Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050

Đăng ngày: 26-04-2022 | Lượt xem: 2654
Ngày 26 tháng 4 năm 2022, tại Hà Nội Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Dự thảo Chiến lược được xây dựng với mục tiêu tích cực tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra; giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

 Đồng thời tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước; đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các nỗ lực quốc tế trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết “Việt Nam đã trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2015, hoàn thành cập nhật NDC vào 2020, đưa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để toàn dân thực hiện.

Dự thảo Chiến lược được xây dựng các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26 và thực hiện các yêu cầu của Thỏa thuận Paris. Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 phản ánh sự chuyển đổi về chất trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thể hiện lộ trình để hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại COP26, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương từ khi xây dựng đề cương Chiến lược, khảo sát 63 địa phương và thực hiện phỏng vấn sâu 20 tỉnh, thành phố. Cho đến nay, dự thảo Chiến lược cũng đã được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trên cả nước, tham vấn các nhà khoa học… Trong thời gian tới, rất mong các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cũng như các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”. Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: