Cần nêu cao cảnh giác, làm tốt công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai

Đăng ngày: 16-09-2020 | Lượt xem: 1647
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp ngày 1/9 về công tác phòng, chống thiên tai và xử lý một số vấn đề cấp bách phát sinh.

Nước chảy cắt ngang đập tràn trên tỉnh lộ 310 đoạn giáp ranh xã Thiện Kế và thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), ngày 13/9. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Theo thông báo Kết luận, Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia chịu tác động của nhiều loại thiên tai. Từ đầu năm 2020 đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng, bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc, sét, mưa đá, động đất liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân tại nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ.

Trước dự báo, tình hình thiên tai, bão, lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường, những tháng cuối năm có thể xảy ra lũ muộn ở Bắc Bộ, lũ lớn tại khu vực Nam Trung Bộ, bão mạnh trên biển, trong đó một số cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan, cần nêu cao cảnh giác, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, làm tốt công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai với mục tiêu giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; các bộ, ngành có liên quan và các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”; phòng, chống thiên tai bắt đầu từ cộng đồng, từ cơ sở là chính.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và UBND cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện; tổ chức giám sát, vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa nước, nhất là hệ thống hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà, hồ chứa có dung tích lớn, hồ đập xung yếu, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn; tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, thông tin vận hành xả lũ, cảnh báo xả lũ đảm bảo an toàn vùng hạ du.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo, đôn đốc bổ sung, cập nhật các phương án cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là phương án ứng phó với tình huống mưa lũ lớn kéo dài, diện rộng, thiên tai, sự cố xảy ra tại vùng sâu, vùng xa; phối hợp các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp với lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành và các lực lượng khác của địa phương triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, các ngành liên quan và các địa phương tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, trong đó cần huy động các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa, ngoài ngân sách để tập trung đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát thiên tai, trước hết là tăng mật độ các trạm đo mưa nhằm nâng cao chất lượng dự báo mưa lũ.

Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố tổ chức tổng rà soát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư để chủ động tổ chức di dời, sơ tán, bảo đảm an toàn khi có thiên tai; kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng để kịp thời sửa chữa, khắc phục và có phương án bảo đảm an toàn; rà soát phương án ứng phó thiên tai, trong đó cập nhật kịch bản ứng phó tình huống xảy ra bão mạnh, mưa lớn kéo dài nhiều ngày trên địa bàn, phương án sơ tán dân cư để vừa bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai, vừa bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục đầu tư hỗ trợ trang thiết bị, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai, trong đó các địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương, bao gồm cả nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự phòng ngân sách địa phương, quỹ phòng chống thiên tai và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện một số nhiệm vụ phòng, chống thiên tai cấp bách.

Thủ tướng giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xem xét tổng hợp, cân đối, đề xuất bố trí nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định để hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh hậu quả thiên tai và thực hiện một số nhiệm vụ phòng, chống thiên tai cấp bách, xử lý khẩn cấp một số trọng điểm đê điều, hồ đập thủy lợi xung yếu, không đảm bảo an toàn chống lũ, nguy cơ cao xảy ra sự cố.

Về tình hình động đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua, Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các cơ quan liên quan và chủ các hồ đập thủy điện có kế hoạch đo đạc, kiểm tra địa chấn và tác động tới các hồ thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình... không để bị động, bất ngờ, xảy ra sự cố.

Cũng trong Kết luận, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến về hỗ trợ khắc phục hậu quả dông lốc, mưa đá xảy ra đầu năm 2020 tại một số tỉnh miền núi phía Bắc; đề nghị xử lý sạt lở khu vực đồi Ông Tượng, tỉnh Hòa Bình; xử lý sạt lở bờ sông Đà khu vực tổ 26, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; đề nghị hỗ trợ khắc phục sạt lở khu vực kè Quy Phú, tỉnh Nam Định; đề nghị hỗ trợ một số tỉnh miền núi phía Bắc khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ quét, sạt lở từ đầu năm đến nay; đề nghị hỗ trợ xử lý cấp bách đê xung yếu, cống dưới đê bị sự cố.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: