Hà Nội: Nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai vì sự phát triển bền vững

Đăng ngày: 31-12-2019 | Lượt xem: 1261
Tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 681/QĐ-TTg ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 . Thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng và tích cực triển khai kế hoạch hành động thực hiện chương trình nghị sự 2030 trong đó có nội dung vì sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhất là trong công tác phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

Quyết định 681/QĐ-TTg đã đề ra lộ trình thực hiện cụ thể đối với một số mục tiêu phát triển bền vững qua các giai đoạn từ năm 2020 đến 2025 và 2030 như: chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai…

Hà Nội: Nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai vì sự phát triển bền vững
Về mục tiêu mục tiêu ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai, Quyết định đề ra lộ trình đến năm 2020 tỷ lệ dân số được phổ biến kiến thức về phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ rủi ro thiên tai là 70%, tăng lên 80% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.
Tại Hà Nội, trong năm 2019 công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai đã được quan tâm thực hiện. 
Theo đó, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã phối hợp Ban Tuyên giáo; các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các cơ quan thông tấn, báo chí liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn và nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tới người dân với nhiều hình thức và nội dung, cụ thể: 
Một là, tổ chức Hội nghị tuyên truyền công tác phòng, chống thiên tai tới các xã, phường, thị trấn năm 2019. Qua đó, chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tránh tư tưởng chủ quan của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai và TKCN; đảm bảo nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” và kiên quyết xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn.
Hai là, tổ chức hội nghị thông tin báo chí Thành ủy về công tác phòng, chống thiên tai. 
Ba là, tham gia lớp tập huấn cho lực lượng quản lý đê do Tổng cục phòng, chống thiên tai tổ chức. 
Bốn là, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức các hội nghị tuyên truyền công tác PCTT đến các đối tượng trên địa bàn Thành phố. 
Năm là, đăng các tin, bài tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác như phát loa, in băng zôn, tờ rơi, tổ chức các buổi hội thoại tuyên truyền tới nhân dân về công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Sáu là, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn Thành phố.
Bảy là, các sở, ban, ngành phối hợp với quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, tin cảnh báo thiên tai, các văn bản chỉ đạo của các cấp,….thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống đê kè, thủy lợi bảo đảm tưới tiêu và an toàn trong phòng, chống lụt, bão, úng. Củng cố, xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm, cấp bách. Năm 2019, lĩnh vực đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội được đầu tư với tổng kinh phí hơn 445 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cơ quan liên quan đã tham mưu rà soát, điều chỉnh, xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phòng chống thiên tai; xây dựng lực lượng phòng, chống thiên tai từ Thành phố đến các địa phương; tổ chức diễn tập nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng kế hoạch ứng phó với một số loại hình thiên tai nhằm giảm thiệt hại.
Năm 2017, 2018, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề đến đời sống, sản xuất của nhân dân, nhất là các huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thạch  Thất, Quốc Oai, trong đó các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức phải tổ chức huy động lực lượng sơ tán nhân dân đến nơi an toàn. Để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND TP Hà Nội đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đáng chú ý, các giải pháp cụ thể để phòng, chống thiên tai đã được nghiên cứu và triển khai như: Kiện toàn cơ quan chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ Thành phố đến các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong tình hình mới; ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên.

Theo sao.baophapluat.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: