Đêm 13-10, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chìm trong mưa và bóng tối vì mất điện trên diện rộng. Trên tuyến Tỉnh lộ 11B qua xã Phong Xuân, nhiều phương tiện, lực lượng di chuyển về hướng thủy điện Rào Trăng 3.
Dồn tất cả nguồn lực gấp rút cứu người
Theo báo cáo về sự cố tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 vào tối 13-10 của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, lực lượng quân đội đã huy động 642 người, 93 phương tiện và 3 máy bay trực thăng tham gia ứng cứu những người mất tích. Đến 16 giờ 30 phút ngày 13-10, các lực lượng cứu hộ đã san, gạt thông được 10 km đường, cách vị trí nhà kiểm lâm bị vùi lấp khoảng 2 km.
Phương án tìm kiếm trong ngày 14-10 là tập trung đẩy nhanh tiến độ vào nhà kiểm lâm bị vùi lấp, tổ chức tìm kiếm 13 người mất tích; tiếp tục san, gạt thông đường vào thủy điện Rào Trăng 3, tổ chức tìm kiếm số công nhân bị mất tích.
Công nhân thủy điện Rào Trăng 3 bị thương được cứu hộ. Ảnh: ĐỨC NGHĨA
Trước đó, lúc 12 giờ ngày 12-10, một người dân gọi điện thoại trực tiếp cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông báo về sự cố sạt lở vùi lấp công nhân tại nhà máy Rào Trăng 3, sau đó điện thoại mất liên lạc.
Nhận được tin, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức đoàn công tác gồm 21 người gồm lãnh đạo UBND tỉnh, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam), Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phong Điền và một số cơ quan liên quan, đi kiểm tra để có phương án cứu hộ.
Đoàn xuất phát lúc 14 giờ ngày 12-10 từ Huyện ủy Phong Điền đi thủy điện Rào Trăng 3. Đến 16 giờ, đoàn đến ngầm tràn sâu trên Tỉnh lộ 71, ôtô không qua được. Vì vậy, đoàn đi bộ khoảng 13 km vào thủy điện. Đến 21 giờ cùng ngày, đoàn đến tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm Sông Bồ. Theo thông tin báo về tỉnh lúc 22 giờ, đoàn dừng nghỉ tại nhà kiểm lâm. Rạng sáng 13-10 xuất hiện tiếng nổ lớn, núi, đất đá bị sụt đổ trùm lên nhà kiểm lâm. Thông tin ban đầu cho biết 8 người thoát được ra ngoài; 11 cán bộ quân đội, 2 cán bộ địa phương hiện còn mất tích.
Xe cơ giới xử lý điểm sạt lở trên Tỉnh lộ 71. Ảnh: ĐỨC NGHĨA
Để tìm kiếm, cứu nạn những người mất tích, Sở Chỉ huy tiền phương được thành lập, đóng ở trụ sở UBND xã Phong Xuân dưới sự chỉ đạo chung của ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4, làm trưởng ban và ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, làm phó ban.
Chiều 13-10, thông qua hệ thống vô tuyến điện, công nhân Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 cho biết có 40 công nhân của Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (trong đó có 3 chuyên gia Ấn Độ) đã lội bộ băng rừng về thủy điện này. Đường đi đến thủy điện Rào Trăng 3 và 4 bị sạt lở nghiêm trọng, phải đi bằng đường thủy nhưng nước chảy xiết nên rất khó khăn. Công an tỉnh đã dùng canô tiếp cận được các công nhân, đưa 5 người của thủy điện Rào Trăng 3 bị thương nặng về cấp cứu tại bệnh viện.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, lúc 21 giờ cùng ngày xác nhận với Báo Người Lao Động rằng vẫn chưa thể xác định được trong nhóm khoảng 40 công nhân của thủy điện Rào Trăng 3 này có những công nhân bị nạn do sạt lở đất, mất tích đã được thông báo trước đó hay không...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tới xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo cứu hộ. Ảnh: QUANG NHẬT
Chạy đua trước bão số 7
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chiều 13-10 đã có mặt tại tỉnh Thừa Thiên - Huế để kiểm tra tình hình mưa lũ và công tác cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cũng vừa quyết định hoãn tổ chức Đại hội Đảng bộ để tập trung ứng phó thiên tai.
Báo cáo tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ở hội trường UBND xã Phong Xuân, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh cho biết Tỉnh lộ 71 dẫn vào điểm cứu hộ trạm kiểm lâm có 10 điểm sạt lở, còn từ vị trí này đến thủy điện Rào Trăng 3 có thể thêm nhiều điểm khác. Hiện đã khắc phục 7 điểm với hơn 10 km, lực lượng cứu hộ đã cách trạm kiểm lâm chỉ 2,5 km với 3 điểm sạt lở, cách Rào Trăng 3 chừng 10 km.
Theo Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Bộ Quốc phòng đã có phương án trinh sát đường không khi thời tiết cho phép; sẵn sàng các phương án cứu chữa người bị thương, vận chuyển ra ngoài.
Ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh thời gian cứu hộ, cứu nạn cần phải triển khai nhanh hơn vì bão số 7 dự báo đổ bộ vào ngày 14-10. "Đây là thời gian "vàng" nên mong Bộ Quốc phòng chuẩn bị phương án, cần thiết có thể hỗ trợ trực thăng để nhanh chóng tiếp cận các mục tiêu cần cứu hộ" - ông Thọ đề nghị.
Không được chủ quan
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chuyển lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ trước sự đau buồn, mất mát, lo âu của gia đình những người đang mất tích, gia đình có người bị chết do thiên tai nói chung; đặc biệt là những người đang mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hiện vẫn còn nhiều người mất tích, sơ bộ 30 người cả trên thủy điện Rào Trăng 3 và đoàn tham gia tìm kiếm cứu nạn ở vị trí sạt lở trạm kiểm lâm. Đây là sự việc có thể nói rất nghiêm trọng. "Nhiệm vụ số 1 là tìm được những người mất tích, cấp cứu người bị thương. Nhiệm vụ thứ hai là quan tâm hỗ trợ người dân khó khăn, đặc biệt ở vùng đang bị cô lập do lũ, để người dân không bị đói, rét, dịch bệnh và không có ai phải chịu cảnh màn trời chiếu đất" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Đối với cơn bão số 7 sắp tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương tiếp tục bảo đảm an toàn cho người dân, sẵn sàng sơ tán những nơi có nguy cơ cao. Đặc biệt, tiếp tục rà soát các khu vực dễ bị lũ ống, lũ quét để chủ động di dời. Các bộ: Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp các địa phương bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện.
"Không được chủ quan. Phải bảo đảm an toàn cho người dân. Trong khi đi cứu hộ cứu nạn phải giữ an toàn cho mình" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
Bão số 7 sẽ đổ bộ vào Bắc Bộ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ 19 giờ ngày 13-10 đến 19 giờ ngày 14-10, bão số 7 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới lúc 19 giờ ngày 14-10 trên đất liền khu vực Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 14 đến 16-10, khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt. Các tỉnh Nghệ An, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa đã ra lệnh cấm biển để bảo đảm an toàn cho ngư dân. Theo chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam, các sân bay Vinh (Nghệ An), Thọ Xuân (Thanh Hóa) đóng cửa từ 12 giờ đến hết 21 giờ ngày 14-10 do ảnh hưởng của bão.
V.Duẩn - D.Ngọc