MỤC LỤC TẠP CHÍ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN THÁNG 7 NĂM 2020

Đăng ngày: 13-08-2020 File đính kèm
Số 715 * Tháng 7 năm 2020

TT

Tên bài và tác giả

Số trang

1

Nghiên cứu phương pháp xác định hạt vi nhựa trong môi trường trầm tích bãi triều ven biển, áp dụng thử nghiệm tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Lưu Việt Dũng1,2*, Trương Hữu Dực2, Nguyễn Thị Hoàng Hà1,2, Nguyễn Duy Tùng3, Nguyễn Tài Tuệ1,2, Phạm Văn Hiếu4, Nguyễn Quốc Định5, Mai Trọng Nhuận1,2

1Phòng thí nghiệm trọng điểm Địa môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; dungluuviet@gmail.com; tuenguyentai@hus.edu.vn; hoangha.nt@vnu.edu.vn; nhuanmt@vnu.edu.vn

2Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; truonghuuduct61@hus.edu.vn

3Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội; tungnd1618@gmail.com

4Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; hieupv.env@gmail.com

5Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường; dinhnq@gmail.com

Tóm tắt: Vi nhựa (microplastics) là những hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm, có nguồn gốc từ các hoạt động nhân sinh, gây tác động mạnh mẽ đến môi trường và các loài sinh vật biển. Tuy nhiên, các nghiên cứu về phương pháp phân tích, mức độ phân bố của vi nhựa trong môi trường biển, đặc biệt là môi trường trầm tích biển tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Trong phạm vi của nghiên cứu này, phương pháp xác định hạt vi nhựa trong môi trường trầm tích đã được đề xuất và áp dụng thử nghiệm cho bãi triều ven biển tại khu vực xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy khối lượng của các hạt vi nhựa dao động từ 6,41 ± 1,27 mg/kg đến 53,05 ± 5,27 mg/kg với giá trị trung bình là 22,95 ± 8,9 mg/kg. Kết quả phân loại thành phần số lượng vi nhựa dưới kính hiển vi cho thấy trong 1 kg trầm tích có từ 2.921 đến 5.635 mảnh vi nhựa với thành phần chủ yếu là Microfragments (65,09%), Microfoams (8,41%), Microfilbers (24,08%) và Microfilms (2,42%). Nguồn gốc của các hạt này chủ yếu từ hoạt động nhân sinh tại khu vực ven biển như nuôi trồng, khai thác thủy sản và rác thải sinh hoạt. Do đó, ô nhiễm rác thải vi nhựa ven biển là vấn đề môi trường rất cần thiết được quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

Từ khóa: Vi nhựa; Bãi triều; Rừng ngập mặn; Thanh Hóa.

1

2

Đánh giá rủi ro thiên tai do lũ lụt khu vực Trung Trung Bộ

Huỳnh Thị Lan Hương1, Nguyễn Xuân Hiển1, Ngô Thị Thủy1, Văn Thị Hằng1, Nguyễn Thành Công2

1Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; huynhlanhuong@gmail.com; nguyenxuanhien79@gmail.com; tide4586@gmail.com; vanhangimhen@gmail.com

2Cục Biến đổi khí hậu; tcongnguyen90@gmail.com

Tóm tắt: Ngày nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai đang ngày càng trở nên mạnh về cường độ và tần suất. Những tác động của thiên tai đối với con người và môi trường vì thế cũng ngày càng trầm trọng hơn. Nghiên cứu này, sử dụng phương pháp đánh giá trước thiên tai được sử dụng trên cơ sở phân tích các yếu tố hiểm họa (Hazard–H), phơi bày trước hiểm họa (Exposure–E) và tính dễ bị tổn thương (Vulnerability–V). Kết quả đánh giá và phân cấp rủi ro lũ khu vực Trung Trung Bộ với trận lũ tháng 11/1999 cho thấy: phơi bày trước nguy cơ thiên tai lũ lụt thường cao ở các khu vực đông dân cư, tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp và tỷ lệ diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm tỷ lệ lớn (một số huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi); tính dễ bị tổn thương cao thuộc các huyện miền núi và kém phát triển nhưng lại không thường xuyên xảy ra ngập lụt (thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Quảng Trị). Khi xét đến yếu tố rủi ro tổng hợp do lũ và ngập lụt, nguy cơ rủi ro rất cao và cao chủ yếu tập trung tại các huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Bình.

Từ khóa: Rủi ro thiên tai; Lũ lụt, Hiểm họa; Phơi bày; Tính dễ bị tổn thương; Trung Trung Bộ.

13

3

Thay đổi hoạt động của bão Biển Đông

Trần Quang Đức1,*, Phạm Thanh Hà1, Đinh Bá Duy2, Phạm Quang Nam1

1Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, 334 Nguyễn Trãi, Hà Nội, Việt Nam; tranquangduc@hus.edu.vn; phamthanhha5693@gmail.com; phamquang1991@gmail.com

2Trung tâm Nhiệt đới Việt–Nga, 63 Nguyễn Văn Huyên, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam; duydb.vrtc@gmail.com

Tóm tắt: Liệu bão Biển Đông ngày có càng mạnh hơn không? Nghiên cứu đã sử dụng ba bộ số liệu Unisys Weather, JTWC và RSMC tiến hành phân nhóm bão và tính toán thống kê số cơn bão, số ngày bão cho các giai đoạn khác nhau và so sánh, đánh giá để có thể trả lời câu hỏi trên. Kết quả tính toán thu được đã chỉ ra rằng cả ba bộ số liệu trên với mục đích của bài báo có nhiều điểm đồng nhất. Với việc phân nhóm bão theo cấp độ gió thành 3 nhóm: bão bình thường, bão mạnh và bão rất mạnh kết qua cho thấy có dấu hiệu rõ ràng bão trên Biển Đông ngày càng mạnh hơn.

Từ khóa: Bão; Xoáy thuận nhiệt đới; Biển Đông; Tây Bắc Thái Bình Dương.

27

4

Đánh giá chất lượng dự báo mưa từ mô hình số trị cho khu vực Hà Nam và Nam Định trong năm 2019

Mai Khánh Hưng1, Dư Đức Tiến1*, Lê Viết Sơn2, Bùi Tuấn Hải2, Phạm Thị Phương Dung1, Đặng Đình Quân1

1Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia; duductien@gmail.com; maikhanhhung18988@gmail.com;  phamphuongdung87@gmail.com; quandangdinh92@gmail.com

2Viện Quy hoạch Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; levietson2211@gmail.com; bui.tuan.hai@gmail.com;

Tóm tắt: Mưa là nhân tố đầu vào quan trọng cho bài toán dự báo thủy văn nói chung và bài toán vận hành chế độ tưới tiêu nói riêng. Do đó, đánh giá được độ tin cậy cùng mức độ chính xác của dự báo mưa cho phép hiệu chỉnh nhân tố này trong các bài toán dự báo thủy văn. Nghiên cứu trình bày kết quả đánh giá chất lượng mưa từ các mô hình số trị (toàn cầu GFS, GSM, IFS và khu vực phân giải cao WRF–ARW) đang được sử dụng nghiệp vụ tại Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia trong năm 2019 trên khu vực Hà Nam và Nam Định. Thực hiện đánh giá biến dự báo mưa tích lũy 24h tại các hạn 24h, 48h và 72h, thông qua các chỉ số đánh giá kĩ năng (POD, FAR, BIAS, ETS), hệ số tương quan, đánh giá định lượng (ME, RMSE) cho thấy mức độ tin cậy của mô hình khu vực phân giải cao so với mô hình toàn cầu trên khu vực nghiên cứu.

Từ khóa: Đánh giá dự báo mưa; Dự báo mưa khu vực Hà Nam và Nam Định; Mô hình khu vực WRF–ARW.

37

5

Đánh giá tình hình thực hiện Cơ chế tín chỉ chung JCM tại Việt Nam: Kinh nghiệm để tiến tới triển khai Điều 6 của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Nguyễn Thành Công1*, Trần Tiến Dũng2

1Cục Biến đổi khí hậu; tcongnguyen90@gmail.com

2Tổng cục Khí tượng Thủy văn; tdung117@gmail.com

Tóm tắt: Theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 bằng nguồn lực trong nước và có thể cắt giảm 25% nếu có sự hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực của quốc tế thông qua các hoạt động hợp tác đa phương, song phương và thực hiện các cơ chế trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Cơ chế tín chỉ chung JCM là ví dụ điển hình cho hoạt động hợp tác tiếp cận theo Điều 6.2 trong Thỏa thuận Paris, quy định về việc trao đổi nỗ lực giảm nhẹ quốc tế (ITMO). Bài báo sẽ cung cấp thông tin và đánh giá tình hình thực hiện Cơ chế JCM tại Việt Nam, cũng như phân tích mối liên hệ giữa Cơ chế JCM và Điều 6 của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Từ đó, kết quả của bài báo sẽ cung cấp cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tạo sự chuẩn bị tiến tới triển khai các cơ chế mới trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, góp phần giúp Việt Nam đạt được cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Từ khóa: Cơ chế tín chỉ chung; Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

49

6

Tác động của hạ thấp đáy sông đến chế độ thủy triều trên hệ thống sông Cửu Long và đề xuất một số giải pháp quản lý

Nguyễn Nghĩa Hùng1*, Nguyễn Công Thành2, Lê Quản Quân1

1Viện khoa học Thủy lợi miền Nam; hungsiwrr@gmail.com; lequan2005@gmail.com

2Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM; ncthanh@hcmus.edu.vn

Tóm tắt: Bài báo trình bày kết quả so sánh địa hình đáy sông (1998, 2008, 2018) và phân tích tài liệu mực nước giai đoạn 1998–2018, để đánh giá thực trạng hạ thấp đáy sông và sự thay đổi chế độ thủy triều trong giai đoạn 20 năm trở lại đây thuộc hệ thống sông Cửu Long.

Kết quả cho thấy, tổng lượng chênh lệch bùn cát thay đổi giai đoạn 1998–2008 là –388,86 triệu m3 (38,9 triệu m3/năm) và giai đoạn 2008–2018 là –685,64 triệu m3 (68,6 triệu m3/năm). Xu thế hạ thấp đáy sông trên hệ thống sông Tiền và sông Hậu giai đoạn 1998– 2008 là –8,7 cm/ năm, giai đoạn 2008–2018 là –15,3 cm/năm. Tại Tân Châu giai đoạn 1998– 2018, mực nước lớn cao giảm –20 cm, mực nước ròng thấp giảm –70 cm, trong khi đó dải triều tăng +50 cm, xu thế càng ra biển sự thay đổi càng mạnh. Như vậy, nếu so sánh tốc độ hạ thấp đáy sông với tốc độ lún sụt đất tự nhiên (sụt lún 1–2,5 cm/năm) và nước biển dâng (năm 2030, 13 cm; năm 2100, 50 cm) thì yếu tố hạ thấp đáy sông có tốc độ lớn hơn và tác động đến chế độ dòng chảy mạnh hơn. Kết quả bài báo cho thấy sự cần thiết phải điều chỉnh quản lý khai thác cát, đồng thời từng bước phải điều chỉnh quản lý dòng sông để khai thác và giảm thiểu rủi ro do ngập lụt, sạt lở và xâm nhập mặn đem lại trong tương lai.

Từ khóa: Hạ thấp lòng dẫn; Khai thác cát; Thủy triều; Đồng bằng sông Cửu Long.

59

7

Tác động của nước biển dâng do biến đổi khí hậu đến vùng nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Hoàng Ngọc Khắc1,2*, Trần Thị Thanh Hải3

1Viện Nghiên cứu Biến đổi toàn cầu và Phát triển bền vững; hnkhac@hunre.edu.vn;

2Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội;

3Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; haitran84@gmail.com;

Tóm tắt: Biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay đang gián tiếp và trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, nông nghiệp đặc biệt tới các quốc gia ven biển. Công tác nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại các vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (BB–BTB) đóng vai trò chủ đạo đến thu nhập và lương thực quốc gia. Do đó, việc nhận định đánh giá tình hình phát triển của NTTS tại các khu vực trên dưới các tác động của BĐKH sẽ vô cùng cấp thiết để tìm ra các mô hình chiến lược phát triển ngành đồng thời nhân rộng các mô hình thích ứng này cho các vùng ven biển trên cả nước. Dữ liệu nước biển dâng (NBD) và thực trạng NTTS được tổng hợp nhằm đánh giá nguy cơ tác động của BĐKH đến NTTS cho BB–BTB. Kết quả tính toán 2 kịch bản NBD 50 cm và NBD 100 cm cho thấy nguy cơ ngập rất cao (hơn 50%) cho các vùng NTTS, đặc biệt là các tỉnh Bắc Bộ như Nam Định, Thái Bình và tỉnh Thừa Thiên Huế. Các tỉnh Bắc Trung Bộ có diện tích NTTS ít bị ảnh hưởng hơn so với vùng Bắc Bộ. Các mô hình NTTS thông minh dần được triển khai nhằm thích ứng với BĐKH tại 11 tỉnh thành đang cho thấy bước đầu hiệu quả và những cải thiện đáng kể trong công tác phát triển NTTS.

Từ khóa: Biến đổi khí hậu; Tác động; Nuôi trồng thủy sản; Nuôi trồng thủy sản thông minh.

68

8

BẢN TIN DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG, THỦY VĂN THÁNG 7 NĂM 2020. THÔNG BÁO KHÍ TƯỢNG NÔNG NGHIỆP THÁNG 6 NĂM 2020

78

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất