Ứng phó với biến đổi khí hậu: Dai dẳng cuộc chiến không tiếng súng

Đăng ngày: 01-01-2021 | Lượt xem: 2778
Nhiều nghiên cứu đã cảnh báo vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ cao 1-2m so với mực nước biển, đến năm 2100 nguy cơ vựa lúa số 1 của Việt Nam sẽ bị chìm nghỉm.

Cánh đồng lúa khô nứt nẻ do hạn hán tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Thông Hải/Báo ảnh Việt Nam)

Bài 3: Đồng bằng gần 20 triệu dân - Nguy cơ chìm vì bị 'đe dọa' nghiêm trọng

Trong vòng 10 năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã liên tiếp phải hứng chịu hai đợt hạn hán, xâm nhập mặn phá vỡ mọi kỷ lục được xác lập trước đó, gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất và thiếu nước sinh hoạt trầm trọng; hơn 1,3 triệu người dân trong vùng đã rời quê hương, như là một trong những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, để có một cuộc sống ổn định hơn… đó là những con số đáng báo động đã xảy ra ở vùng đồng bằng của gần 20 triệu dân.

Đáng nói là, thực tế đáng buồn trên được dự báo sẽ còn xảy ra, khi nhiều nghiên cứu công bố trong thời gian gần đây đã cảnh báo vùng đồng bằng này hiện chỉ cao 1-2m so với mực nước biển và nếu tiếp tục để khai thác cát và nước ngầm tự do như hiện nay thì đến năm 2100, nguy cơ vựa lúa số 1 của Việt Nam sẽ bị chìm.

Một trong 3 đồng bằng bị đe dọa nặng nhất thế giới.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là một trong ba đồng bằng châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp và khó dự báo.

Trong đó, tài nguyên nước của vùng bị tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất trước diễn biến của biến đổi khí hậu và từ việc khai thác sử dụng nước phía thượng nguồn. Hệ quả của nó là dòng chảy trên sông Mekong suy giảm nghiêm trọng, đạt mức thấp kỷ lục dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt… kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường đã xảy ra những năm gần đây.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, xâm nhập mặn đang ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô. Xâm nhập mặn làm thiệt hại khoảng gần 39.000ha diện tích sản xuất lúa. (Ảnh: Thông Hải/Báo ảnh Việt Nam)

Các nghiên cứu, đánh giá của Việt Nam và quốc tế cũng cho thấy các thay đổi của hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long bị tác động bởi các lý do như: xâm nhập mặn vào sâu nội địa xảy ra sớm, ranh mặn đã sâu hơn trung bình từ 5-15km; kỷ lục năm 2019-2020, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 10-25km và kéo dài, được đánh giá là nghiêm trọng. Độ mặn cũng cao hơn. Theo số liệu đo tại các trạm mùa khô 2019-2020, độ mặn cao hơn từ 1-7g/l so với trung bình nhiều năm.

Bên cạnh đó, chế độ dòng chảy trên dòng chính sông Mekong chịu ảnh hưởng lớn của việc vận hành tích nước từ các hồ chứa thượng nguồn và khai thác sử dụng nước của các quốc gia ven sông, đã ảnh hưởng và làm trầm trọng hóa tình trạng hạn hán, thiếu nước ở hạ du.

Theo ước tính sơ bộ, tổng lượng nước sử dụng gia tăng thêm trong mùa khô 2019-2020 ở các quốc gia thượng nguồn hạ lưu vực sông Mekong tăng khoảng 3,6 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm (tăng khoảng 25%).

Theo thống kê từ các địa phương, mức độ thiếu nước sinh hoạt lúc cao nhất (từ 6-24/3/2020) tổng cộng có khoảng 96.000 hộ gia đình với khoảng 430.000 người dân.

Trong khi đó, các cửa sông ở Đồng bằng sông Cửu Long bị bào xói sâu hơn do những năm gần đây lũ thấp, lượng phù sa ít, tạo điều kiện thuận lợi cho mặn lên cao; đặc điểm địa hình vùng đồng bằng này bằng phẳng và thấp ngang mực nước mặt biển, không có nhiều hồ chứa, hồ điều hoà, nên khả năng giữ nước kém và phụ thuộc rất lớn từ nguồn nước được cung cấp từ thượng nguồn sông Mekong.

Ngoài ra, tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài làm mực nước trên các kênh trục xuống thấp, nhiều tuyến kênh rạch khô cạn, cũng đã dẫn đến tình trạng sạt lở bờ kênh, đường giao thông và nhà dân sống ven kênh ngày càng trầm trọng hơn.

Có chung đánh giá, giáo sư tiến sỹ Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu cũng cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn, ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu với việc phát triển ở phía thượng lưu.

Về biến đổi khí hậu và thiên tai, theo giáo sư tiến sỹ Trần Thục, Đồng bằng sông Cửu Long có đặc điểm địa chất, thổ nhưỡng ven bờ có lớp sét, cát pha xen kẽ; những lớp hạt cát do không có lực dính liên kết cùng với các hoạt động sử dụng đất làm tăng tải trọng lên bờ, sẽ tạo ra hình dạng như hàm ếch… Điển hình như hiện tượng sạt lở phức tạp đã xảy ra tại khu vực An Giang trong năm 2016...

Số liệu thống kê của các địa phương cũng cho thấy từ năm 2005 đến nay bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị xói lở với tốc độ khoảng 300 ha/năm, xảy ra chủ yếu dọc bờ biển Kiên Giang và Cà Mau. Tốc độ sạt lở trung bình 26-30m/năm trong đó đoạn bị xói lở cao nhất 50-67m/năm ở khu vực cửa sông Bồ Đề. Biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng nguy cơ xói lở bờ biển tại khu vực Mũi Cà Mau.

Đáng chú ý là việc thiếu nước ngọt vào mùa khô dẫn đến tăng sử dụng nước ngầm lấy từ các tầng chứa nước sâu. Việc sử dụng nước ngầm hiện nay cho sinh hoạt và cho các hoạt động sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long đang làm cạn kiệt các tầng nước ngầm đặc biệt tại bán đảo Cà Mau và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguy cơ chìm vì ‘đói’ phù sa, lún nặng

Theo kết quả ban đầu của nghiên cứu hợp tác giữa Việt Nam với Viện Địa kỹ thuật Na Uy cho tỉnh Cà Mau, tốc độ sụt lún địa chất do khai thác nước ngầm ở Cà Mau là 1,9-2,8 cm/năm, tốc độ lún lớn nhất có thể lên tới 3,3 cm/năm.

Bên cạnh đó, việc thay đổi chế độ dòng chảy đến đồng bằng, đặc biệt là suy giảm dòng chảy mùa cạn; suy giảm lượng phù sa đến đồng bằng; gia tăng các điều kiện khí hậu cực đoan và thiên tai; nước biển dâng do biến đổi khí hậu; sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức và do thiếu phù sa bù đắp; gia tăng xâm nhập mặn cũng là những tác động lớn đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, sụt lún đồng bằng do thiếu phù sa bù đắp là nguy cơ lâu dài và nghiêm trọng nhất…

Đáng chú ý, theo nghiên cứu của một số tổ chức quốc tế, trong vòng 25 năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long từ vùng đất ổn định đã rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm tích, “đói” phù sa, gia tăng biên độ thủy triều, xâm nhập mặn, gây khan hiếm nguồn nước ngọt, sụt lún và xói lở đất nghiêm trọng. Tiến sỹ Philip Minderhoud (Đại học Utrecht-Hà Lan) cho rằng nếu khai thác cát, nước ngầm “tự do” vẫn diễn ra như hiện nay thì đến năm 2100, nguy cơ vựa lúa số 1 của Việt Nam sẽ bị chìm.

Xâm thực biển, sạt lở sông đe dọa nghiêm trọng Đồng bằng sông Cửu Long . (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Những năm gần đây, sự gia tăng tốc độ sụt lún đất ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn, lũ lụt và sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Minh chứng là trong 10 năm qua, biên độ thủy triểu ở đồng bằng sông Cửu Long đã tăng tới 40% do các lòng sông sâu hơn trung bình 2-3m vì thiếu hụt trầm tích.

Nguyên nhân gây thiếu hụt trầm tích ở Đồng bằng sông Cửu Long, được tiến sỹ Minderhoud đưa ra trước tiên là do hoạt động xây dựng đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, cùng với hoạt động khai thác cát quy mô lớn ở hạ lưu đã làm tăng độ sâu của lòng sông do “đói” phù sa cũng như gây xói mòn hai bên bờ sông.

Bên cạnh đó, việc khai thác nước quá mức và xây dựng các công trình tại các vị trí xung yếu đã gây ra hiện tượng sụt lún. Hai nguyên nhân này cũng góp phần làm gia tăng triều cường. Chưa kể, sự thay đổi của thủy triều và độ sâu của các con sông cũng làm tăng thêm mức độ xâm nhập mặn Đồng bằng sông Cửu Long.

“Nghiên cứu cho thấy trước những năm 1990, Đồng bằng sông Cửu Long dường như không có sự sụt lún, nhưng những năm gần đây tốc độ sụt lún đã tăng lên rõ rệt. Khi đứng bên bờ biển, chúng ta cứ ngỡ như nước biển đang dâng lên, nhưng thực ra là do nền đất của chúng ta đang thấp xuống,” tiến sỹ Minderhoud nói.

Vị chuyên gia đến từ Đại học Utrecht-Hà Lan cũng lưu ý rằng trong vòng 10 năm qua, nguồn nước tại các dòng sông đã bị suy giảm đáng kể, lòng sông ở Đồng bằng sông Cửu Long thấp xuống đã khiến thủy triều thay đổi nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân được nhận định là do biến đổi khí hậu, băng tan. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm gần đây, từ năm 2008 đến năm 2018, việc thủy triều tăng lên rõ rệt hơn, chắc chắn không thể đổ cho biến đối khí hậu, mà do các tác động của con người.

Phân tích sâu hơn, chuyên gia Hà Lan cho biết nếu hoạt động khai thác nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì mức tăng 2% qua từng năm (ví dụ năm 2018 là 100m3, năm 2019 là 102m3), thì đến năm 2100, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chìm gần hết. “Con số 2% trên chỉ là nhận định khiêm tốn thôi, thực chất mỗi năm nguồn nước ngầm khai thác ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên 2,5%. Nếu cứ hút như hiện nay, tương lai chính người dân vùng đồng bằng này sẽ phải trả giá đắt cho chi phí xử lý nguồn nước,” tiến sỹ Minderhoud nhấn mạnh./.

Bài 4: Xoay trục phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Cần ‘đồng tâm hiệp lực’

Theo Vietnamplus.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: