Chủ động ứng phó nguy cơ mưa lũ sau bão số 2

Đăng ngày: 03-08-2020 | Lượt xem: 1020
Dù bão số 2 đã tan nhưng hoàn lưu bão được nhận định sẽ tiếp tục gây mưa vừa, mưa to đến rất to tại nhiều tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thủy lợi và sản xuất nông nghiệp.

Một tuyến đường bị ngập trong bão số 2 tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Báo Đắk Lắk.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ gồm Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà vẫn dưới mực nước cho phép. Tổng dung tích còn lại đến mực nước đón lũ là 4,49 tỷ mét khối nên chưa đáng lo ngại.
Mặc dù vậy, EVN cảnh báo một số hồ chứa thủy điện tại miền Trung như: Khe Bố (Nghệ An), Hố Hô (Hà Tĩnh)… đang có dung tích trữ khá lớn. Do đó, cần theo dõi sát biến đổi mực nước để vận hành xả lũ kịp thời.
Mưa lớn những ngày tới được nhận định có thể ảnh hưởng đến 204 hồ thủy lợi đang bị hư hỏng và 115 hồ chứa đang thi công. 221 vị trí trọng điểm xung yếu đê cấp III đến cấp đặc biệt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi mưa lớn kéo dài.
Cùng với an toàn đê điều, thủy lợi, theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, tổng diện tích lúa Hè Thu, lúa Mùa tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã gieo cấy là gần 1,2 triệu hecta. Nhiều diện tích gieo cấy sớm, lúa đang chín. Chính vì vậy, nếu mưa lớn tiếp diễn có thể ảnh hưởng đến năng suất.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, từ nay đến ngày 8/8, ở Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa, với tổng lượng khoảng 200 - 350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt. Những ngày tới, trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 - 7m, hạ lưu từ 2 - 5m. Theo nhận định, 11 tỉnh, TP thuộc khu vực Bắc Bộ tiềm ẩn nguy cơ lớn xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Trước diễn biến mưa lũ kéo dài, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai tiếp tục đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, vùng trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn. Từ đó, lên phương án sơ tán người dân khỏi những khu vực nguy hiểm.
Bộ ngành, địa phương tập trung đánh giá trọng điểm đê điều xung yếu, các hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp, đang thi công; bố trí lực lượng để kịp thời xử lý sự cố ngay từ giờ đầu. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần không chủ quan, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ sau bão.
Theo kinhtedothi.vn
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: