Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua,do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tình trạng mưa lớn kéo dài tại một số tỉnh khu vực miền Trung. Đáng chú ý, địa bàn một số huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An xảy ra hiện tượng sạt lở đất, khiến một số tuyến đường giao thông bị hư hỏng, chia cắt một số bản, song không bị thiệt hại về người. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, trên tinh thần chủ động dự báo, đưa ra các phương án ứng phó, nhất là sự tham mưu, đề xuất kịp thời kết hợp với sự huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị Quân đội trên địa bàn, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã kịp thời được thông tin và được di dời đến nơi an toàn nhanh chóng, may mắn không gây thiệt hại nhiều.
Được biết, trước khi mưa lớn xảy ra, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Mường Lát và các Đội sản xuất của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KTQP) 5 đã tăng cường vận động, tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức cho người dân và khảo sát, di dời các hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn. Cùng với tăng cường vận động, tuyên truyền, cảnh báo, LLVT huyện Mường Lát và Đoàn KT-QP 5 đã khảo sát toàn bộ các hộ dân ở khu vực sườn núi, ven sông suối, xác định cụ thể phương án di dời gồm lực lượng, cách thức, phương tiện, đường hướng cơ động, vị trí tránh trú… Các đơn vị đã bố trí, sắp xếp, dồn dịch nơi ở của bộ đội để làm nơi ở cho người dân để khi có tình huống sẽ kiên quyết di dời, thậm chí cưỡng chế người dân đến ở trong doanh trại. Đại tá Hoàng Văn Sơn, Chính ủy Đoàn KT-QP 5 cho biết, từ kinh nghiệm những đợt mưa lũ, đơn vị nhận thấy, sông Mã đoạn chảy qua địa bàn là một trong những vị trí tụ thủy, mỗi khi nước sông dâng cao dễ tạo thành dòng xoáy gây sạt lở tuyến Quốc lộ 15C. Đoàn đã tiến hành khảo sát, xác định phương án sơ tán, đảm bảo cho khoảng 300-400 người dân đến ăn ở, sinh hoạt trong vòng 1 tuần. Hiện doanh trại đơn vị có 6 vị trí nguy cơ sạt lở cao, cơ bản đã khắc phục được một số vị trí an toàn; đồng thời đang tiếp tục lên phương án đầu tư, nâng cấp thêm.
Cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 337 tuyên truyền, cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cho đồng bào Vân Kiều ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Trở lại Đoàn KT-QP 337 tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, một trong những “điểm nóng” về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất năm 2020. Những dấu vết nham nhở của từng mảng núi bị sạt lở năm trước, cùng với đó nhiều sườn đồi, đỉnh núi bị bạt phẳng để làm các dự án điện gió khiến nguy cơ cao sạt lở đất càng hiện hữu. Theo Đại tá Uông Đình Tân, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 337 cho biết, sau sự cố sạt lở núi gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản vào tháng 10/2020, đơn vị được Quân khu, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện bố trí nhiều vị trí an toàn trên địa bàn huyện để làm sở chỉ huy. Vị trí đơn vị lựa chọn luôn bảo đảm vừa an toàn, vừa gần dân.
Đề cập đến công tác bảo đảm an toàn doanh trại, Đại tá Uông Đình Tân cho biết, sau khi khảo sát hết các vị trí có nguy cơ sạt lở, Đoàn đã đề nghị trên cấp kinh phí và tổ chức xây bờ kè đá. Tới nay, vị trí đóng quân của một số Đội sản xuất và Công ty xây dựng của đơn vị đã xây dựng các đoạn bờ kè bằng bê tông bao bọc doanh trại. Cùng với đó, các đơn vị của Đoàn xác định đường cơ động, vị trí sơ tán, tổ chức phát quang, san ủi bằng phẳng làm nơi trú quân khi xảy ra mưa lớn. Không chỉ chủ động các phương án bảo đảm an toàn cho đơn vị mà thời điểm này, bộ đội Đoàn 337 còn chủ động khảo sát địa bàn, xác định các địa điểm có thể dẫn đến nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để tuyên truyền cho bà con nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Còn tại tỉnh Nghệ An, khi có thông báo áp thấp nhiệt đới, Ban CHQS huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã đến thị sát các vị trí có nguy cơ cao sạt lở núi tại khu vực núi Rày thuộc xã Hưng Yên Nam. Đây là dãy núi mà tháng 10/2020 đã xuất hiện nhiều đường nứt lớn, dài dọc theo triền núi, ngay phía trên nhà của 40 hộ dân với hơn 130 người. Hiện nay, 100% hộ dân ký cam kết khi có lệnh sẽ sơ tán đến nơi an toàn.
Tương tự tại Kho K41 thuộc Kho K2, Cục Kỹ thuật Quân khu vừa chuyển đến đóng quân ở xã Thanh Lâm, Thanh Chương, Nghệ An cũng đối mặt với nguy cơ sạt lở cao. Ngọn núi phía sau nhà chỉ huy cao và dốc, chân núi bị tác động bởi quá trình bạt núi, đào đắp, san ủi làm móng nhà nên dễ gây ra sạt lở. Đề cập đến vấn đề trên, chỉ huy Kho 41 cho biết, khi mưa lớn, dài ngày, đơn vị đã có phương án sơ tán bộ đội đến nhà ăn của đơn vị.
Tại nơi ở mới của các hộ dân bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện cho biết, tháng 10/2020, sạt lở đất đã phá hủy gần như toàn bộ doanh trại Đồn biên phòng Cha Lo và quốc lộ 12A. Rất may, 34 hộ dân với hơn 130 nhân khẩu của bản Cha Lo đã được chính quyền và LLVT huyện di dời khẩn cấp. Nếu không có sự cảnh báo nhanh nhạy của LLVT huyện thì có thể đã có những hậu quả đau lòng. Đây là bài học kinh nghiệm trong việc dự báo tình hình và thực hiện quyết liệt việc di dân.
Có thể thấy, trước mùa mưa lũ năm 2021, LLVT Quân khu 4 đã chủ động các phương án đối phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất nhưng vì nhiều vụ xảy ra ở địa bàn ổn định hàng chục năm nay với cường độ kinh hoàng như ở thủy điện Rào Trăng 3 hay Đoàn KT-QP 337 thì ít người nghĩ tới, dẫn đến việc ứng phó còn bị động, thiệt hại là điều không thể tránh khỏi.
Trước hết, sự bị động ấy bắt nguồn từ việc cơ quan chức năng chưa có đủ kịch bản cho từng loại hình, từng cấp độ sạt lở đất để phổ biến cho từng địa phương, cơ quan, tổ chức và Nhân dân. Bởi vậy, việc cần làm ngay khi mùa mưa bão năm nay đang đến gần là các cơ quan phòng, chống thiên tai, trong đó có LLVT Quân khu 4 phải nắm chắc địa bàn, dự báo sát đúng, xây dựng được hệ thống các kịch bản đối với từng cấp độ sạt lở đất, các biện pháp ứng phó tương ứng với từng kịch bản, nhằm giảm thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất./.
Theo Báo Đảng Cộng sản