Năm 2024 là một năm thời tiết của Việt Nam cũng như thế giới có rất nhiều biến động; ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2024, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng ENSO ở trạng thái El Nino, sau đó chuyển dần sang trạng thái trung tính (nghiêng về pha lạnh) trong những tháng cuối năm 2024. Trao đổi với Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trường phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

PV: Năm 2024 khép lại, ông đánh giá như thế nào về diễn biến thời tiết và tính chất quy mô thiên tai trong năm vừa qua?

Chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng: Năm 2024 là một năm thời tiết của Việt Nam cũng như thế giới có rất nhiều biến động; ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2024, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng ENSO ở trạng thái El Nino, sau đó chuyển dần sang trạng thái trung tính (nghiêng về pha lạnh) trong những tháng cuối năm 2024. Tổng cộng đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, điển hình như sau:

+ Bão, áp thấp nhiệt đới:

Trên khu vực Biển Đông đã có 10 cơn bão và 01 ATNĐ ít hơn khoảng 01 cơn so với TBNN. Trong đó cơn bão số 3 (YAGI) đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng với gió mạnh cấp 10-12, giật cấp 13-15, riêng trạm Bãi Cháy ở độ cao 34m quan trắc được gió mạnh cấp 14, giật cấp 17. Đây là cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 30 năm gần đây.

+ Không khí lạnh và rét đậm, rét hại: Trong năm 2024 cũng đã có 19 đợt không khí lạnh (KKL) xâm nhập xuống nước ta. Trong đó, đợt GMĐB mạnh ngày 20/01 và được tăng cường vào ngày 22/01 đã gây đợt rét đậm, rét hại từ ngày 22-29/01 ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, riêng từ ngày 23-28/01 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra rét hại, trên vùng núi cao phía Bắc của Bắc Bộ một số nơi đã xuất hiện băng giá như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Phia Oắc (Cao Bằng),... tại trạm Mẫu Sơn đã quan trắc được nhiệt độ thấp nhất là -3,00C.

+ Nắng nóng trên diện rộng: Năm 2024 cả nước đã xuất hiện 19 đợt nắng nóng trên diện rộng. Đặc biệt, ở miền Đông Nam Bộ nắng nóng đã kéo dài liên tục trong 70 ngày (từ ngày 08/3-16/5), trong đó nắng nóng diện rộng ở Nam Bộ kéo dài 47 ngày (từ ngày 29/3-14/5). Nhiều giá trị kỷ lục về nhiệt độ đã được ghi nhận trong tháng 4/2024, có 110/186 trạm quan trắc trên cả nước ghi nhận giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử, đặc biệt tại Đông Hà (Quảng Trị) nhiệt độ cao nhất ngày 28/4/2024 đo được là 44,00C, đây là giá trị cao nhất từ năm 1976 đến nay và lớn thứ 3 trong lịch sử đo đạc tại Việt Nam.

+ Mưa lớn trên diện rộng:  Cả nước đã xảy ra 22 đợt mưa lớn trên diện rộng. Trong đó, đợt mưa lớn từ đêm 06-12/9 do ảnh hưởng của cơn bão số 3, sau ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 3, ở Bắc Bộ đã xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng, tại 83/84 trạm đo ở Bắc Bộ, lượng mưa cao hơn 4-6 lần so với trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 9 như: Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận 517mm, cao hơn 440%; Lục Yên (Yên Bái) 503mm, cao hơn 461%; Định Hóa (Thái Nguyên) 545mm, cao hơn 677%; Sơn Động (Bắc Giang) 386mm, cao hơn 488% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đợt mưa này đã gây lũ lớn ở Bắc Bộ và gây sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh vùng núi và trung du.

PV: Năm 2025 dự báo ENSO sẽ ở trong pha nào thưa ông? Những xu thế thời tiết thiên tai đáng chú ý trong năm 2025 như thế nào?

Chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng: Hiện tại, chuẩn sai nhiệt độ trung bình trượt 3 tháng (10-12/2024) của mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương đang ở mức thấp hơn TBNN là -0,40C. Hiện tượng ENSO ở trạng tái trung tính có thể tồn tại trong năm 2025, nếu với diễn biến như vậy thì thời tiết, khí hậu năm 2025 cần lưu ý:

- Hoạt động của bão, ATNĐ: Nhận định mùa bão trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện tương đương so với TBNN (khoảng tháng 6), số lượng bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ở mức xấp xỉ TBNN (TBNN trên Biển Đông khoảng 11-13 cơn, ảnh hưởng đến đất liền khoảng 5-6 cơn).

- Nắng nóng: Hiện tượng nắng nóng có khả năng xuất hiện tương đương so với TBNN, nắng nóng có khả năng không gay gắt như năm 2024.

- Không khí lạnh (KKL): Dự báo, KKL hoạt động xấp xỉ so với TBNN nên khả năng xảy ra rét đậm, rét hại (từ tháng 01-3/2025) ở mức tương đương so với TBNN cùng thời kỳ và nhiều hơn so với mùa Đông năm 2024. Đề phòng xuất hiện các đợt KKL có cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại trên diện rộng, băng giá, sương muối ở khu vực vùng núi phía Bắc.

- Tình hình mưa lớn diện rộng: Trong năm 2025 số đợt mưa lớn diện rộng xảy ra trên toàn quốc và ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm (khoảng 20 đợt). Các đợt mưa lớn diện rộng có khả năng bắt đầu từ tháng 6 ở Bắc Bộ, sau đó chuyển dần về phía Nam và kết thúc vào khoảng tháng 12/2025 ở các tỉnh từ Trung Bộ.

Tạp chí KTTV