Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin về diễn biến bão số 5 tại cuộc họp
Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bão số 5 có diễn biến nhanh. 10 giờ sáng nay, bão đạt cấp 8. Nhiều khả năng mỗi ngày bão sẽ tăng 1 - 2 cấp gió. Dự báo đến trưa hoặc chiều 18/9, bão số 5 sẽ tiếp cận vùng biển ven bờ các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ với cấp gió 11 - 12.
Khi vào đất liền, bão số 5 sẽ đạt cấp 10 - 11, vùng xa tâm bão đạt cấp 9. Vùng trọng tâm ảnh hưởng của bão sẽ là các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng… Do ảnh hưởng của bão nên từ chiều 17 đến 18/9, tổng lượng mưa tại các tỉnh trên có khả năng đạt 200 - 300mm; các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị… có thể lượng mưa đạt hơn 300 - 400mm. Do lượng mưa lớn, xảy ra dồn dập trong thời gian ngắn nên vùng núi các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng đồng bằng, đô thị có khả năng cao xảy ra ngập úng…
Ứng phó với bão số 5, lực lượng quân đội đã phối hợp với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận thông báo, hướng dẫn cho 61.702 tàu, thuyền hoạt động trên biển không đi vào hoặc thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão... Bộ Ngoại giao đã có công hàm đề nghị các quốc gia hỗ trợ ngư dân Việt Nam vào trú tránh bão. Các tỉnh miền Trung đã ban hành công điện chỉ đạo ứng phó, huy động lực lượng hỗ trợ Nhân dân thu hoạch lúa, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác dự báo, triển khai các phương án phòng ngừa, ứng phó… Nhận định đây là cơn bão có cường độ lớn nhất từ đầu năm đến nay, mức rủi ro đạt cấp độ 4, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản cho Nhân dân; trong đó, tập trung thực hiện phương án phòng ngừa, ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”; khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn; kiên quyết không để người dân hoạt động trên biển khi bão đổ bộ…
Đối với vùng ven biển, đồng bằng, các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay phương án bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn các công trình đê điều, hồ đập, nhất là công trình đang thi công, các vị trí trọng điểm, xung yếu; hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân gia cố nhà yếu, nhất là phần mái nhà, gia cố các trường học, bệnh viện, cột ăng ten viễn thông…
Đối với khu vực vùng núi và trung du, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, sơ tán ngay các hộ dân sinh ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay phương án vận hành hồ đập gắn với việc giữ nguồn nước và bảo đảm an toàn cho vùng hạ du…
Theo kinhtedothi.vn