Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại cuộc họp
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, chiều nay 11-9, tâm bão còn cách bờ khoảng 130km, hoạt động ở cấp 9, có xu hướng di chuyển chậm. Trong 6-12 giờ tới, bão tiếp tục đi theo hướng Tây, có dấu hiệu suy yếu dần xuống còn cấp 8 trước khi đổ vào đất liền.
Tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Mưa lớn: Thừa Thiên Huế-Bình Định có mưa với lượng từ 100- 200mm
Về dự báo quốc tế, hiện nay có một số sự khác biệt nhất định, nhìn chung xu thế đi vào khu vực Trung Trung Bộ, tốc độ suy yếu khi tiến sát vào bờ. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, khu vực chịu tác động trọng tâm của bão là Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Vùng biển Từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm): cấp 8-9, giật cấp 11từ chiều nay đến trưa mai (12/9).
Khu vực ảnh hưởng trực tiếp vùng ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam: gió mạnh cấp 7, vùng ven biển cấp 8, giật cấp 10.
Từ nay đến ngày 13/9 mưa tập trung trọng tâm ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi với lượng mưa dự kiến 200-300mm; Quảng Trị, Quảng Bình lượng mưa từ 150-200mm.
Đỉnh lũ trên các sông Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum ở mức BĐ1 và trên BĐ1; các sông từ Hà Tĩnh đến Huế lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2.
Nguy cơ ngập lụt tại 40 huyện ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Một số khu vực có thể xảy ra nguy cơ ngập cục bộ, tập trung vào TP Huế, Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng.
Một số huyện ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lo ngại, cơn bão này có lượng mây rất lớn nên có nguy cơ gây mưa, ngập lụt ở miền Trung là khu vực đang có hàng ngàn ca F0, đây là thách thức lớn, do vậy các tỉnh cần thực hiện ngay:
Theo dõi sát dự báo, hạn chế tối đa di dân khi chưa cần thiết. Nếu bắt buộc phải di dân thì di dân tại chỗ là chủ yếu, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó. Thông suốt chỉ đạo điều hành, đảm bảo luồng xanh ưu tiên xe phòng chống thiên tai. Yêu cầu đưa hết các thuyền viên phải lên bờ, đảm bảo an toàn chỗ ăn ở, và test nhanh Covid 19 theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra cũng cần tổ chức test nhanh cho người dân trước khi sơ tán tránh bão. Không để người dân ở lại lồng bè nuôi trồng thủy hải sản. Sơ tán người dân tại vùng thấp trũng, nguy cơ lũ quét sạt lở đất.
Tạp chí KTTV