Theo đó mục đích của Quyết định là tập trung ngăn ngừa, hạn chế mức độ ảnh hưởng của thiên tai đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đóng góp vào việc nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương cũng như cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng cục quản lý thị trường, các Vụ, Cục, Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện, doanh nghiệp, Sở Công Thương... trong việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ các tác động của thiên tai lên các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và theo lĩnh vực hoạt động của đơn vị mình phụ trách.
Ngành điện nỗ lực phòng chống thiên tai (Ảnh minh hoạ)
Bảo đảm cung cấp điện, vận hành an toàn hồ chứa thủy điện
Đối với công tác chỉ đạo, điều hành bảo đảm cung cấp điện, xử lý hệ thống điện. Cụ thể về an toàn cho nguồn điện, lưới điện, cơ sở công nghiệp Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ: Thực hiện kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị; hệ thống chống sét và tiếp đất; kho chứa và hệ thống vận chuyển nhiên liệu; hệ thống thải, chứa tro xỉ; hệ thống bơm làm mát trước mùa mưa lũ đảm bảo vận hành an toàn và đảm bảo môi trường.
Kiểm tra, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết trên lưới điện thuộc phạm vi quản lý trước mùa mưa lũ hàng năm; Tăng cường các giải pháp nhằm vận hành an toàn các đường dây 220 kV, 500 kV, đặc biệt là đường dây 500 kV Bắc - Nam.
Tổng kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện (đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu, các cột điện ở triền dốc, bờ sông, ...), đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong mùa mưa lũ…
Trên cơ sở đó, xây dựng phương án cấp điện cho các phụ tải quan trọng, phương án dự phòng nhiên liệu đảm bảo cho sản xuất khi có thiên tai xảy ra. “Tổ chức diễn tập các tình huống trong phòng chống thiên tai, đặc biệt tình huống bị ngập lụt, úng, địa bàn bị chia cắt và các tình huống đối với trung tâm điều khiển xa, trạm biến áp không người trực” - Quyết định nêu rõ.
Xây dựng và triển khai phương án cung cấp điện cho các hoạt động phòng chống thiên tai ở Trung ương và địa phương. Chủ động làm việc với các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan tại địa phương và cơ quan thông tin đại chúng trong công tác phối hợp PCTT&TKCN.
Đối với công tác chỉ đạo vận hành hồ chứa thủy điện, cần tăng cường công tác cảnh báo trước khi vận hành xả lũ, phát điện đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ du. Kiểm tra, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết của đập, thiết bị vận hành đập trước mùa mưa lũ hàng năm. Lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, tính toán xả lũ phục vụ vận hành hồ chứa thủy điện an toàn, hiệu quả.
Quyết định cũng yêu cầu, xây dựng các phương án đảm bảo an toàn công trình, an toàn cho vùng hạ du và biện pháp ứng phó khi xả lũ khẩn cấp. Theo đó, rà soát, triển khai thực hiện đúng, đầy đủ quy định tại Nghị định số 114/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 8/7/2019 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện, trong đó lưu ý công tác kiểm tra, đánh giá an toàn đập trước mùa mưa lũ, cập nhật bổ sung phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các chủ đập, hồ chứa nước có liên quan thực hiện vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; đặc biệt là khi vận hành xả lũ.
Chủ động đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ đạo TW về PCTT, các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương trong công tác điều hành xả lũ hồ chứa theo quy trình liên hồ/ đơn hồ.
Chủ động cung ứng hàng hóa trong mùa mưa bão
Liên quan đến việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, bình ổn giá trong mùa mưa bão, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao nhiệm vụ cho Vụ Thị trường trong nước hướng dẫn, yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có báo cáo và xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai. Trên cơ sở báo cáo của địa phương gửi, Vụ Thị trường trong nước đã tổng hợp báo cáo và kế hoạch của các tỉnh về việc dự trữ hàng hóa thiết yếu mùa bão lũ.
Trước, trong và sau thiên tai, Vụ Thị trường trong nước bám sát diễn biến thiên tai tại các tỉnh, kịp thời thông tin đến các thành viên Văn phòng thường trực, thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương về tình hình thiệt hại, tác động đến hoạt động lưu thông các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, nhanh chóng đôn đốc các cơ sở thuộc phạm vi quản lý chuẩn bị công tác ứng phó thiên tai. Đồng thời, thường trực lên phương án trực tiếp điều tiết các mặt hàng thiết yếu giữa các địa phương khu vực bị ảnh hưởng thiên tai, đảm bảo phục vụ nhu cầu cơ bản của người dân trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, Vụ Thị trường trong nước tích cực tham gia các đoàn kiểm tra về phòng chống thiên tai do Ban Chỉ huy PCTT &TKCN Bộ Công Thương chủ trì. Trong quá trình kiểm tra, đại diện của Vụ đã đóng góp ý kiến thiết thực giúp các địa phương, doanh nghiệp xây dựng phương án ứng phó thiên tai, đáp ứng đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Hàng năm, Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị ngành công thương trên địa bàn lập kế hoạch dự trữ, phương án cung cấp hàng hóa, vật tư thiết yếu đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời cho mọi nhu cầu sử dụng, đặc biệt các vùng bị chia cắt do thiên tai.
Nhìn chung, trong nhiều năm qua, lượng hàng hóa luôn dự trữ đủ, sẵn sàng cung cấp khi có nhu cầu. Song song với công tác dự trữ, Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước tăng cường công tác quản lý thị trường, không để tăng giá, khan hiếm hàng hóa trong các đợt thiên tai; lập phương án sẵn sàng cung cấp hàng hóa dự trữ khi cần, đặc biệt chú trọng khu vực dễ bị chia cắt do lũ, sạt lở đất...
Ngoài ra, công tác PCTT thường xuyên được Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, Ngành và các cấp chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện, đã từng bước chuyển từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình, việc phối hợp thực hiện giữa các Bộ, ngành và các địa phương đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Qua đó đã đạt được những kết quả tích cực, từ hoàn thiện thể chế, chính sách, kiện toàn bộ máy, ứng dụng khoa học công nghệ, đến việc xây dựng và thực hiện phương án ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra và nâng cao khả năng phối hợp và hỗ trợ của các lực lượng và chính quyền các cấp nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo phát triển bền vững.
Tại Quyết định cũng đề cập đến công tác truyền thông, cụ thể là phương án truyền thông của của Báo Công Thương tập trung vào các nội dung: Triển khai các bài viết mang tính thời sự/sự kiện bám sát vào các kế hoạch triển khai về công tác ứng phó thiên tai của Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp và đơn vị của ngành công thương trên báo in và điện tử; Xây dựng chuyên trang tuyên truyền về công tác ứng phó thiên tai, các điển hình trong việc triển khai các hoạt động, hành động cụ thể nhằm ứng phó thiên tai; Xây dựng talkshow về công tác triển khai ứng phó thiên tai của ngành công thương, chia sẻ kinh nghiệm những cách làm hay tại các đơn vị; Xây dựng các phim phóng sự về công tác PCTT tại các lĩnh vực sản xuất của ngành công thương.
Trong quá trình thực hiện Quyết định phê duyệt phương án ứng phó thiên tai của Bộ Công Thương, nếu có khó khăn, vướng mắc yêu cầu các đơn vị báo cáo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh, bổ sung phương án cho phù hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Theo congthuong.vn