Dự kiến dành 610.000 tỷ đồng bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước

Đăng ngày: 17-09-2021 | Lượt xem: 2185
An ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nhanh và bền vững đất nước, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, cải thiện môi trường, ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh.

Yêu cầu tất yếu khách quan

Chiều 16/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chia sẻ sự cần thiết xây dựng Đề án, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nước đã trở thành tài nguyên chiến lược thứ hai sau tài nguyên con người nhưng đang suy thoái trầm trọng. Đến năm 2025, ước tính có 1,8 tỷ người sẽ sống ở các khu vực hoặc quốc gia khan hiếm nước, đến năm 2030 gần 50% dân số nằm trong vùng căng thẳng cao về nước.

Trong thời gian vừa qua, nhà nước đã đầu tư và có nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước (ANNN) và an toàn đập, hồ chứa nước nhưng chúng ta đang đứng trước nhiều vấn đề đặt ra với ANNN và an toàn đập, hồ chứa nước.

Theo ông Lê Minh Hoan, nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia, sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ chiếm tới 63%. Trong các năm gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn đã, đang đẩy mạnh việc xây dựng công trình thủy điện, gia tăng khai thác, sử dụng nước, chuyển nước trên lưu vực sông Mê Công và sông Hồng gây ô nhiễm, thiếu hụt phù sa về hạ lưu tác động đến hệ sinh thái, suy thoái nguồn nước của nước ta, trong khi đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước.

Hiện cả nước có 7.808 đập, hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3, trong đó: 6.750 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3; 466 hồ thủy điện với tổng dung tích trữ 56 tỷ m3. “Nguồn nhân lực quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước ở địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác bảo trì chưa được quan tâm thường xuyên nên công trình bị hư hỏng, xuống cấp, suy giảm công năng phục vụ và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn” - ông Lê Minh Hoan cho hay.

Bên cạnh đó, công trình khai thác nguồn nước được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, khó thay đổi công năng đáp ứng cho sản xuất quy mô lớn. Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn nước cùng với tác động của phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng dân số đô thị, sẽ là thách thức lớn trong việc bảo đảm an toàn cấp nước...

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng nhu cầu nước hàng năm hiện nay khoảng 101 tỷ m3, dự báo đến năm 2030 cần khoảng 111 tỷ m3, năm 2045 khoảng 130 tỷ m3 (nông nghiệp khoảng 83-85%, sinh hoạt 2-3%, công nghiệp 5-6%, môi trường 8-9%). Nông nghiệp vẫn là ngành sử dụng nước nhiều nhất trong tương lai nhưng nhu cầu sử dụng nước tăng ít hơn so với công nghiệp (tăng 160%), và đô thị (tăng 85%).

“Để đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa nước ta thành nước phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng với những phân tích trên thì rõ ràng đảm bảo ANNN và an toàn đập, hồ chứa nước là chìa khóa then chốt” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu.

Đảm bảo cân đối đủ nguồn nước phục vụ cho các ngành kinh tế

Khẳng định việc xây dựng Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước nhằm đưa ra định hướng chiến lược, giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài là hết sức cần thiết và cấp bách, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, mục tiêu chung của đề án nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; giảm phụ thuộc vào các nguồn nước từ bên ngoài lãnh thổ.

Ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe, đời sống, sản xuất của người dân. Bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước quan trọng; chủ động ứng phó khi có sự cố, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; chủ động tích, trữ, điều hòa nguồn nước.

Trong đó, mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, đảm bảo cân đối đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng; đầu tư xây dựng các hồ chứa nước lớn, hệ thống chuyển nước liên vùng; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ.

Đáng chú ý, 100% dân cư thành thị, 65% dân số nông thôn, 100% các đảo có đông dân cư được cấp nước sạch đạt quy chuẩn; 30% diện tích cây trồng được thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và tưới tiết kiệm nước; 98% khu công nghiệp, khu chế xuất, 80% tổng lượng nước thải các làng nghề có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm tiêu chuẩn; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng được xử lý; kiểm soát 100% các nguồn thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi..

Đến năm 2045, hoàn thành xây dựng các công trình lớn điều tiết mặn, ngọt, dâng nước, trữ nước trên các hệ thống sông, hoàn thành xây dựng các hồ chứa nước lớn; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; 70% diện tích cây trồng được thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và tưới tiết kiệm nước; cơ bản 100% các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt được xử lý, phục hồi; 100% các cơ sở khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi cả nước được kiểm soát, áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước…

Theo tính toán của Chính phủ, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện giai đoạn 2021-2030 dự kiến khoảng 610.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 200.000 tỷ đồng, địa phương và xã hội hóa 410.000 tỷ đồng. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách Trung ương 80.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương và xã hội hóa 168.800 tỷ đồng. Sang giai đoạn 2026-2030, ngân sách Trung ương 120.000 tỷ đồng, địa phương và xã hội hóa 241.200 tỷ đồng.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhận định, việc xây dựng Đề án là hết sức cấp bách bởi an ninh nước là vấn đề mang tính toàn cầu, được nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế hết sức quan tâm. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nước do yếu tố tự nhiên, trước áp lực gia tăng dân số, thách thức của quá trình đô thị hóa và tác động của biến đổi khí hậu. Hơn nữa, bảo đảm an ninh nước cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đối với các vùng ven biển của đất nước ta.

Thường trực Ủy ban nhận thấy, Đề án được chuẩn bị tương đối công phu, đã thể chế chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước; việc soạn thảo, xin ý kiến, tiếp thu hoàn thiện Đề án đã bám sát và thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật. “Thường trực Ủy ban kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình Quốc hội xem xét đề án và thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV” - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nói.

Theo báo Công Thương

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: