Năm 2020, tình hình thời tiết, thiên tai có diễn biến phức tạp và không tuân theo quy luật hàng năm, đây là năm có số lượng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và lượng mưa đạt kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây với 14 cơn bão và 02 áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt từ đầu tháng 10 đến trung tuần tháng 11 năm 2020, thiên tai, bão, lũ liên tiếp xảy ra gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, nặng nề đối với các tỉnh duyên hải miền Trung từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và các chuyên gia, năm 2021 được dự báo là năm thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường và có chiều hướng cực đoan hơn. Mùa mưa bão năm nay dự báo sẽ đến sớm, đầu mùa từ tháng 6-8 tập trung tại khu vực Bắc và giữa biển Đông, khu Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng. Từ tháng 9 bão sẽ hoạt động nhiều hơn khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ kéo dài xuống phía Nam. Mưa lớn dự báo tập trung khu vực Bắc Bộ từ tháng 8-9, từ tháng 9-11 tập trung khu vực Trung Bộ.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty và các đơn vị trực thuộc Bộ, Tổng Công ty Đông Bắc (sau đây gọi tắt là các đơn vị) tập trung triển khai thực hiện các nội dung sau:Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN); tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp nâng cao nhận thức về những nguy cơ, hiểm họa do thiên tai gây ra và trách nhiệm của các cá nhân và tập thể trong công tác PCTT & TKCN tại đơn vị. Rà soát, cập nhật bổ sung, hiệu chỉnh phương án PCTT, TKCN phù hợp với đặc thù của đơn vị đối với tất cả hình thái thiên tai có thể xảy ra.
Kiện toàn tổ chức, lực lượng; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó thiên tai với hiệu quả cao nhất; tổ chức diễn tập các phương án ứng phó đối với các tình huống thiên tai cơ bản để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai. Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, giữa các đơn vị với địa phương để thống nhất chỉ huy, điều hành và phát huy hiệu quả cao nhất về nguồn lực của các đơn vị trong quá trình ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố.
Tiếp tục rà soát, lồng ghép nội dung PCTT, TKCN vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng thiết kế, xây dựng các công trình để bảo đảm an toàn cho công trình, cho cộng đồng đối với các hình thái thiên tai.
Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đợt thiên tai và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định; bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt.
Tạp chí KTTV tổng hợp