Chủ động đối phó với thiên tai ngày càng cực đoan, dị thường

Đăng ngày: 13-01-2021 | Lượt xem: 2328
Biến đổi khí hậu đang nổi lên như một trong những thách thức lớn nhất với nhân loại, trong đó có Việt Nam, khiến các hiện tượng thời tiết, khí hậu diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường và trái quy luật, gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Chủ động đối phó với thiên tai đã trở thành vấn đề thời sự cấp bách.

Chuyển hàng cứu trợ đến cho người dân vùng lũ tại Quảng Bình tháng 10-2020

Khốc liệt, dị thường, tần suất ngày càng cao

Theo thông tin từ Văn phòng giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc (UNDDR), trong vòng 20 năm qua, trên toàn thế giới, ước tính các loại thiên tai đã tăng lên khoảng 75%, làm thiệt mạng hơn 1 triệu người và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ dân, gây thiệt hại kinh tế gần 3 nghìn tỷ USD.

Điều đáng nói là Việt Nam lại nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu mà nổi lên là các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng cao. Chỉ tính riêng trong 20 năm trở lại đây ở Việt Nam, các loại thiên tai như bão, lũ, lở đất… đã khiến hơn 13 nghìn người thiệt mạng, thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD, khoảng 60% diện tích đất và hơn 70% dân số đứng trước rủi ro hứng chịu thảm họa từ thiên tai.

Thực tế cho thấy thời tiết năm 2020 và những ngày đầu năm 2021 diễn biến đúng theo xu hướng trên. Bão, lũ, dông lốc, hạn hán, xâm nhập mặn... xảy ra khắp cả năm, từ đồng bằng đến miền núi. Thống kê của của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong năm 2020, ở nước ta đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, cụ thể: 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến 22-10 tại khu vực Trung bộ; 86 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long…

Không chỉ xuất hiện với tần suất ngày càng cao, thiên tai năm 2020 được đánh giá là có nhiều yếu tố bất thường, thậm chí là dị thường, khó lường. Đầu năm là hình thái thời tiết chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhưng cuối năm lại chịu tác động của hiện tượng La Nina. Hệ quả là nắng nóng gay gắt ngay từ đầu năm, còn bão và mưa lớn dồn dập vào cuối năm. Đặc biệt, suốt nửa tháng 10-2020, gần như ngày nào ở miền Trung cũng xuất hiện mưa to đến rất to với lượng mưa vượt so mức trung bình từ 100 - 200%, thậm chí nhiều nơi vượt tới 300 - 400%.

Những ngày đầu năm 2021, miền Bắc lại hứng chịu đợt rét tương đương với trận rét kỷ lục vào tháng 1-2016. Đặc biệt, hiện tượng băng giá, mưa tuyết liên tục xuất hiện tại nhiều vùng núi cao. Theo dự báo, trong tháng 1-2021, sẽ có khoảng 4-6 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta, khiến nền nhiệt trung bình tháng 1-2021 thấp hơn so với mức trung bình nhiều năm khoảng từ 0,5-1 độ C, khả năng xảy ra những ngày rét đậm, rét hại cũng nhiều hơn so với mức trung bình.

Thiên tai khốc liệt, cực đoan, bất thường, tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ” đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Tính đến đầu tháng 12-2020, thiên tai đã làm 288 người chết, 65 người mất tích và 876 người bị thương; 3.424 nhà sập, 333.050 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 509.793 lượt nhà bị ngập. Ngoài ra, các loại hình thiên tai cũng làm thiệt hại 196.887 ha lúa và hoa màu; 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi; hàng nghìn m đê kè, kênh mương, bờ sông, bờ biển, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế lên đến gần 36 nghìn tỷ đồng.

“4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” trong chủ động phòng chống thiên tai

Thiên tai là những hiện tượng thiên nhiên cực đoan, là sự cố bất khả kháng và có những lúc nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người. Tuy nhiên, hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai thì hoàn toàn có thể chủ động được. Là một trong những nước trên thế giới bị thiên tai đe dọa lớn nhất, nếu không chủ động phòng chống, Việt Nam sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn. Chính vì thế, công tác phòng chống thiên tai phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, vừa trước mắt, vừa lâu dài. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trong nhiệm vụ quan trọng này, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24-3-2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Chủ động, kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng chống thiên tai. Chủ động để ổn định, không bất ngờ lúng túng trước tình huống xấu. Chủ động để người dân không ai phải màn trời chiếu đất, không để ai ở lại phía sau trong thiên tai”.

Trong phòng chống thiên tai, phòng phải hơn chống. Muốn vậy, trước hết cần rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để từ đó làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó. Đặc biệt, phải chú trọng nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, phòng chống thiên tai đến chuẩn bị các kịch bản phục hồi, tái sản xuất… theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Trên cơ sở đó, các cơ quan Trung ương và địa phương gắn chiến lược phòng tránh thiên tai vào nội dung công tác quy hoạch vùng, quy hoạch ngành.

Đi vào cụ thể, mục tiêu mà Chính phủ đề ra là phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020; 100% lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng chống thiên tai, chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng chống lũ quét, sạt lở đất…

Với các loại hình thiên tai thường xảy ra như gió bão; lũ lụt; lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, trong những năm qua, chúng ta đã chủ động làm được nhiều việc để phòng ngừa, hạn chế thiệt hại. Với gió bão, chúng ta có giải pháp công trình với nhà có 3 cứng (sàn cứng, tường cứng, mái cứng) có khả năng chống sập đổ. Với lũ lụt, đã xây dựng được trên 3.200 ngôi nhà có cốt sàn trên mức đỉnh lũ để người dân có thể sống tạm 10-15 ngày. Với hình thái thiên tai khó chống nhất là lũ ống, lũ quét và sạt lở đất vì không có giải pháp công trình nhà ở nào có thể chịu được, chúng ta đang xây dựng bản đồ 1/500 hình thái thiên tai này, từ đó đưa ra những chỉ dẫn, cảnh báo phù hợp với người dân, chủ động di dời, tái định cư với những nơi nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất

Khi các giải pháp phòng ngừa thiên tai được thực hiện một cách đầy đủ, đồng bộ, khoa học, cẩn trọng, đề cao tính chủ động thích ứng, chúng ta sẽ có thể chung sống an toàn hơn với thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra với nền kinh tế.

Theo anninhthudo.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: