Hơn 200 ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT

Đăng ngày: 04-08-2021 | Lượt xem: 2394
(TN&MT) - Tính đến ngày 29/7, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã ghi nhận được 202 ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Đây là thông tin tại cuộc họp về việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và địa phương đối với dự thảo Nghị định này, vào chiều ngày 29/7, với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân.

 

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo cuộc họp

Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường và các đơn vị thuộc Tổng cục, đại diện lãnh đạo Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Viện Chiến lược Chính sách TN&MT…

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân trân trọng và đánh giá rất cao các ý kiến sâu sắc, tâm huyết từ các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đối với dự thảo Nghị định. Sau khi Bộ TN&MT tổ chức 5 Hội thảo lấy ý kiến góp ý, Thứ trưởng đã giao các nhóm chuyên môn tổng hợp các ý kiến, xem xét kỹ lưỡng các nội dung có thể tiếp thu, chỉnh sửa ngay, những ý kiến cần tiếp tục nghiên cứu và có những ý kiến cần đơn vị chức năng giải trình phù hợp.

Thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng, Tổng cục Môi trường đã khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, chuyên gia được lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định. Theo đó, 202 ý kiến được tổng hợp, gồm có: 120 ý kiến của địa phương, 10 ý kiến của các cơ quan Trung ương, 12 ý kiến của Doanh nghiệp, hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế; 20 ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ TN&MT; 40 ý kiến của các cá nhân là chuyên gia, công chức, viên chức ngành TN&MT.

Trình bày rõ về việc tiếp thu các ý kiến này, ông Nguyễn Hưng Thịnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Tổng cục đã tiếp thu các ý kiến góp ý về bố cục của Dự thảo Nghị định, theo hướng gộp các chương có nội dung tương đồng, có tính liên tục thành 1 chương (như Chương về đánh giá môi trường chiến lược, phân vùng môi trường, đánh giá tác động môi trường với Chương về giấy phép môi trường, đăng ký môi trường); đồng thời có thể tách chương đang có số lượng điều khoản lớn thành các chương nhỏ với các nhóm điều tương đồng về mặt nội dung, như Chương về công cụ kinh tế và nguồn lực BVMT.

Về các nội dung cụ thể, ông Nguyễn Hưng Thịnh thông tin, có nhiều các góp ý về bảo vệ các thành phần môi trường, phân vùng môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường…Theo đó, nhiều địa phương cho rằng, theo Dự thảo Nghị định thì UBND cấp tỉnh phải ban hành nhiều kế hoạch như: Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt sông, hồ nội tỉnh; Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh;…Trong khi việc thực hiện các kế hoạch này cần có nguồn ngân sách để tổ chức thực hiện và phải thông qua Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Do đó, đề nghị nghiên cứu xem xét phương án tùy thuộc vào đặc điểm của từng tỉnh có thể xây dựng 1 kế hoạch chung. Đối với nội dung này, Tổng cục cho biết, cần phối hợp với các đơn vị để đưa ra quy định phù hợp với Luật BVMT 2020.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị đối với một số sông liên tỉnh nhưng phần lớn lưu vực nằm trên địa bàn 1 tỉnh, chỉ một phần nhỏ nằm ở địa bàn tỉnh khác thì nên giao địa phương lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường để tăng cường hơn nữa tính chủ động của địa phương. Tổng cục Môi trường nhận thấy ý kiến góp ý nêu trên là phù hợp với thực tiễn, tùy vào điều kiện đặc thù của từng sông, hồ liên tỉnh, việc lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt có thể giao địa phương lập, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

 

Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến

Về quản lý phân vùng môi trường, có ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung yêu cầu về quan trắc online đối với nguồn thải, chất thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt để phù hợp với quy định về quan trắc online trong Dự thảo Nghị định. “Sau khi nghiên cứu ý kiến nêu, Tổng cục Môi trường đề xuất tiếp thu theo hướng bổ sung các quy định cụ thể về quy mô xả thải phải lắp đặt quan trắc online, đối tượng áp dụng BAT tương ứng với các phân vùng môi trường quy định tại chương có liên quan về quan trắc môi trường và BAT trong Dự thảo Nghị định”, ông Thịnh nói.

Về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), một số ý kiến đề nghị giảm thời gian đăng tải báo cáo ĐTM trong quá trình tham vấn ý kiến từ 30 ngày xuống 15 ngày; giảm thời gian quy định hiệu lực thông báo kết quả thẩm định báo cáo ĐTM từ 24 tháng xuống còn 12 tháng; Tổng cục Môi trường có thể xem xét, tiếp thu.

Về Giấy phép môi trường, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định UBND cấp tỉnh/huyện ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường trực thuộc thành lập Hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra cấp GPMT. Trước ý kiến này, Tổng cục Môi trường đề xuất không tiếp thu, bổ sung quy định này trong Dự thảo Nghị định vì việc ủy quyền do UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và pháp luật khác có liên quan. Cùng với đó, Tổng cục cũng sẽ chỉnh lý nội dung báo cáo đề xuất cấp GPMT, tránh phức tạp cho doanh nghiệp…

Ngoài ra, các ý kiến khác như quản lý chất thải, quan trắc môi trường, công khai thông tin môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường, thanh tra, kiểm tra…đều được Tổng cục Môi trường tiếp nhận, tiếp thu và giải trình đầy đủ.

Về phía Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, ông Mai Thế Toản – Phó Viện trưởng cũng cho biết thêm, đơn vị đã tiếp thu và bổ sung một số quy định về chi trả dịch vụ hệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn, công nghiệp môi trường, tín dụng xanh, trái phiếu xanh…

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường với vai là đơn vị đầu mối tổng hợp, phải tiếp thu tối đa các ý kiến, làm rõ những nội dung được tiếp thu, chỉnh sửa, giải trình cụ thể, dựa trên nguyên tắc đảm bảo nội dung của Nghị định phải bám sát tinh thần của Luật. Đồng thời, phải thống nhất, đồng bộ với các văn bản Luật khác, phù hợp với các Công ước quốc tế và điều kiện của Việt Nam.

“Nghị định cần kế thừa những quy định đã và đang được áp dụng phù hợp với thực tiễn, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập; đồng thời thiết lập các quy định đảm bảo đầy đủ, chi tiết, khả thi, thực sự cải cách thủ tục hành chính”./.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: