MỤC LỤC TẠP CHÍ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN THÁNG 2 NĂM 2020

Đăng ngày: 02-07-2020 File đính kèm
Số 710 * Tháng 2 năm 2020

TT

Tên bài và tác giả

Số trang

1

Áp dụng mô hình thủy văn, thủy lực mô phỏng ngập lụt hạ du sông Cả

Nguyễn Xuân Tiến1, Nguyễn Thanh Sơn2, Nguyễn Văn Linh3

1Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ

2Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, ĐH Khoa học Tự nhiên

3Khoa Thủy văn và Tài nguyên nước, Đại học Thủy lợi

Tóm tắt: Dưới tác động của biến đổi khí hậu và sự phát triển của hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở thượng nguồn, vấn đề ngập lụt ở hạ du lưu vực sông Cả ngày càng nghiêm trọng. Nghiên cứu xác định nguyên nhân gây ngập lụt để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm giảm nhẹ thiệt hại là vấn đề cấp thiết hiện nay. Bài báo này trình bày việc áp dụng bộ mô hình MIKE (MIKE NAM, MIKE 11 và MIKE 21) để xây dựng mô hình mô phỏng và tính toán định lượng mưa gây ngập lụt vùng hạ du lưu vực sông Cả. Nghiên cứu đã sử dụng bộ số liệu khí tượng thủy văn 14 năm (2005 - 2018) của 30 trạm với thời đoạn mưa 6 giờ để hiệu chỉnh và kiểm định mô hình. Quá trình mực nước tính toán và thực đo tại 03 điểm so sánh phù hợp nhau, độ lớn và thời gian xuất hiện đỉnh lũ gần nhau (∆H < 0,3 m), hệ số Nash đều đạt được trị số cao (Nash > 0,89). Nghiên cứu đã tính toán được lượng mưa bắt đầu gây ngập, ngập ở các mức báo động lũ (Mức báo động 2 và 3) trong điều kiện tự nhiên và có sự tác động của hồ chứa trên hệ thống sông Cả.

Từ khóa: Sông Cả, mô hình MIKE NAM, MIKE 11, MIKE 21, ngập lụt.

1

2

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên hạn hán trên lưu vực sông Sêsan

Vũ Đức Long1, Nguyễn Ngọc Hoa1

1Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia

Tóm tắt: Bài báo với nội dung đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) lên chế độ hạn khí tượng và hạn thủy văn trong những tháng mùa khô trên lưu vực sông Sê San thông qua các chỉ số hạn và mô hình toán thủy văn. Trong nghiên cứu này, hai kịch bản BĐKH cho lượng mưa và nhiệt độ là RCP4.5 và RCP8.5 từ mô hình khí hậu toàn cầu GCMs (Global Climate Models) của dự án CMIP5 (Coupled Model Intercomparison Project 5) đã được chi tiết hóa thống kê cho lưu vực sông Sê San. Hạn khí tượng được tính toán bằng chỉ số chuẩn hóa lượng mưa SPI, hạn thủy văn được xây dựng dựa trên chỉ số K hạn, lưu lượng dòng chảy trong tương lai được mô phỏng từ mô hình thủy văn SWAT cho lưu vực sông Sê San. Kết quả nghiên cứu trong tương lai cho thấy hạn khí tượng xảy ra nhiều nhất vào giai đoạn từ 2080 đến 2099 với tổng số sự kiện hạn được ghi nhận khoảng 41 sự kiện và được đánh giá trên số liệu mưa từ các trạm khí tượng (trong đó có khoảng 35% hạn vừa, 47% hạn nặng và 18% hạn nghiêm trọng cho kịch bản RCP 8.5). Từ kết quả mô phỏng dòng chảy trong tương lai và tính toán chỉ số hạn thủy văn cho lưu vực, nghiên cứu cũng đã đưa ra bản đồ phân vùng hạn thủy văn cho những năm xảy ra hạn nghiêm trọng, nhận thấy các tiểu lưu vực thuộc khu vực tỉnh Gia Lai sẽ chịu tổn thương bởi các mức độ hạn nhiều nhất trên lưu vực Sê San.

Từ khóa: Biến đổi khí hậu, chỉsố hạn, mô hình SWAT, lưu vực sông Sê San.

14

3

So sánh phân bố lý thuyết Rayleigh theo sóng quan trắc tại vùng biển vịnh Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Hoàng Trưởng1

1Viện Nghiên cứu biển và hải đảo

Tóm tắt: Bài báo bước đầu phân tích một số hàm thống kê độ cao sóng đang được sử dụng trong các quy trình tính toán, dựa trên ý tưởng của chương trình “Quản lý và kỹ thuật công trình biển và ven bờ (COMEM)” do 5 trường đại học của Châu Âu thực hiện năm 2010. Với 2 chuỗi số liệu quan trắc,đo đạc sóng tại vịnh Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa năm 2017 và 2018, nhận thấy có sự khác biệt nhỏ trong phân bố Rayleigh của độ cao và chu kỳ sóng.

Từ khóa: Độ cao sóng, phân bố Rayleigh, vịnh, Nghi Sơn.

26

4

Nghiên cứu ứng dụng mô hình hóa xây dựng phần mềm dự báo lũ, xâm nhập mặn sông Cửu Long hiển thị kết quả dự báo mặn lên Google Earth

Đoàn Văn Hải1, Lê Thị Huệ1, Đoàn Quang Trí2

1Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia

2Tạp chí Khí tượng Thủy văn

Tóm tắt: Công tác dự báo, cảnh báo lũ, xâm nhập mặn sông Cửu Long đóng một vai trò hết sức quan trọng tại Trung tâm Dự báo khi tượng thủy văn (KTTV) quốc gia. Nghiên cứu đã ứng dụng mô hình hóa (MIKE 11-MIKE11- GIS-Google Earth) tính toán dòng chảy lũ hạ lưu và hiển thị kết quả dự báo mặn cho đồng bằng sông Cửu Long trên nền Google Earth. Kết quả mô phỏng và thử nghiệm chỉ ra rằng công cụ phần mềm có khả năng dự báo tương đối tốt về mặt xu thế, đường thực đo và tính toán. Kết quả phân bố nêm mặn trong sông tương đối phù hợp với kết quả thực đo tại các trạm. Kết quả dự báo mực nước lớn nhất và thực đo dao động từ 7-14 cm. Mức đảm bảo tại các trạm Tân Châu và Châu Đốc khá cao hầu hết là đạt trên 75-78%. Bộ công cụ dự báo được xây dựng trên nền cơ sở ngôn ngữ lập trình hiện đại, có tính mở, có khả năng tích hợp bổ sung và nâng cấp các modul khi cần thiết. Chất lượng thử nghiệm công cụ cho thấy, công cụ dự báo có thể đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ dự báo tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Từ khóa: MIKE 11, MIKE 11-GIS, Googel Earth.

33

5

Đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến các công trình lấy nước tưới vào thời kì kiệt của sông Ninh Cơ

Nguyễn bách Tùng1, Đặng Đình Đức1, Trần Vinh Quang1, Nguyễn Đại Trung2

1Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội

2Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Thủy lợi miền Trung

Tóm tắt: Các tỉnh ven biển của đồng bằng sông Hồng có nền nông nghiệp tương đối phát triển. Tuy nhiên, các tỉnh ven biển bị ảnh hưởng rất lớn bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như: bão, lũ lụt, hạn hán…Hạn hán (Xâm nhập mặn) là một trong những vấn đề ảnh hưởng và được quan tâm chính là nguồn nước cung cấp tưới. Do đó, việc đánh giá chất lượng nước tưới (độ mặn) được lấy tại các con sông là vấn đề cấp thiết. Trong hệ thống đồng bằng sông Hồng, sông Ninh Cơ là nhánh sông lớn có sức ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống sông và đặc biệt ảnh hưởng đến tỉnh Nam Định. Nguồn nước tưới được lấy trên sông Ninh Cơ qua các cửa lấy nước theo định tính mà chưa có nghiên cứu nào đánh giá theo thời gian để có thể xác định được thời gian lấy nước tưới cho phù hợp. Chính vì vậy, nghiên cứu sử dụng mô hình MIKE 3 để tính toán và đánh giá khả năng lấy nước tưới của sông Ninh Cơ qua các cửa lấy nước theo thời gian trong mùa kiệt để đưa ra phương án lấy nước phù hợp cung cấp nước tưới nông nghiệp cho các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh thuộc tỉnh Nam Định.

Từ khóa: Xâm nhập mặn, Nông nghiệp, Tưới tiêu, Ninh Cơ, MIKE 3.

43

6

Xây dựng kịch bản biến đổi nhiệt độ trong bối cảnh biến đổi khí hậu cho khu vực tỉnh Tây Ninh

Lê Ngọc Tuấn1*, Nguyễn Văn Tín2, Trần Tuấn Hoàng2, phạm Thanh Long2, Nguyễn Kỳ phùng3

1Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

2Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu

3Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Bằng phương pháp thu thập, xử lý số liệu và phần mềm SimCLIM, các kịch bản biến đổi nhiệt độ trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) khu vực tỉnh Tây Ninh được xây dựng tương ứng với các kịch bản RCP2.6 - RCP8.5. Kết quả cho thấy nhiệt độ trung bình (Ttb) gia tăng theo thời gian và các kịch bản RCPs: khoảng 1,1-3,6o C vào năm 2100 so với giai đoạn 1986 - 2005. Trong đó, Ttb cao nhất phân bố chủ yếu ở khu vực phía tây của tỉnh (như huyện Tân Biên, Châu Thành). Bên cạnh đó, xu thế gia tăng nhiệt độ các tháng trong năm (đặc biệt là mùa khô) và nhiệt độ cực trị cũng được ghi nhận với mức tăng Tx nhanh hơn so với T.tb và T.m. Kết quả nghiên cứu là cơ sở quan trọng phục vụ đánh giá tác động và tính dễ bị tổn thương (DBTT) do sự gia tăng nhiệt độ tại tỉnh Tây Ninh, đóng góp tích cực vào việc hoạch định và kiện toàn hệ thống các giải pháp ứng phó BĐKH.

Từ khóa: Biến đổi nhiệt độ, nhiệt độ trung bình, nhiệt độ cực trị, kịch bản BĐKH, nóng lên toàn cầu.

58

7

Nghiên cứu xây dựng công cụ dự báo lưu lượng nước đến hồ sông Hinh phục vụ dự báo lũ hạ lưu sông Ba

Đoàn Văn Hải1, Đoàn Thị Vân1, Đoàn Quang Trí2

1Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

2Tạp chí Khí tượng Thủy văn

Tóm tắt: Công nghệ dự báo thủy văn là một trong những thành phần cơ bản và quan trọng nhất của quy trình dự báo, quyết định khả năng và hiệu ích vận hành hệ thống hồ chứa. Mục tiêu đề ra là công tác dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) phải không ngừng tăng cường giám sát và cung cấp các bản tin cảnh báo, dự báo có nội dung cụ thể, thời gian dự kiến dài hơn, độ chính xác cao hơn. Nghiên cứu đã xây dựng được mô hình dự báo dòng chảy đến hồ sông Hinh phục vụ điều tiết, dự báo lũ hạ lưu sông Ba. Nghiên cứu đã lựa chọn và tích hợp mô hình Mike Nam để thực hiện xây dựng công nghệ dự báo lũ đến hồ. Kết quả hiệu chỉnh và kiểm định mô hình cho 4 trận lũ đạt từ 71-81%, trung bình đạt 78%. Kết quả dự báo cho 2 trận lũ năm 2019 với kết quả đánh giá đạt được từ 67- 91%, trung bình đạt 79%. Bộ công cụ xây dựng cho kết quả dự báo khá cao và phù hợp với thực tế, đây sẽ là một công cụ hỗ trợ tích cực cho các dự báo viên trong công tác dự báo nghiệp vụ tại Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.

Từ khóa: MIKE NAM, Điều tiết hồ chứa.

70

8

Bản tin dự báo thuỷ văn, khí hậu tháng 1 các sông Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

78

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất