Chất lượng nguồn nước mặt: Cải thiện tích cực

Đăng ngày: 11-03-2021 | Lượt xem: 3815
Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 vừa được UBND tỉnh công bố cho thấy, chất lượng nguồn nước mặt (sông, suối, hồ) trên địa bàn tỉnh đang thay đổi theo hướng tích cực, đặc biệt tại các lưu vực sông lớn như: Đồng Nai, La Ngà, Thị Vải.
Trạm quốc gia quan trắc tự động môi trường nước đặt trên sông Thị Vải, H.Long Thành. Ảnh: H.LỘC
Trạm quốc gia quan trắc tự động môi trường nước đặt trên sông Thị Vải, H.Long Thành. Ảnh: H.LỘC

Các sông, suối từng gần như bị "bức tử" do chất thải công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã hồi sinh tích cực, có kết quả quan trắc đạt quy chuẩn cho phép. Đây là tín hiệu vui sau nhiều nỗ lực của tỉnh trong việc kiểm soát ô nhiễm nguồn nước.

* Chuyển biến tốt

Theo bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, hiện toàn tỉnh có 166 vị trí quan trắc nước mặt và 155 công trình quan trắc chất lượng nước dưới đất. Trong giai đoạn 2016-2020, ngành chức năng đã thực hiện quan trắc nước mặt tại 18 sông, 55 suối, 20 hồ với 168 vị trí. Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nguồn nước mặt tại các sông, suối, hồ ổn định và đang có chuyển biến tích cực qua các năm. Một số khu vực ô nhiễm nặng trong giai đoạn 2010-2015 đã được khắc phục.

Cụ thể, 8 vị trí quan trắc tại khu vực lấy nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp đều cho kết quả tốt, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, trừ vị trí sông Đồng Môn gần Nhà máy Nước Formosa (của Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa, H.Nhơn Trạch) chất lượng nước một số thời điểm bị ô nhiễm hữu cơ. Tại các điểm quan trắc ở khu vực nuôi trồng thủy sản trên sông (thuộc các huyện: Nhơn Trạch, Tân Phú) đa phần cho kết quả tốt, phù hợp nuôi thủy sản; riêng khu vực nuôi cá bè trên sông (La Ngà, H.Định Quán và Tân Mai, TP.Biên Hòa) nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ.

Tại khu vực giáp ranh với các tỉnh (Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận) và 12 tiểu lưu vực sông, mạng lưới quan trắc ghi nhận chất lượng nước có cải thiện nhưng không ổn định. Vào mùa mưa hàm lượng chất rắn lơ lửng, vi khuẩn, độ đục tăng. Ở một số sông nhỏ, suối phát hiện kim loại nặng và các chất độc hại.

Ông Nguyễn Tỉnh (xã Phước Thái, H.Long Thành), người nuôi cá trên sông Thị Vải từ năm 2011 chia sẻ, những năm gần đây tình trạng cá chết hàng loạt do ô nhiễm nguồn nước giảm đáng kể. Người nuôi cá lồng trên sông có thu nhập ổn định vì tận dụng được nguồn thức ăn trong tự nhiên. Vào mùa khô, nuôi cá thuận lợi vì nước ít biến động, độ mặn ổn định.

Chất lượng nước sông Thị Vải (đoạn qua địa phận H.Long Thành) có chuyển biến tích cực. Ảnh: H.LỘC
Chất lượng nước sông Thị Vải (đoạn qua địa phận H.Long Thành) có chuyển biến tích cực. Ảnh: H.LỘC

Ông Vương Đình Minh, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư và thương mại 407 cho biết, đơn vị đang lấy nước thô từ hồ Đa Tôn về Nhà máy Cấp nước sạch Thanh Sơn (H.Tân Phú) xử lý cho mục đích sinh hoạt, công suất 10 ngàn m3/ngày. Qua phân tích cho thấy, chất lượng nguồn nước ở hồ Đa Tôn khá tốt, trữ lượng dồi dào. Người dân sử dụng nước sạch của nhà máy phản hồi tích cực. Thời gian tới, công ty nâng công suất xử lý lên 20 ngàn m3/ngày đêm để cung cấp đủ nước sạch cho các hộ gia đình thuộc 4 xã: Thanh Sơn, Phú Lâm, Phú Xuân, Phú Thanh và một phần TT.Tân Phú, các cơ quan hành chính, bệnh viện, trường học và Khu công nghiệp Tân Phú.

* Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước mặt

Đồng Nai có nguồn nước mặt dồi dào với gần 250 sông, suối và 123 công trình thủy lợi (hồ, đập, trạm bơm, kênh ngăn mặn). Trong đó có lưu vực sông Đồng Nai là một trong 3 lưu vực sông lớn của cả nước. Việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước mặt có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp của tỉnh, các tỉnh lân cận cả vùng hạ du thuộc lưu vực sông Đồng Nai (gồm 11 tỉnh, thành) hiện tại lẫn tương lai.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, những nỗ lực của tỉnh trong kiểm soát chất lượng nguồn nước đã và đang mang lại tín hiệu tích cực trên các sông, suối, hồ. Kết quả quan trắc môi trường nước mặt giai đoạn 2016-2020 cho thấy, chất lượng nguồn nước ở các khu vực cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và các lưu vực sông lớn ổn định, hầu hết đều đạt quy chuẩn của Bộ TN-MT và đang có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kết quả quan trắc hằng năm cho thấy chất lượng nguồn nước mặt chưa ổn định. Nhiều nơi, nhiều thời điểm ghi nhận chất lượng nước có thành phần kim loại nặng, yếu tố độc hại. Do đó, các ngành chức năng như: môi trường, nông nghiệp, các địa phương, đơn vị quản lý rừng cần tăng cường kiểm soát nguồn nước thải, chất thải thải ra sông, suối, hồ.

Lãnh đạo Sở TN-MT cho biết, các giải pháp mà tỉnh đang tiếp tục thực hiện để bảo vệ và cải thiện chất lượng nguồn nước mặt là: nỗ lực kiểm soát nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản; tiếp tục tham mưu tỉnh hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, phòng ngừa. Đầu tư các trạm xử lý nước thải sinh hoạt và hệ thống thoát nước tại các đô thị. Đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ra khỏi nội ô. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các địa phương thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, các tỉnh lân cận trong bảo vệ nguồn nước và ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; thực hiện 12 nhóm dự án liên quan đến bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai.

Sự phát triển nhanh về công nghiệp hóa, đô thị hóa và gia tăng dân số đã gây ra nhiều sức ép cho môi trường, đặc biệt là tài nguyên nước. Mặc dù có chiều hướng tích cực nhưng chất lượng nguồn nước mặt được đánh giá dễ biến động. Đồng Nai hiện mới cơ bản kiểm soát được nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, khoảng 98% lượng nước thải sinh hoạt đô thị (hơn 285 ngàn m3/ngày) chưa được xử lý, quá trình mời gọi đầu tư dự án xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn. Một số khu vực nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi chưa, chậm di dời theo yêu cầu của ngành chức năng. Do đó, các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra phải thực hiện thường xuyên, liên tục.

Theo baodongnai.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: