thải vi nhựa. Kết quả cho thấy xuất hiện vi nhựa dạng mảnh, dạng sợi và hạt vi nhựa từ kích thước 0,1–5 mm. Có 228.120 sợi/m3 nước đến nhiều nhất 715.124 sợi/m3 nước và 11 đến 222 mảnh/m3 nước, trong trầm tích 6,47 ± 1,45 đến 52,32 ± 4,92 mg/kg, trung bình 21,77 ± 6,9 mg/kg. Trong đó PE 51,2%, PP 27,1%, PVC 13,4% và 8,3% là các loại nhựa khác.

Từ khóa: Nước mặt; Sông Sài Gòn–Đồng Nai; Trầm tích; Vi nhựa.

69

7

Thiết lập mô hình cân bằng nước phục vụ lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long

Nguyễn Ngọc Hà1*, Hoàng Thị Nguyệt Minh2, Đinh Tiến Dũng1

1 Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên Nước Quốc gia, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, 93/95 Vũ Xuân Thiều, Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội; ha_tnn@yahoo.com; dungdt812@gmail.com

2 Khoa Tài nguyên nước, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; htnminh.tnn@hunre.edu.vn

Tóm tắt: Bài báo này nghiên cứu áp dụng mô hình cân bằng nước MIKE HYDRO BASIN (MHB) để đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước cho các nhu cầu sử dụng nước khác nhau trên lưu vực sông (LVS) Cửu Long. Toàn bộ LVS được phân thành 120 vùng quản lý tổng hợp nguồn nước. Nhu cầu sử dụng nước được tính toán cho 6 mục đích sử dụng gồm sinh hoạt, công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các nhu cầu khác và được giới hạn ở nước ngọt. Mô hình MHB tính toán cân bằng nước theo thời đoạn ngày cho năm hiện trạng 2020, nhằm xác định chi tiết tổng lượng nước thiếu cả năm, thời gian thiếu nước trong năm, các tháng thiếu nước trên toàn LVS và trên 120 vùng quản lý tổng hợp nguồn nước. Kết quả tính toán cho thấy, tổng lượng nước thiếu cả năm trên toàn LVS chiếm khoảng 11,4% tổng nhu cầu sử dụng nước, thời gian thiếu nhiều nhất vào tháng 2–4 (19,1-19,6%), khu vực thiếu nhiều nhất là vùng bán đảo Cà Mau. Mô hình MHB áp dụng với LVSCL có thể được sử dụng như một công cụ đánh giá nhanh và thuận tiện để đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước ứng với các kịch bản quy hoạch khác nhau, từ đó làm cơ sở cho việc lựa chọn các phương án phân bổ nguồn nước phù hợp.

Từ khóa: Cân bằng nước; Cửu Long; Mê Kông; Mike Hydro Basin; Tài nguyên nước.

82

8

Đánh giá ảnh hưởng của các hồ chứa đến dòng chảy trên sông Đà

Bùi Huyền Linh1, Trần Anh Phương1*

1Viện Khoa học tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường; wri@monre.gov.vn; phuongtran.monre@gmail.com; linhb.dctv@gmail.com.

Tóm tắt: Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của các hồ chứa trong và ngoài lãnh thổ đến sự thay đổi dòng chảy trên sông Đà đến trạm Tạ Bú bằng phương pháp thống kê và sử dụng mô hình HEC–HMS mô phỏng dòng chảy tự nhiên bằng số liệu mưa vệ tinh (IMERG) so sánh với số liệu thực đo (khi các hồ đi vào hoạt động) để đánh giá sự thay đổi dòng chảy trong mùa lũ và mùa cạn và dòng chảy năm. Kết quả cho thấy sự suy giảm tổng lượng dòng chảy năm khi các hồ đi vào hoạt động làm tăng dòng chảy mùa cạn và giảm dòng chảy mùa lũ.

Từ khóa: Hồ chứa; Sông Đà; Dòng chảy; Ngoài lãnh thổ; Mưa vệ tinh; HEC–HMS.

97

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất