Theo Kế hoạch này của UBND TP Hải Phòng, phòng chống thiên tai phải thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, phát huy mọi nguồn lực và trách nhiệm của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước trên địa bàn thành phố.
TP Hải Phòng chú trọng các tuyến đê sông, biển - nơi dễ xảy ra thiên tai.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đối khí hậu, bảo đảm an toàn tính mạng và giảm tổn thất về tài sản của nhân dân và Nhà nước. Tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.
TP Hải Phòng phấn đấu đến năm 2030 phải giảm được hậu quả do thiên tai gây ra, thấp hơn giai đoạn 2011 - 2020. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành được nâng cấp theo hướng đồng bộ, liên thông, 100% khu vực trọng điểm, xung yếu được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát.
UBND TP Hải Phòng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Phấn đấu đến năm 2030, giảm 50% thiệt hại thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ.
Lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai phải tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong công tác cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra.
Chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và kỹ năng phòng tránh thiên tai. Lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức bảo đảm các yêu cầu theo phương châm “bốn tại chỗ” cho người và vùng xảy ra thiên tai.
Thành phố cũng khuyến khích, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phòng, chống thiên tai, đề xuất và thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động liên quan đến phòng, chống thiên tai. Chú trọng sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong việc lập kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai cấp xã.
Giao Sở, ngành, địa phương và đơn vị phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai Kế hoạch, nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để việc thực hiện Chiến lược và Kế hoạch bảo đảm chất lượng và hiệu quả.
Theo doanhnghiep.vn